Kêu gọi G20 'nghiêm túc' với vấn đề năng lượng tái tạo

Các CEO hàng đầu trong ngành điện gió toàn cầu đã gửi thư ngỏ tới các nhà lãnh đạo của G20 kêu gọi các thành viên của nhóm các nước G20 thể hiện vai trò lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng khí hậu, bằng cách nâng cao tham vọng quốc gia và khẩn trương đưa ra các kế hoạch cụ thể để tăng sản lượng điện gió, nhằm thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Giải pháp năng lượng sạch có tiềm năng nhằm giúp thế giới đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris (Ảnh: Thử Công/TTXVN)

Giải pháp năng lượng sạch có tiềm năng nhằm giúp thế giới đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris (Ảnh: Thử Công/TTXVN)

Đại diện cho Liên minh Điện gió Toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26, 25 CEO đã gửi thư ngỏ tới các nhà lãnh đạo của G20, tuyên bố rằng họ ghi nhận những nỗ lực của các nước G20 trong việc giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu và hoan nghênh sự cam kết ngày càng tăng trong việc đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, nhưng cam kết phát thải ròng bằng 0 của các nước G20 hiện tại vẫn khiến mức tăng nhiệt của thế giới ở ngưỡng 2.4 độ C, mức tăng nhiệt này là quá cao để tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.

Là nhóm quốc tế đại diện cho phần lớn dân số thế giới và hơn 80% lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng toàn cầu, vì vậy các nhà lãnh đạo của các quốc gia này có quyền lực và nghĩa vụ công cộng nhằm tăng cường ý chí chính trị tập thể và nghiêm túc trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Giám đốc điều hành GWEC Ben Backwell cho biết: “Các quốc gia này cần nghiêm túc trong vấn đề năng lượng tái tạo và đặc biệt là năng lượng gió bởi đó là giải pháp năng lượng sạch có tiềm năng nhất nhằm giúp thế giới đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris”.

Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và năng lượng gió trở thành nguồn sản xuất điện chính trên toàn cầu theo kịch bản năm 2050, thì việc triển khai hệ thống gió hàng năm phải tăng gấp bốn lần, từ 93 GW vào năm 2020 lên 390 GW vào năm 2030.

Các dự báo tăng trưởng hiện tại cho thấy việc lắp đặt năng lượng gió thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng nhanh chóng cần thiết. Nếu tốc độ tăng trưởng này kéo dài, công suất điện gió toàn cầu sẽ thiếu hụt đáng kể, khoảng 43% công suất gió cần thiết cho tính trung hòa carbon vào năm 2050.

“Các nước G20 sở hữu sức mạnh to lớn để giảm thiểu khí thải dưới dạng tài nguyên gió. Có 56.000 GW tiềm năng kỹ thuật gió ngoài khơi cố định và nổi trên khắp các quốc gia G20 ngày nay, phần lớn trong số đó vẫn chưa được khai thác. Với tốc độ lắp đặt điện gió hiện nay trên toàn thế giới, các dự báo cho thấy rằng chúng ta sẽ chỉ xây dựng được chưa tới một nửa công suất điện gió cần thiết để đạt mục tiêu không phát thải vào năm 2050”. bà Rebecca Williams, Giám đốc COP26 của GWEC cho biết.

Để đạt được mức độ triển khai cần thiết này, thư ngỏ kêu gọi các quốc gia G20: Thứ nhất, nâng cao tham vọng điện gió ở tầm cỡ quốc gia thông qua các mục tiêu NDC được cập nhật và chiến lược khí hậu quốc gia, phản ánh các mục tiêu công suất cao hơn đối với năng lượng gió và năng lượng tái tạo và cấm xây dựng,đầu tư than mới.

Thứ hai, thực hiện hiệu quả các chính sách và khuôn khổ pháp lý cho quá trình mua bán và cung cấp năng lượng tái tạo, bao gồm các chương trình cấp phép hợp lý và hợp lý để giảm tỷ lệ tiêu hao dự án gió, ưu tiên phát triển dựa trên năng lượng tái tạo và phát triển môi trường lành mạnh.
Thứ ba, cam kết xây dựng nhanh chóng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch bao gồm lưới điện và đường truyền, thông qua kiến thức chuyên môn tổng hợp và tăng cường đối thoại giữa các nhà vận hành hệ thống, cơ quan quản lý và tiện ích.

Thứ tư, đồng ý với các cơ chế định giá carbon hiệu quả và đáng tin cậy.

Thứ năm, điều chỉnh các dòng tài chính quốc gia và khu vực phù hợp với tiêu chuẩn nhằm giữ mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5 ° C.

Thứ sáu, xây dựng các chính sách gắn kết và toàn diện nhằm dành nguồn lực công cho công tác chuyển dịch sang nền kinh tế không phát thải. Bao gồm các chương trình chuyển đổi lao động và đào tạo lại kỹ năng có thể xác định các cơ hội việc làm thay thế bằng năng lượng sạch cho người lao động.

Trong 20 năm qua, ngành điện gió đã chứng tỏ khả năng tăng sản lượng theo cấp số nhân, đồng thời đã giảm chi phí, tạo ra hàng triệu việc làm đòi hỏi tay nghề cao cũng như thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng quy ở mô lớn.

Thư ngỏ cũng nhấn mạnh rằng, để đạt được quy mô và tốc độ triển khai cần thiết để tận dụng những lợi ích này cũng như đạt được tham vọng không phát thải, là không thực tế trong điều kiện “hoạt động như bình thường” hiện nay và sẽ không thể đạt được nếu không có sự thay đổi chính sách cấp thiết và mang tính quyết định ở các nước G20.../.

Đỗ Hạnh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/keu-goi-g20-nghiem-tuc-voi-van-de-nang-luong-tai-tao-585891.html