Kêu gọi giãn nợ cho các nước nghèo

Theo Reuters, ngày 7-4, gần 140 nhóm hành động và các tổ chức từ thiện kêu gọi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), các chính phủ thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cùng các chủ nợ tư nhân giúp các nước nghèo nhất thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 bằng cách hoãn thanh toán nợ.

Lời kêu gọi nêu trên, do nhóm hành động Jubilee Debt có trụ sở tại Anh dẫn đầu, đưa ra một ngày trước cuộc họp dự kiến của G20 về việc hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó dịch Covid-19. Các nhóm và tổ chức trên kêu gọi hoãn ngay lập tức việc thanh toán nợ của 69 quốc gia nghèo trong năm 2020, ước tính vào khoảng 25 tỷ USD, hoặc lên tới 50 tỷ USD nếu được gia hạn đến năm 2021. Bên cạnh đó, chiến dịch còn kêu gọi thực thi giãn nợ hoặc hỗ trợ tài chính bổ sung không đi kèm các điều kiện về chính sách kinh tế, trong đó có “thắt lưng buộc bụng”, cũng như kêu gọi G20 rút lại các quy định khẩn cấp nhằm không để các chủ nợ tư nhân kiện các nước nghèo.

* Hiện chính phủ nhiều nước cũng như các thể chế lớn đã thúc đẩy một số biện pháp mà các nhóm trên kêu gọi. Theo đó, IMF đang cung cấp 50 tỷ USD trích từ các quỹ tài chính khẩn cấp và WB đã phê duyệt gói đối phó Covid-19 trị giá 14 tỷ USD. Tuy nhiên, các chính phủ châu Phi cho rằng, động thái nêu trên vẫn chưa đủ. Trong một đề xuất đưa ra trước thềm cuộc họp của G20, Ethiopia khẳng định, riêng châu Phi có thể cần tới 150 tỷ USD hỗ trợ.

* Ngày 6-4, Chính phủ Argentina ra sắc lệnh về việc lùi tới năm 2021 thời hạn thanh toán lãi suất và khấu hao gốc các khoản nợ công bằng USD được phát hành trong nước với trị giá khoảng 9,8 tỷ USD do tác động của đại dịch Covid-19. Như vậy, từ nay cho tới cuối năm 2020, Chính phủ Argentina sẽ không thanh toán các trái phiếu bằng USD được phát hành theo luật Argentina (không chịu sự điều chỉnh của trọng tài quốc tế) để chờ đợi quá trình đàm phán nhằm cơ cấu lại khoản nợ hơn 68 tỷ USD với các chủ nợ tư nhân thuộc thẩm quyền nước ngoài.

* Ngày 6-4, Phó Thủ tướng Thái-lan Xổm-kít Gia-tu-xri-pi-tác cho biết, chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động là một phần trong loạt biện pháp kích thích kinh tế thứ ba của chính phủ Thái-lan nhằm giảm nhẹ tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế nước này. Hiện Bộ Đào tạo sau đại học, khoa học, nghiên cứu và sáng tạo Thái-lan đang tổ chức các chương trình đào tạo nghề cho 40.000 người mất việc vì dịch Covid-19. Các chương trình này có chi phí khoảng 144 triệu bạt (4,5 triệu USD) và sẽ được giải ngân từ ngân sách tài khóa 2020.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43981202-keu-goi-gian-no-cho-cac-nuoc-ngheo.html