Kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết chống dịch Covid-19

Reuters và TTXVN ngày 1-4 đưa tin, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết và hợp tác trên các mặt trận kinh tế - xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch. LHQ đang thành lập một quỹ tín thác về ứng phó với đại dịch để hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình nhằm đối phó với tình hình khẩn cấp và phục hồi sau cú sốc kinh tế - xã hội.

Reuters và TTXVN ngày 1-4 đưa tin, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết và hợp tác trên các mặt trận kinh tế - xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch. LHQ đang thành lập một quỹ tín thác về ứng phó với đại dịch để hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình nhằm đối phó với tình hình khẩn cấp và phục hồi sau cú sốc kinh tế - xã hội.

* Cùng ngày, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) kêu gọi các nhà hoạch định chính sách trên thế giới cần tránh tạo ra khủng hoảng nguồn cung lương thực trong quá trình đối phó với sự lan rộng của dịch. FAO thúc giục thế giới phải hành động để ngăn chặn không xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực tiếp theo.

* Chính phủ Mỹ đang chạy đua với thời gian để lập hàng trăm bệnh viện dã chiến gần các thành phố lớn. Mỹ đã ghi nhận hơn 4.100 người chết do Covid-19 và hơn 190.800 ca nhiễm. Tổng thống D.Trump cảnh báo hai tuần tới sẽ là thời điểm “rất đau thương” của đất nước Mỹ và kêu gọi người dân chuẩn bị ứng phó với khó khăn. Các cơ sở kinh doanh và trường học có thể tiếp tục đóng cửa ít nhất đến hết tháng 4.

* Tại Canada, số người chết do Covid-19 tăng 35% trong ngày 31-3 và tính tới ngày 1-4, Canada có hơn 100 người chết và hơn 9.000 ca nhiễm. Dịch đã lan tới nơi ở của bộ phận dân cư dễ bị tổn thương, như nhà dưỡng lão, nhà tù và cộng đồng thổ dân. Thủ tướng J.Trudeau thông báo, Canada sẽ đầu tư 1,42 tỷ USD để hỗ trợ công tác xét nghiệm và mua máy thở cùng các trang thiết bị bảo hộ.

* Ngân hàng Hội nhập kinh tế Trung Mỹ thông báo đã thông qua chương trình hỗ trợ 1,9 tỷ USD nhằm kiềm chế sự lây lan và giảm nhẹ tác động kinh tế của dịch. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng thông qua việc giải ngân 143 triệu USD cho Honduras nhằm giúp quốc gia Trung Mỹ này tăng chi cho các hoạt động xã hội và y tế nhằm đối phó với đại dịch.

* Tại châu Âu, dịch tại Italy được cho là lên đỉnh điểm với hơn 110 nghìn ca nhiễm và hơn 13 nghìn người chết tính đến ngày 1-4. Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy khẳng định đó không phải là điểm kết thúc và cần phải thận trọng, bởi dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nếu Italy ngừng các biện pháp ngăn chặn và cách ly tại chỗ.

* Chính phủ Hà Lan quyết định kéo dài các lệnh cấm nhằm ngăn chặn dịch, đồng thời thông báo các trường học, nhà hàng sẽ tiếp tục đóng cửa đến ngày 28-4 tới. Dịch đã cướp đi sinh mạng của 1.039 người tại Hà Lan, trong khi số ca nhiễm lên tới 12.595 người.

* Giới chức y tế Pháp thông báo số người chết cao kỷ lục, lên đến 499 người trong ngày 31-3, nâng tổng số người chết tại các bệnh viện đến mức 3.523 người kể từ khi bùng phát dịch. Tổng thống E.Macron đã tuyên bố Chính phủ sẽ chi một khoản đầu tư lên đến 4 tỷ ơ-rô để mua khẩu trang y tế, máy thở và thuốc men. Hiện mỗi tuần, Pháp cần 40 triệu chiếc khẩu trang dành cho các nhân viên y tế.

* Ngày 1-4, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo, số ca dương tính với Covid-19 đã vượt 102.000 người. Trong khi đó, số người chết do Covid-19 trong 24 giờ qua tại Tây Ban Nha đã tăng thêm 864 ca lên 9.053 ca.

* Bộ trưởng Nhà ở Anh cho biết, Anh đang đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi số ca xét nghiệm Covid-19 lên 25.000 xét nghiệm/ngày vào giữa tháng 4 này. Tính đến ngày 1-4, Anh có 29.474 ca nhiễm và hơn 2.300 người chết do dịch.

* Trong phiên họp bất thường ngày 31-3, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua dự luật cho phép Chính phủ Nga áp đặt tình trạng khẩn cấp và chế độ cảnh báo cao trên toàn quốc hoặc các vùng riêng lẻ. Chính phủ có thể đưa ra các quy định ứng xử bắt buộc đối với công dân trong tình trạng khẩn cấp, hạn chế bán một số thiết bị y tế nhất định trong ba tháng.

* Ngày 1-4, cơ quan y tế Trung Quốc thông báo, Trung Quốc vẫn đang theo dõi y tế đối với 1.367 trường hợp nhiễm Covid-19 mà không xuất hiện các triệu chứng. Để khống chế dịch bệnh, nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu các ca mắc Covid-19 “thầm lặng” và những người tiếp xúc gần phải cách ly tập trung 14 ngày.

* Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định chia các bộ trưởng trong nội các thành hai nhóm để luân phiên tham gia các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch nhằm phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm giữa các quan chức cấp cao. Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Nhóm Đặc trách chống dịch thuộc Ban Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia với nhiệm vụ soạn thảo chiến lược ứng phó với dịch bệnh, đồng thời cải thiện sự cạnh tranh của Nhật Bản trong các lĩnh vực công nghệ và kinh tế. Thủ tướng S.Abe tuyên bố vẫn chưa tới thời điểm ban bố tình trạng khẩn cấp.

* Tổng thống Indonesia J.Widodo công bố sáu chương trình bảo trợ xã hội dành cho các gia đình thuộc tầng lớp lao động bị ảnh hưởng do đại dịch. Đáng chú ý, miễn tiền điện trong ba tháng cho 24 triệu hộ gia đình có mức tiêu thụ điện 450 kW/tháng, cấp các gói tín dụng cho người lao động phi chính thức, doanh nghiệp nhỏ và ngư dân. Chính phủ sẽ nâng thâm hụt ngân sách lên 5,07% GDP giai đoạn 2020-2022.

* Ngày 1-4, người phát ngôn Bộ Y tế Iran thông báo, Iran ghi nhận gần 3.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số người nhiễm lên hơn 47.500 người. Số người chết do dịch Covid-19 tại Iran đã tăng thêm 138 người lên 3.036 người. Tuy nhiên, gần 15.500 bệnh nhân đã phục hồi.

* Bộ trưởng Hành hương A-rập Xê-út M.Benten đề nghị người Hồi giáo tạm thời hoãn việc chuẩn bị cho lễ hội hành hương hằng năm Hajj trong bối cảnh nhiều bất trắc do dịch. Hiện A-rập Xê-út đang phải nỗ lực giới hạn sự lây lan của dịch với 1.563 ca nhiễm và 10 người chết từ khi bùng phát dịch đến nay.

* Theo Reuters và TTXVN, chiều 1-4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tăng nhẹ sau khi giảm trong các phiên trước đó. Cụ thể, giá vàng giao nhanh tăng 1,4% quanh mức 1.592 USD/ao-xơ.

Giá vàng tương lai của Mỹ quanh mức 1.604 USD. Trong khi đó, chứng khoán Mỹ ngày 31-3 lao dốc. Chốt phiên giao dịch ngày 31-3, cả ba chỉ số chứng khoán chính ở Phố Uôn là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 410,32 điểm, 42,06 điểm và 74,05 điểm. Theo các chuyên gia, đây là bằng chứng cho thấy mức thiệt hại kinh tế lớn mà dịch Covid-19 gây ra với kinh tế Mỹ và thế giới.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43885202-keu-goi-cong-dong-quoc-te-doan-ket-chong-dich-covid-19.html