KH&CN Đồng bằng Sông Cửu Long có những bước tiến nổi bật

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương tại Hội nghị Giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ XXV diễn ra vào sáng 27/7 tại TP. Mỹ Tho.

Theo đó, những bước tiến đó cụ thể là hành lang pháp lý ngày càng được hoàn thiện, đặc biệt là pháp lý về tài chính cho KH&CN, xử lý kết quả nghiên cứu và phát triển KH&CN. Cơ cấu tổ chức, chức năng được bổ sung, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Cơ cấu tổ chức được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Hoạt động KH&CN ngày càng đi sâu, gắn kết và đóng góp nhiều hơn vào thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế xã hội.

Thực tế, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL đã triển khai hơn 630 đề tài, dự án thuộc các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y dược.

Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất là các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp với 282 nhiệm vụ, tương đương 44,7%. Các nhiệm vụ sau khi kết thúc đều tạo ra được các sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao, đáp ứng được mục tiêu đề ra, kết quả, sản phẩm có khả năng ứng dụng và nhân rộng cao.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN)

Các nhiệm vụ KH&CN tại địa phương đã từng bước được đổi mới từ khâu đề xuất, xác định nhiệm vụ, thẩm định nội dung thuyết minh chi tiết đến nghiệm thu, ứng dụng kết quả nghiên cứu sau nghiệm thu phục vụ sản xuất và đời sống được cải tiến theo hướng nâng cao trách nhiệm và quyền chủ động trong đề xuất đặt hàng, thực hiện nhiệm vụ KH&CN đối với các tổ chức, cá nhân chủ trì; nâng cao hiệu quả ứng dụng của các nhiệm vụ KH&CN phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Có một số địa phương đã hình thành được các Chương trình KH&CN theo lĩnh vực để có sự ưu tiên trong đầu tư, tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực (Lúa chất lượng cao, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cây ăn quả có múi, xoài cát Hòa lộc,...) của địa phương theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất (Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre,..).

Các địa phương phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với Bộ KH&CN trong quá trình triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia (Chương trình NTMN, Chương trình Đổi mới CNQG, Chương trình TNB, Nhiệm vụ cấp thiết địa phương,...), đã bước đầu làm chủ được nhiều công nghệ mới, công nghệ cao có tính đột phá (công nghệ VOC tách chiết tinh dầu dừa không gia nhiệt, công nghệ sản xuất phân bón chất lượng cao 3 trong 1, công nghệ chế biến dầu ăn cao cấp từ mỡ cá Tra, công nghệ Teatrapark chế biến, bảo quản nước dừa và sữa dừa, công nghệ sản xuất gạch không nung,...) tạo cho nhiều doanh nghiệp trong vùng phát triển sản xuất mạnh mẽ, có khả năng cạnh tranh cao, thu hút hàng nghìn lao động tại các địa phương và có đóng góp đáng kể cho kinh tế của các địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại mà ngành KH&CN cần phải trao đổi, thảo luận tại Hội nghị. Trong đó, 3 nhóm vấn đề lớn nhất là:

Thứ nhất, phần lớn kết quả nghiên cứu KH&CN đã được chuyển giao ứng dụng nhưng vấn đề thương mại hóa chưa cao; khả năng nhân rộng của các đơn vị tiếp nhận kết quả nghiên cứu còn nhiều hạn chế...

Thứ hai, các mô hình ứng dụng KH&CN vào sản xuất đạt hiệu quả, nhưng vốn đầu tư mô hình còn hạn chế, việc đầu tư còn phân tán, quy mô nhỏ nên chưa tạo sự chuyển biến lớn trong sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa. Diện tích đất sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ nên khó thực hiện công tác liên kết trong sản xuất, không đảm bảo trong khâu cung cấp sản phẩm.

Thứ ba, nguồn tài chính cho hoạt động KH&CN ở địa phương còn hạn hẹp. Công tác xã hội hóa các hoạt động KH&CN đặc biệt là huy động nguồn vốn đầu tư cho KH&CN vẫn còn hạn chế do chưa có qui định về hợp tác công tư trên lĩnh vực KH&CN. Doanh nghiệp đã bước đầu quan tâm đầu tư, nghiên cứu KH&CN nhưng vẫn chưa tương xứng.

Đại biểu tham gia Hội nghị chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN)

Do đó, đại diện các Sở KH&CN vùng ĐBSCL kiến nghị, đề xuất đến Bộ KH&CN và đã được ghi nhận. Cụ thể, các đề xuất, kiến nghị bao gồm: sớm ban hành Quyết định phê duyệt định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực KH&CN để các tổ chức KH&CN công lập căn cứ vào đó thực hiện; Có đề án cấp kinh phí hỗ trợ lần đầu cho Quỹ Phát triển KH&CN của tỉnh đi vào hoạt động.

Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách về hợp tác công tư trong lĩnh vực KH&CN; Hướng dẫn các địa phương xác định và cải thiện Chỉ số Đổi mới sáng tạo tại địa phương theo quy định tại Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ; Ban hành các văn bản hướng dẫn phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là các định mức, cơ chế hỗ trợ cụ thể để địa phương áp dụng thực hiện; Đề nghị ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hơn đối với quy định “thử nghiệm lại đối với mẫu lưu”…

Chủ trì Hội nghị là Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Phạm Đại Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn với sự tham gia của đại diện 13 tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hội nghị được Bộ KH&CN tổ chức hai năm một lần, là một hoạt động cần thiết, nhằm tạo điều kiện chia sẻ kinh nghiệm, quản lý, liên kết và trao đổi thông tin phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, qua đó đưa ra những định hướng phát triển KH&CN cho Vùng trong những năm tiếp theo. Năm nay, Hội nghị được tổ chức dưới sự phối hợp của Bộ và UBND tỉnh Tiền Giang.

Phan Minh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/khcn-dong-bang-song-cuu-long-co-nhung-buoc-tien-noi-bat-d417576.html