Kêu gọi hiến kế nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế

Các doanh nghiệp, doanh nhân của Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hiến kế phát triển kinh tế cho Đảng, Nhà nước có thể giành giải thưởng trị giá 300 triệu đồng.

Chiều 3/9, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Lễ phát động cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”.

Nội dung góp ý, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân nhằm nhận diện, phản ánh về các vấn đề lớn, quan trọng cần giải quyết; những khó khăn, cản trở trong thực tiễn, đồng thời đưa ra biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Các lãnh đạo tham dự lễ phát động cuộc vận động. Ảnh: Thành Trung.

Các lãnh đạo tham dự lễ phát động cuộc vận động. Ảnh: Thành Trung.

Thời gian tiếp nhận góp ý, đề xuất tính từ sau ngày tổ chức lễ phát động đến 31/12/2019.

Đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân đạt giải đặc biệt sẽ nhận phần thưởng 300 triệu đồng; 3 giải nhất mỗi giải 100 triệu đồng; 5 giải nhì mỗi giải 50 triệu đồng; 10 giải ba mỗi giải 20 triệu đồng và 20 giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng.

Cơ chế bất cập là lực cản phát triển kinh tế

Phát biểu phát động cuộc vận động, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhắc lại lịch sử cách đây 74 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế, và tư tưởng ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ông Bình nhấn mạnh Đảng luôn xác định và thực hiện quan điểm nhất quán phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, đồng thời đã ban hành nhiều đường lối, chủ trương quan trọng về đổi mới và phát triển kinh tế đem lại thành tựu phát triển kinh tế to lớn.

Tuy nhiên, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng trên thực tế, doanh nghiệp, doanh nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động, và nền kinh tế nước ta chưa phát triển nhanh và bền vững, trong đó có nguyên nhân quan trọng là thể chế, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Đây đang là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của nước ta cũng như hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, doanh nhân.

“Cuộc vận động nhằm khẳng định sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước”, ông Bình nhấn mạnh.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Thành Trung.

Theo ông, cuộc vận động này cũng thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa Đảng và Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên tinh thần doanh nghiệp, doanh nhân hết lòng vì Đảng, Nhà nước và phụng sự Tổ quốc, nhân dân; Đảng và Nhà nước trân trọng lắng nghe các ý kiến góp ý, tiếp thu các đề xuất, sáng kiến của doanh nghiệp, doanh nhân để lãnh đạo, điều hành đất nước phát triển nhanh và bền vững.

“Mọi góp ý, đề xuất, sáng kiến của doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, quy mô lớn hay nhỏ, ở trong hay ngoài nước, của Nhà nước hay tư nhân đều được trân trọng tiếp nhận, tổng hợp, xem xét, chuyển tới các cơ quan của Đảng, Nhà nước liên quan để phục vụ cho việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Thủ tục hành chính phiền hà, chi phí không chính thức còn lớn

Đánh giá cao cuộc vận động, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ là đối tượng được điều chỉnh bởi cơ chế, chính sách, mà chính họ phải có tiếng nói và tham gia vào quá trình hoàn thiện và xây dựng các cơ chế, chính sách.

“Chỉ có như vậy thì các cơ chế, chính sách mới phản ánh kịp thời, sát nhất với thực tiễn cuộc sống, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch”, ông Mẫn nói.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Thành Trung.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhìn nhận việc doanh nghiệp, doanh nhân góp ý xây dựng thể chế chính sách phát triển kinh tế không phải là việc làm mới.

Song, cuộc vận động có ý nghĩa đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên Đảng và Nhà nước ta tổ chức ở quy mô lớn và rộng khắp để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách trong thời gian tới.

Nhưng theo ông, hiện thủ tục hành chính ở Việt Nam còn phiền hà, thời gian và chi phí cho thủ tục hành chính vẫn còn cao, chi phí không chính thức còn lớn; hệ thống pháp luật kinh doanh vẫn còn những điểm thiếu minh bạch, thiếu nhất quán, chưa bình đẳng đang cản trở và trói buộc những nỗ lực phát triển của các địa phương và doanh nghiệp.

Vì vậy, theo Chủ tịch VCCI, việc thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là dư địa và động lực quan trọng bậc nhất cho sự phát triển kinh tế ở Việt Nam.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/keu-goi-hien-ke-nham-hoan-thien-co-che-chinh-sach-phat-trien-kinh-te-post985969.html