Kêu gọi hợp tác phục hồi kinh tế

Theo TTXVN và tin nước ngoài, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cảnh báo, thế giới đứng trước nguy cơ một thập niên mất mát và bất bình đẳng sâu sắc do đại dịch Covid-19, nếu các nước chọn biện pháp 'thắt lưng, buộc bụng' làm chính sách chủ đạo. UNCTAD kêu gọi các nước phối hợp hành động khẩn cấp vì mục tiêu phục hồi kinh tế nhanh hơn.

Theo TTXVN và tin nước ngoài, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cảnh báo, thế giới đứng trước nguy cơ một thập niên mất mát và bất bình đẳng sâu sắc do đại dịch Covid-19, nếu các nước chọn biện pháp "thắt lưng, buộc bụng" làm chính sách chủ đạo. UNCTAD kêu gọi các nước phối hợp hành động khẩn cấp vì mục tiêu phục hồi kinh tế nhanh hơn.

Trong tuyên bố chung sau hội nghị cấp bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các nước thành viên cam kết áp dụng mọi biện pháp nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch. Các bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết đẩy mạnh hoạt động sản xuất và thương mại, nhất là trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe.

Công ty Tokyo Shoko Research công bố kết quả điều tra cho thấy, số doanh nghiệp Nhật Bản phá sản do ảnh hưởng dịch Covid-19 có xu hướng tăng trong tháng 9, sau khi ghi nhận đà giảm trong các tháng trước. Theo Hiệp hội Du lịch Hàn Quốc, gần một nghìn đại lý du lịch ở nước này phải đóng cửa do dịch Covid-19. Dịch bệnh khiến lượng du khách quốc tế đến Hàn Quốc trong sáu tháng đầu năm 2020 giảm 75% so cùng kỳ năm ngoái.

Chính phủ Ô-xtrây-li-a ký thỏa thuận tham gia sáng kiến vắc-xin toàn cầu COVAX, cùng 155 quốc gia khác góp phần bảo đảm sự tiếp cận công bằng đối với các loại vắc-xin ngừa Covid-19. Mê-hi-cô cũng thông báo thông qua thỏa thuận tham gia COVAX trong tuần này.

Hãng dược phẩm Sanofi của Pháp và Công ty GSK của Anh cam kết cung ứng 72 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho Ca-na-đa. Sanofi và Công ty GSK có kế hoạch xin cấp phép cho vắc-xin trong nửa đầu năm 2021 sau khi tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng ở người.

Trong khi đó, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nước. Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch, với số người chết do Covid-19 đã vượt 200 nghìn người, chiếm hơn một phần năm số người chết trên thế giới. Giới chức y tế công cộng Ca-na-đa cảnh báo, dịch bùng phát mạnh tại nước này nếu người dân không hạn chế tiếp xúc.

Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, song Chính phủ Séc không có kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp. Ưu tiên của Séc là vừa ứng phó dịch bệnh vừa thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Dịch Covid-19 cũng chưa có dấu hiệu lắng dịu tại Trung Ðông. Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) xác nhận thêm 852 ca nhiễm; Gioóc-đa-ni và I-ran lần lượt có thêm 634 và 3.712 ca; và đây là mức tăng theo ngày cao nhất tại hai nước này.

Sau bảy tháng tạm dừng do dịch Covid-19, A-rập Xê-út mở lại hoạt động hành hương đến hai thánh địa Méc-ca và Mê-đi-na theo lộ trình từng bước. Theo đó, công dân và người nước ngoài tại A-rập Xê-út được thực hiện lễ hành hương từ tháng 10, người hành hương từ nước ngoài được tham gia từ tháng 11 tới.

Chính phủ I-xra-en thông qua kế hoạch mở rộng mạng lưới an toàn kinh tế quốc gia để ứng phó tác động của dịch bệnh. Theo đó, triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và người lao động. Số ca nhiễm Covid-19 tại I-xra-en đã vượt 200 nghìn người.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/keu-goi-hop-tac-phuc-hoi-kinh-te-617826/