KH-CN tạo đột phá các lĩnh vực sản xuất, đời sống

Hoạt động KH-CN đã có những đóng góp tích cực vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, logistics, cảng biển, góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư có chọn lọc theo định hướng của tỉnh.

Nhân viên Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Đông Xuyên kiểm tra hệ thống quan trắc tự động.

Nhân viên Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Đông Xuyên kiểm tra hệ thống quan trắc tự động.

DN CHỦ ĐỘNG ĐỔI MỚI KH-CN

KCN Đông Xuyên (TP. Vũng Tàu) có diện tích 160ha, với 66 DN hoạt động trong các lĩnh vực: may mặc, cơ khí, chế tạo giàn khoan, cung ứng nhân lực, chế biến hải sản… Trước đây, hầu hết nước thải sản xuất và sinh hoạt của các DN này đều đổ trực tiếp ra sông Dinh. Từ năm 2009, KCN Đông Xuyên đã đầu tư xây dựng 1 nhà máy xử lý nước thải tập trung với công nghệ SBR - hoạt động ngầm mẻ hóa lý, sinh học. Nhà máy này có công suất 3.000m3/ngày đêm, có thể xử lý nước thải cho tất cả các DN đóng trên địa bàn KCN Đông Xuyên. Từ khi có nhà máy xử lý nước tập trung, các DN nằm trong KCN phải xử lý trước khi đấu nối đường ống để xả nước thải về nhà máy XLNT. Nhờ đó tình trạng ô nhiễm về nước thải do hoạt động xả thải của các DN trong KCN giảm hẳn.

Nhiều DN khác cũng không ngừng đổi mới công nghệ, thay đổi nhiên liệu để nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế tối đa việc phát thải ra môi trường. Chẳng hạn, giải pháp xanh của Nhà máy giấy Sài Gòn (tại KCN Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành) là sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn dùng nhiên liệu là phụ phẩm nông nghiệp và các chất thải công nghiệp không nguy hại phát sinh từ hoạt động chế biến giấy công nghiệp và giấy sinh hoạt của nhà máy. Công nghệ này đã giúp Nhà máy Giấy Sài Gòn thay thế được nguồn nhiên liệu dầu FO, khí đốt, tiết kiệm được chi phí năng lượng và giải quyết được vấn đề môi trường liên quan đến các chất thải rắn thông thường phát sinh hàng ngày như phế liệu giấy đầu vào (nilon, giấy phế liệu không thể tái chế…).

Các DN đã chủ động đổi mới KH-CN để phát triển bền vững. Trong ảnh: Kỹ sư Nhà máy giấy Sài Gòn - Mỹ Xuân kiểm tra hệ thống vận hành sản xuất giấy bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường.

5 năm qua 2016-2020, BR-VT đã thu hút được 163 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 3,2 tỷ USD và 216 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 80 ngàn tỷ đồng. Nhiều dự án thu hút đầu tư trong giai đoạn có quy mô lớn và có khả năng tạo sự tác động phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới như: Nhà máy xử lý và tái chế bụi lò thép tại Việt Nam với 115 triệu USD, Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam - Tập đoàn Hyosung với 1,2 tỷ USD, Nhà máy kính nổi siêu trắng với 110 triệu USD, Kho tiếp nhận khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và tái hóa khí thiên nhiên Hải Linh với 4.971 tỷ đồng, Cảng tổng hợp Cái Mép với 2.000 tỷ đồng... Theo lãnh đạo tỉnh, BR-VT luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, tỉnh đã không thu hút đầu tư ồ ạt, mà thực hiện chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, trong đó tập trung vào các tiêu chí đánh giá chất lượng của dự án, ưu tiên các dự án ứng dụng KH-CN cao, thân thiện với môi trường…

KHCN ĐƯỢC TRIỂN KHAI RỘNG KHẮP

Theo ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN, hoạt động quản lý nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường theo hướng đặt hàng, có địa chỉ ứng dụng cụ thể gắn với nhu cầu thực tiễn của các ngành, địa phương, thực hiện theo phương thức khoán kinh phí kết quả đầu ra và cấp kinh phí thực hiện theo cơ chế quỹ. Cụ thể, năm 2020 tỉnh BR-VT đã triển khai thực hiện 22 nhiệm vụ, đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm, bao gồm:15 đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm chuyển tiếp, 2 dự án cấp bộ (thuộc chương trình Nông thôn miền núi) và 5 nhiệm vụ mới được phê duyệt trong năm 2020. “Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN được triển khai trên nhiều lĩnh vực như KH-CN biển, khoa học xã hội và nhân văn, CNTT, nông nghiệp, y dược… Một số dự án tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số đề tài, dự án triển khai nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đã được triển khai tích cực... góp phần hình thành, củng cố các luận cứ, cơ sở dữ liệu KH-CN, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở địa phương”, ông Thanh khẳng định.

Bên cạnh đó, công tác quản lý công nghệ tiếp tục được tăng cường, có sự nỗ lực hơn, trong đó công tác thẩm định, góp ý về công nghệ của các dự án làm cơ sở xem xét quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh. Cụ thể năm 2020, Sở KH-CN đã thẩm định, có ý kiến về công nghệ cho 36 dự án đầu tư, trong đó gồm 23 dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, 13 dự án nhóm B theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Đặc biệt trong năm 2020, Sở KH-CN đã tổ chức hội đồng tư vấn thẩm định công nghệ cho hơn 10 dự án; tiếp tục có sự chuyển giao công nghệ với 2 hợp đồng giá trị cao theo hình thức chuyển giao công nghệ trong dự án đầu tư, loại hình có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng giá trị thực hiện phần chuyển giao công nghệ đạt hơn 13 triệu USD, tương đương 302,45 tỷ đồng.

Hoạt động ứng dụng tiến bộ KH-CN đã triển khai 14 nhiệm vụ, trong đó nhiều nhiệm vụ gắn với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, một số dự án ứng dụng công nghệ có sự hợp tác quốc tế được triển khai, đóng góp tích cực vào phát triển khu vực nông thôn, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202101/kh-cn-tao-dot-pha-cac-linh-vuc-san-xuat-doi-song-919140/