Kêu thiếu kinh phí nhưng chưa 'xài' hết ngân sách làm đường, chống ngập

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn chứng nhiều số liệu cụ thể về vấn đề này tại hội nghị lần thứ 22 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X (nhiệm kỳ 2015 - 2020).

Ngập nước đường Lương Định Của, Q.2, TP.HCM - Ảnh: Độc Lập

Hội nghị khai mạc tại Hội trường Thành ủy ngày hôm qua.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho hay trong việc phát triển kinh tế TP thì trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng. Từ đó ông nói khi người dân đề nghị sửa đường, giải quyết chống ngập thì thường những người đứng đầu sở ngành viện lý do thiếu kinh phí. Điều này chỉ đúng một phần bởi trên thực tế nhiều sở ngành không dùng hết ngân sách đầu tư công trong năm nay.

Ông Nhân dẫn chứng Ban Quản lý (BQL) Khu nông nghiệp công nghệ cao TP đến hết tháng 10.2018 giải ngân 70%, BQL đầu tư nâng cấp công trình đô thị giải ngân được 59%, BQL Khu công nghệ cao TP giải ngân 38%, Sở NN-PTNT TP tổng kinh phí 138 tỉ đồng, giải ngân 59%. Đặc biệt Sở GTVT có ngân sách đầu tư lên tới 4.500 tỉ đồng nhưng giải ngân mới đạt 58%, tức mới giải ngân 2.600 tỉ đồng.

“Người ta hỏi đường sá khó khăn có thiếu kinh phí không? Theo số liệu là không thiếu”, ông Nhân nói và cho biết vấn đề giải quyết ngập nước, kinh phí đầu tư năm nay của TP lên tới 1.129 tỉ đồng nhưng mới giải ngân được 53%. “Hai lĩnh vực gây bức xúc nhất của người dân đến nay giải ngân chưa tới 60%. Hai người đứng đầu lĩnh vực này cần phải thấy trách nhiệm của mình với Đảng bộ TP và người dân”, ông Nhân nói.

Ông Nhân cũng liệt kê một loạt sở ngành, quận huyện, công ty có tiến độ giải ngân chậm. Đáng chú ý, Sở QH-KT ngân sách hơn 3 tỉ đồng giải ngân có 2%; Sở Công thương ngân sách cấp 18 tỉ đồng nhưng giải ngân được 1,1%; Q.Bình Thạnh ngân sách 800 tỉ đồng, giải ngân có 10%, Q.Tân Bình 857 tỉ đồng, giải ngân hơn 5%... Từ đó ông Nhân yêu cầu sở ngành, quận huyện phải rà soát nội dung, kiểm điểm việc chậm sử dụng ngân sách đầu tư công 3 năm qua và đề xuất biện pháp thay đổi, xử lý. Không thể để tiếp tục xu hướng này cho 2 năm cuối của nhiệm kỳ.

Bên hành lang hội nghị, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP, lý giải việc chậm giải ngân là do nhiều công trình bị ách tắc về phần mặt bằng. Ông Cường cho biết qua rà soát hiện có 58 công trình thuộc các đơn vị của Sở GTVT với tổng số vốn 944 tỉ đồng bị ách tắc mặt bằng. Nếu giải quyết được mặt bằng cho số dự án này thì tỷ lệ giải ngân của Sở GTVT sẽ đạt 80% chứ không phải 54% như báo cáo nêu. Về giải pháp, ông Cường cho hay TP đang chỉ đạo xây dựng cơ chế riêng, đặc thù và đột phá về giải phóng mặt bằng, từ đó tạo điều kiện cho công trình sớm triển khai.

Trong hai ngày rưỡi làm việc, hội nghị sẽ thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế, xã hội, Nghị quyết 54, công tác cán bộ… Hội nghị bế mạc vào trưa 1.12.

Báo cáo tiến độ giải quyết dự án Thủ Thiêm trước HĐND TP

Bên lề hội nghị, trả lời Thanh Niên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết ngày 28.11, ông đã có báo cáo với Thường vụ Thành ủy về tiến độ giải quyết vấn đề Thủ Thiêm và sẽ báo cáo tại kỳ họp HĐND TP vào đầu tháng 12 tới.

Theo ông Phong, qua các buổi tiếp xúc, người dân phản ánh một số vấn đề nằm ngoài Kết luận 1483 của Thanh tra Chính phủ. Do đó hiện ông đang chỉ đạo UBND TP và Q.2 ghi nhận hết ý kiến để từ đó báo cáo, xin ý kiến Chính phủ. Khó khăn lớn nhất hiện nay khi giải quyết khiếu nại tại Thủ Thiêm chính là vấn đề đền bù và tái định cư. UBND TP đã vận dụng linh hoạt mọi chính sách để làm sao bảo đảm quyền lợi cho người dân Thủ Thiêm và tuân thủ quy định pháp luật. Ngoài Thủ Thiêm, sắp tới UBND TP cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ giải quyết khiếu nại ở dự án Khu công nghệ cao (Q.9), dự án Safari (Củ Chi).

Trung Hiếu

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/keu-thieu-kinh-phi-nhung-chua-xai-het-ngan-sach-lam-duong-chong-ngap-1028507.html