Kết thúc show diễn, các thiết kế đắt giá sẽ được sử dụng thế nào?

Nhiều người không khỏi thắc mắc liệu những bộ đồ được trình diễn trên sàn catwalk mang lại lợi ích gì cho thương hiệu?

Nhiều người luôn đặt câu hỏi về tương lai của các thiết kế sau khi show diễn kết thúc. Liệu có xứng đáng để các nhà mốt đầu tư một khoản lớn trong việc tạo nên bộ sưu tập lộng lẫy? Loạt sản phẩm thương hiệu chăm chút kỹ lưỡng, dày công chuẩn bị sẽ được sử dụng như thế nào?

Màn trình diễn cho các khách hàng giàu có

Những thiết kế thuộc dòng Haute Couture (thời trang cao cấp) chỉ có duy nhất một mẫu. Trình diễn trên sàn catwalk giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn sản phẩm yêu thích.

Mỗi trang phục đều được nghệ nhân của hãng đầu tư kỹ lưỡng từ khâu thiết kế đến quá trình thêu họa tiết. Các thợ may lành nghề đã dành nhiều thời gian, công sức để hoàn thành từng phần của một bộ đồ. Bởi vậy, họ ví thiết kế như tác phẩm nghệ thuật.

 Các thiết kế thuộc dòng Haute Couture chỉ có một mẫu duy nhất. Ảnh: The Filipino Times, Styleisle.ie.

Các thiết kế thuộc dòng Haute Couture chỉ có một mẫu duy nhất. Ảnh: The Filipino Times, Styleisle.ie.

Việc người mẫu mang sản phẩm lên sàn diễn nhằm thông báo đến khách hàng rằng bộ đồ này đã sẵn sàng để được mua.

Hầu hết trang phục đều may theo tiêu chuẩn nhất định. Sau khi có người đặt mua, các nhà thiết kế sẽ chỉnh sửa mẫu váy sao cho phù hợp với dáng người của khách hàng.

Liệu đối tượng khách hàng của các thiết kế xa xỉ này là ai? Kết thúc show diễn, những phục trang này có mang lại lợi nhuận?

Người mua sản phẩm Haute Couture hay được giấu kín danh tính. Họ thường là nữ chính trị gia, người giàu có ở khu vực Trung Đông. Số khác đến từ châu Á với phần lớn là khách hàng Trung Quốc.

Các khách hàng tham gia show diễn như đang được nhìn thấy trang phục chuyển động. Từ đó, họ dễ dàng tìm được mẫu yêu thích để đặt hàng. Ảnh: Getty.

Các sản phẩm ready-to-wear xuất hiện trên sàn runway để trình diễn vẻ đẹp của trang phục. Bên cạnh đó, nhà thiết kế sẽ gợi ý cách phối đồ, thể hiện được mọi trạng thái của trang phục.

Có thể nói trong show diễn, khách hàng sẽ được thấy các bộ đồ đang di chuyển. Họ có cơ hội chiêm ngưỡng và chọn lựa. Sau khi có người đặt hàng, loạt thiết kế được sản xuất, đưa đến trưng bày tại cửa hàng.

Trợ thủ giúp nghệ sĩ tỏa sáng trên thảm đỏ

Sau khi rời sàn diễn, những thiết kế sẽ được mặc lại nhiều lần bởi nghệ sĩ, fashionista, người mẫu trong sự kiện.

Đa phần người nổi tiếng đều có dáng người vừa với kích cỡ chuẩn của nhà mốt. Tuy nhiên, với những trường hợp ngoại lệ, thương hiệu sẽ có bí kíp riêng để chỉnh lại sao cho trang phục vừa với người mặc.

Jessica xinh đẹp tựa nàng công chúa trên thảm đỏ khi diện thiết kế lấp lánh. Ảnh: Getty.

Đây là giai đoạn thiết kế được xuất hiện nhiều trên truyền thông. Điều này có thể ảnh hưởng đến doanh thu cũng như tên tuổi của nhà mốt.

Bên cạnh đó, độ nhận diện thương hiệu và danh tiếng của nhà mốt cũng sẽ ảnh hưởng bởi sự xuất hiện từ người nổi tiếng. Khi ngoại hình cùng bộ đồ kết hợp hài hòa và giúp nghệ sĩ tỏa sáng sẽ có lợi cho nhà mốt.

Nguyên liệu cho sự sáng tạo của stylist

Các stylist sẽ có phương thức riêng để mượn trang phục trên sàn diễn. Đa phần nhờ vào khả năng ngoại giao, mối quan hệ của họ với thương hiệu.

Tuy nhiên, không phải lúc nào điều này cũng thuận lợi. Sẽ có thời điểm stylist không thể mượn được trang phục, do nó đã được bán hoặc có người đặt trước ngay khi show diễn kết thúc.

Ngoài ra, các thiết kế độc quyền, cao cấp sẽ tốn một khoản chi phí đắt đỏ để vận chuyển và bảo quản.

Các stylist sẽ mượn thiết kế để phối đồ. Thành công hay không còn tùy thuộc và khả năng ngoại giao của họ. Ảnh: Sina, Onehallyu.

Tác phẩm nghệ thuật được lưu giữ bởi nhà mốt

Nhiều thương hiệu muốn giữ lại mẫu sản phẩm như việc bảo tồn nghệ thuật. Điều này đánh dấu thành tựu nhà mốt đã đạt được. Nó tương tự như bức họa hay tác phẩm điêu khắc.

Một số thương hiệu sẽ trình bày trong buổi triển lãm chung với nhiều nhà mốt khác. Số khác khi đã đủ danh tiếng, như Valentino sẽ tự xây dựng bảo tàng riêng để lưu giữ.

Heart Evangelista - nữ diễn viên người Philippines - từng nói: "Bản thân Couture khiến người mua trở nên đặc biệt. Việc mua nó như đang sở hữu biểu tượng của nghệ thuật".

Một số thiết kế được các fashionista ví như tác phẩm có thể mặc lên người. Chính vì vậy, nhiều khi thương hiệu làm ra bộ váy để lưu giữ kỷ niệm, dấu mốc quan trọng.

Các thiết kế được nhà mốt lưu giữ lại như một phần của nghệ thuật. Ảnh: Dior.

Gắn kim cương trị giá 20.000 USD lên mũ lưỡi trai Một người đàn ông đã gắn số kim cương ước tính gần 500 triệu đồng lên chiếc mũ bóng chày của mình.

Cao Thảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ket-thuc-show-dien-cac-thiet-ke-dat-tien-se-duoc-su-dung-the-nao-post1052566.html