Kết tinh sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Từ Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua gần 75 năm hình thành và phát triển. Gần 14 nhiệm kỳ đã qua, Quốc hội luôn mang trong mình sứ mệnh thực hiện những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng Việt Nam trong mỗi giai đoạn phát triển.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn và Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo trao quà cho các đại biểu Quốc hội tại lễ kỷ niệm 75 năm Quốc hội Việt Nam do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức. Ảnh: Hồ Thảo

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn và Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo trao quà cho các đại biểu Quốc hội tại lễ kỷ niệm 75 năm Quốc hội Việt Nam do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức. Ảnh: Hồ Thảo

Cùng với lịch sử phát triển của Quốc hội, trong suốt chặng đường 45 năm kể từ Quốc hội khóa VI, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, các ĐBQH tỉnh luôn đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân, xứng đáng là người đại biểu của nhân dân.

* Không ngừng đổi mới và hoàn thiện

Quốc hội Việt Nam khóa I ra đời và hoạt động trong thể chế dân chủ cộng hòa (1946-1960). Thực hiện chức năng của mình, Quốc hội khóa I hết sức coi trọng việc xây dựng Hiến pháp và các đạo luật. Với hơn 14 năm hoạt động, trong điều kiện chiến tranh kéo dài, song Quốc hội đã 2 lần xây dựng và thông qua Hiến pháp (Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959) và thông qua nhiều đạo luật lớn về các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự do dân chủ của nhân dân, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ cộng hòa...

Qua mỗi nhiệm kỳ, dù hoạt động trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử khác nhau nhưng Quốc hội đều đạt được những thành tựu và để lại những dấu ấn quan trọng.

Từng tham dự buổi tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu Quốc hội số 2, cử tri Sì Thanh Kiều (ngụ xã Cây Gáo, H.Trảng Bom) chia sẻ: “Các đại biểu đã thể hiện được sự quan tâm, lắng nghe ý kiến của cử tri, giải đáp một cách thấu đáo và tận tình về những tâm tư của cử tri, đã giúp chúng tôi thêm tin tưởng và an tâm”.

Nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh các khóa VIII, IX, ĐBQH Huỳnh Văn Bình (nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) nhớ lại, Quốc hội khóa VIII lúc bấy giờ là Quốc hội của giai đoạn khởi đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng. Quốc hội khóa VIII đã họp 11 kỳ để xem xét và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, qua đó nhằm ổn định kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ quốc tế, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa. Quốc hội khóa VIII cũng đã sửa đổi và ban hành Hiến pháp năm 1992, thông qua nhiều đạo luật và các văn bản pháp quy quan trọng thể chế hóa đường lối phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần ở nước ta.

“Theo dõi các kỳ họp Quốc hội sau đó, tôi cảm thấy Quốc hội đang ngày càng tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn; thể hiện rõ sự đổi mới, cởi mở. Nhất là trong các kỳ họp gần đây, tôi ấn tượng nhất là phần thảo luận, đã thể hiện tính chất vấn, tính đấu tranh nhiều hơn. Có thể khẳng định rằng, hoạt động của Quốc hội chúng ta đang ngày càng dân chủ và hiệu quả hơn” - ông Bình nói.

Đại biểu Lê Thị Thu Ba, nguyên ĐBQH các khóa IX, X, XII, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội bày tỏ, mỗi khóa Quốc hội lại có một đặc điểm riêng, song đều cho thấy rõ được sự nỗ lực đổi mới. Trong đó, có thể thấy, từ Quốc hội khóa X, chất lượng xây dựng pháp luật và hoạt động giám sát của Quốc hội được nâng cao theo hướng đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động đổi mới và phát triển của đất nước. Tiếp tục đến Quốc hội khóa XII, tinh thần giám sát được thể hiện rất quyết liệt; vai trò giám sát của Quốc hội cũng được cử tri, nhân dân hết sức quan tâm.

“Giám sát đôi khi có thể gây mất lòng nhưng đã là ĐBQH thì phải dấn thân, vì dân. Và Quốc hội đã cho thấy rõ được tinh thần đổi mới đó, nhờ vậy, ngày càng nhận được niềm tin, sự phấn khởi trong cử tri và nhân dân” - đại biểu Thu Ba cho hay.

Gần 14 nhiệm kỳ đã qua, đến nay, Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 đã tiếp tục góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là một trong những nhân tố quyết định bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quốc hội khóa XIV đã qua 10 kỳ họp và cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ và hiệu quả, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lòng cử tri và nhân dân cả nước.

Đặc biệt, đến Quốc hội khóa XIV đã đánh dấu bước tiến vượt bậc của Quốc hội trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội. Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong năm 2019, Quốc hội cũng đã lần đầu tiên tổ chức thành công kỳ họp không giấy tờ, góp phần nâng cao tính hiệu quả, tiết kiệm trong hoạt động của Quốc hội, nhận được sự đánh giá cao của đại biểu Quốc hội và dư luận cử tri.

* Không phụ lòng tin yêu, tín nhiệm của nhân dân

Với Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị ĐBQH đơn vị tỉnh Đồng Nai, gần 45 năm qua, từ Quốc hội khóa VI (1976-1981) đã luôn nỗ lực hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn tặng quà cho các cựu đại biểu Quốc hội. Ảnh: Hồ Thảo

Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bùi Xuân Thống nhấn mạnh, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH tỉnh luôn nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, tiến hành các hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật ở địa phương; duy trì các hoạt động tiếp xúc cử tri, thường xuyên giữ mối liên hệ với cử tri; kịp thời truyền đạt, trao đổi, cung cấp thông tin, xử lý các ý kiến, kiến nghị, các vấn đề bức xúc của cử tri...

Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bùi Xuân Thống nhấn mạnh, thời gian tới, nhất là chuẩn bị cho Quốc hội khóa XV sắp đến, Đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục đổi mới hơn nữa để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, hoàn thành ngày càng tốt hơn chức trách, nhiệm vụ, xứng đáng là đại biểu của nhân dân.

Một trong những điểm nhấn phải kể đến là hoạt động giám sát tại địa phương đã được Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện một cách tích cực, ngày càng đạt chất lượng, hiệu quả. Việc lập chương trình, kế hoạch và nội dung giám sát đã tập trung vào những vấn đề cử tri đang bức xúc và nhân dân quan tâm. Phương thức tổ chức giám sát được tiến hành chặt chẽ, đúng trọng tâm từ thu thập thông tin gắn kết với khảo sát thực tiễn, đạt kết quả tích cực. “Qua giám sát, nhiều ý kiến, kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh được tổng hợp vào nội dung kết luận giám sát, góp phần đáng kể trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội, việc thực thi pháp luật tại địa phương và trên phạm vi cả nước” - ông Bùi Xuân Thống nhấn mạnh.

Ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên ĐBQH các khóa X, XI, XII, XIII, nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ: “Tôi tham gia ĐBQH 4 khóa, trong đó có khóa XIII ở đơn vị tỉnh Đồng Nai. Tôi nhận thấy rằng, hoạt động của Đoàn ĐBQH ở Đồng Nai khá sôi nổi. Thực tiễn hoạt động cho thấy, Đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH đã luôn kiên trì, tâm huyết đeo bám nhiều vấn đề mà cử tri và nhân dân địa phương quan tâm; thẳng thắn phân tích, giải thích thể hiện rõ ràng quan điểm của Đoàn, làm tốt vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương. Uy tín của Đoàn ĐBQH tỉnh cũng từ đó ngày càng được khẳng định và nâng cao”.

Đánh giá đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh đối với tỉnh nhà thời gian qua, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn nhấn mạnh, hoạt động của Đoàn ĐBQH, các ĐBQH Đồng Nai luôn gắn liền với sự phát triển của tỉnh, liên hệ chặt chẽ với cử tri và nhân dân trong tỉnh. Từ đó, đã kịp thời nắm bắt và phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân để Đảng, Nhà nước và Quốc hội lắng nghe và có những quyết sách lớn đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng”.

Hồ Thảo

Đại biểu Huỳnh Văn Bình, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh các khóa VIII, IX: ĐBQH phải thật sự tâm huyết, khéo léo

ĐBQH có vị trí, vai trò rất lớn, là người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. ĐBQH có nhiệm vụ tham gia các kỳ họp của Quốc hội, tham gia thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội như lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; thực hiện giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước...

Chính vì vậy, ĐBQH phải luôn nỗ lực học cho sâu, cho thấm nhuần trình độ, kiến thức và không ngừng rèn luyện kỹ năng cần thiết mới phát huy tốt được trách nhiệm, vai trò của mình. Đồng thời, ĐBQH cũng phải thật sự tâm huyết, khéo léo, dám nói chính kiến của mình đại diện cho người dân, tạo được sự gắn kết, trở thành cầu nối giữa cử tri địa phương với Quốc hội và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa địa phương với bộ, ngành trung ương.

Đại biểu Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và nay, ĐBQH các khóa XI, XII, XIII, XIV: Sự phối hợp giữa Đoàn ĐBQH tỉnh với các ĐBQH trung ương ngày càng hiệu quả hơn

Có gần hai thập kỷ là ĐBQH gắn bó ở một đơn vị bầu cử, đối với tôi, thật sự là một điều đặc biệt trong cuộc đời. Chừng ấy thời gian, trong điều kiện là ĐBQH không chuyên trách, không sinh sống trên địa bàn, nhưng tôi ý thức được vai trò là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tôi cố gắng rất nhiều để phát huy tốt nhất có thể vai trò trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Đoàn ĐBQH tỉnh với các ĐBQH ở Trung ương ngày càng có hiệu quả hơn giúp chúng tôi tham gia đóng góp được nhiều việc hơn cho địa phương. Là ĐBQH đã giúp tôi trưởng thành thêm rất nhiều, học được rất nhiều...

Đại biểu Trần Văn Tư, nguyên Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIII: Cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ tham mưu

Ở nghị trường Quốc hội, tất cả mọi vấn đề từ chính trị, kinh tế - xã hội đến quốc phòng - an ninh... đều được đưa ra bàn thảo. Vì vậy, nếu chịu khó lắng nghe, phân tích, lĩnh hội, ĐBQH sẽ học hỏi và trở nên uyên thâm hơn, trưởng thành hơn rất nhiều.

Quốc hội sắp bước vào khóa XV với một đòi hỏi rất cao. Theo tôi, dựa trên cơ cấu và tiêu chuẩn, nên cố gắng chọn những người trẻ, ít nhất là làm được 2-3 nhiệm kỳ để tính chuyên nghiệp cao hơn. Những đại biểu trẻ, có kiến thức, hiểu biết sâu rộng, kỹ năng tốt, có tinh thần ham học hỏi chính là nền tảng đảm bảo hoạt động cho Đoàn ĐBQH tỉnh cũng như Quốc hội hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Cùng với đó, để góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động ĐBQH, hỗ trợ tốt các ĐBQH, cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ tham mưu, phải có sự đồng đều ở nhiều lĩnh vực để giúp cho ĐBQH hoạt động tốt.

Ông Phạm Xê Cô, Tổ trưởng tổ nhân dân 68 (KP.4, P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa): Mong đại biểu thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân

Tôi mong muốn trong thời gian tới, các ĐBQH sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe và phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân với các cơ quan nhà nước; giám sát, đôn đốc các cơ quan nhà nước giải quyết các kiến nghị của nhân dân. Đặc biệt, tôi mong muốn Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, qua đó tiếp tục xây dựng niềm tin vững chắc trong cử tri và nhân dân.

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202101/ket-tinh-suc-manh-cua-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-3037958/