Kêu gọi hủy dự án thủy điện Sanakham trên sông Mekong

Nhiều tổ chức phi chính phủ và người dân Thái Lan hôm nay tiếp tục kêu gọi hủy dự án đập thủy điện Sanakham, nhằm bảo vệ hệ sinh thái mong manh của sông Mekong.

 Sông Mekong đoạn chảy qua Chiang Khan, Thái Lan. Ảnh: Alamy

Sông Mekong đoạn chảy qua Chiang Khan, Thái Lan. Ảnh: Alamy

Áp lực đang tiếp tục gia tăng ngay trong thời điểm diễn ra sự kiện kép gồm hội nghị lần thứ 27 của Ủy hội sông Mekong (MRC) hội nghị lần thứ 25 của Nhóm Tư vấn Đối tác Phát triển, quy tụ các bộ trưởng từ Campuchia, Lào, Việt Nam và các đối tác từ EU, Australia, New Zealand và Mỹ.

Hai sự kiện này đều tổ chức trực tuyến hôm nay (27/11) do chính phủ Lào chủ trì với chủ đề trọng tâm là phác thảo kế hoạch phát triển 10 năm dọc sông Mekong. Tuy nhiên theo giới quan sát, sức nóng ở bên ngoài đặc biệt là người cộng đồng dân sự Thái Lan tiếp tục gây sức ép lên chính phủ yêu cầu từ chối mua điện từ dự án thủy đện Sanakham, do doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng vừa khởi công và dự kiến hoàn thành năm 2028.

Theo tờ Bangkokpost, dự án thủy điện Sanakham có công suất lắp đặt 684 MW và tổng vốn đầu tư hơn 2 tỉ USD nằm trên sông Mekong, vị trí giáp ranh biên giới Thái - Lào, khoảng 2km về phía thượng lưu ở tỉnh Loei, miền bắc Thái Lan.

Ông Prayoon Saen-ae, 62 tuổi, người đứng đầu một nhóm ngư dân ở huyện Chiang Khan, tỉnh Loei cho biết mùa này con nước thường lên xuống thất thường và không chảy tự nhiên nữa nên cá tôm ít dần vì không thể đẻ trứng.

“Chúng tôi đã từng phản đối dự án thủy điện Xayaburi , và rất khó khăn bởi nó nằm trên đất Lào - không phải của chúng tôi, trong khi đó chính phủ Thái Lan cũng không giúp được gì và họ luôn viện dẫn ra những lời bào chữa ”, ông Prayoon Saen-ae cho biết.

Trước đó, MRC đã chính thức khởi động giai đoạn tham vấn trước 6 tháng về dự án đập Sanakham do Trung Quốc hậu thuẫn vào ngày 30/7. Tuy nhiên dự án đập thủy điện 684 MW này vẫn được công ty con Datang International Power Generation (thuộc tập đoàn điện lực Trung Quốc) khởi công và trở thành dự án thứ bảy trên dòng chính sông Mekong ở Lào.

Theo mạng lưới Save the Mekong (Liên minh Cứu sông Mekong), mặc dù đập thủy điện Sanakham được đề xuất xây dựng trên dòng chính sông Mekong, nhưng không có các nghiên cứu, đánh giá một cách thận trọng cũng như các tham vấn thực chất về tác động xuyên biên giới của dự án này.

Các nhà khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu cùng với hệ thống hàng loạt các dự án thủy điện ở khu vực thượng nguồn sông Mekong đã khiến cho dòng chảy và mực nước lên xuống khó lường, từ đó gây ra những tác động ngược cho vùng hạ lưu. Ngoài ra hầu hết các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và xã hội xuyên biên giới của dự án đập Sanakham đều lỗi thời và sao chép y chang nội dung từ dự án đập Pak Lay trước đó.

Channarong Wongla, 50 tuổi, thuộc Nhóm Bảo tồn Rak Chiang Khan (Thái Lan),cho biết: “Dân làng đều biết rõ về nguy cơ từ con đập này, nhưng họ không biết phải làm gì với nó. Chúng tôi trao đổi thông tin và thông báo cho dân làng thông qua ứng dụng nhắn tin Line và trên các nhóm hội Facebook”.

Các tổ chức phi chính phủ tại Thái Lan, như Save the Mekong và Mạng lưới Nhân dân của lưu vực sông Mekong hiện cũng gây sức ép và chỉ trích việc xây dựng đập Sanakham vì lo ngại những tác động tiêu cực về môi trường cũng như hạn hán nghiêm trọng tái lặp.

Bản đồ mô tả hệ thống đập thủy điện trên dòng Mekong (màu xanh là dự án đã vận hành, màu vàng là đang xây dựng và màu đỏ là đã quy hoạch). Đồ họa: Chinadialogue

Nhà hoạt động môi trường Gary Lee thuộc Tổ chức Sông ngòi quốc tế ở Thái Lan, cho biết: “Rất không nên xây thêm đập Sanakham vì nó vừa rủi ro và tốn kém. Tỉnh Loei vốn đã bị ảnh hưởng bởi đập Xayaburi rồi, và tới đây những tác động bao gồm mực nước dao động, phù sa bị phá vỡ và gián đoạn trầm tích quan trọng sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản và thu nhập của cộng đồng”.

Theo các nhà quan sát, sự tham gia của Trung Quốc vào dự án đập Sanakham cùng với việc họ tiếp tục tài trợ cho các đập thủy điện Pak Lay và Pak Beng cũng như nhiều khoản đầu tư cho các dự án ở Lào đang khiến các nhà hoạt động và chính phủ Thái Lan lo ngại.

Kim Long

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/keu-goi-huy-du-an-thuy-dien-sanakham-tren-song-mekong-d278780.html