Kết thúc 'kỷ nguyên Akihito', Nhật Bản công bố tên triều đại mới 'Reiwa'

Hôm nay, 1/4, Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga tuyên bố Triều đại Nhật hoàng mới sẽ có niên hiệu 'Reiwa' (Lệnh hòa). Việc công bố niên hiệu mới diễn ra đúng 1 tháng trước cột mốc lịch sử 30/4/2019, khi Nhật hoàng Akihito sẽ chính thức thoái vị và nhường 'ngai vàng hoa cúc' cho con trai Naruhito.

Ngày 1/4, Thiên Hoàng ký và đóng dấu vào văn bản chính phủ về việc đổi niên hiệu cho thời kỳ mới sau khi niên hiệu được Nội các thông qua. Việc công bố tên triều đại mới là sự kiện lịch sử ở Nhật, được đánh dấu bằng hàng loạt đặc san từ các báo, triển lãm thư pháp và các lễ kỷ niệm cho công chúng. Nhật Bản đã có 250 niên hiệu khác nhau kể từ khi áp dụng hệ thống này từ thế kỷ 7 và trong khoảng 200 năm trở lại đây, một triều đại cũng là toàn bộ thời gian trị vì của một Nhật hoàng. Theo truyền thống, tên niên hiệu mới cần đáp ứng 6 điều kiện bắt buộc bao gồm mang ý nghĩa dễ hiểu, dễ viết, dễ đọc, chưa bao giờ được dùng trong lịch sử, không dung tục và có hai chữ Hán tự.

Thủ tướng Shinzo Abe giải thích rằng chọn từ “Reiwa” nhằm tôn vinh văn hóa và truyền thống phong phú của Nhật Bản và là biểu tượng của người dân Nhật Bản hướng về hy vọng tương lai. Nhiều chuyên gia phân tích rằng “Rei” có nghĩa là “lệnh”, còn “wa” có nghĩa là “hòa bình”.

Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga công bố tên triều đại mới "Reiwa" của Nhật Bản

Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga công bố tên triều đại mới "Reiwa" của Nhật Bản

Lịch phương Tây được sử dụng rộng rãi ở Nhật nhưng nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này cũng là nước duy nhất sử dụng lịch hoàng gia cho các tài liệu chính phủ cũng như tư nhân và trong hệ thống máy tính. Nhiều cơ quan, công ty và nhiều công dân Nhật Bản sử dụng niên hiệu của Thiên hoàng để đánh dấu thời gian, thường sử dụng song song với Dương lịch. Niên hiệu xuất hiện trên tất cả mọi thứ, từ các văn bản chính thức đến tiền xu, lịch và báo, cũng như được sử dụng phổ biến hàng ngày. Ví dụ năm 2019 được gọi là năm Bình Thành (Heisei) thứ 31, hay năm thứ 31 của triều đại Akihito. Do đó, tên của triều đại mới sẽ có tác động lớn đến cuộc sống hàng ngày của người dân.

Triều đại Heisei hiện tại bắt đầu từ năm 1989 khi Thái tử Akihito đăng quang thay thế Nhật hoàng Hirohito, người cầm quyền trong suốt Triều đại Showa và ngày nay còn nổi tiếng với tên gọi Hoàng đế Showa. Nhật hoàng Akihito sẽ trở thành người đứng đầu vương triều Nhật Bản đầu tiên trong vòng 200 năm qua và ông sẽ chính thức thoái vị, nhường ngôi cho con trai là Thái tử Naruhito. Theo kế hoạch, ngày 30/4, Thiên Hoàng sẽ dự lễ thoái vị. Tại đây, Thiên Hoàng sẽ có bài phát biểu cuối cùng trước người dân trước khi chính thức thoái vị. Đây sẽ là lần đầu tiên sau 202 năm một buổi lễ thoái vị được tổ chức. Thái tử Naruhito sẽ trở thành Hoàng đế Nhật Bản thứ 126 vào ngày 1/5/2019.

Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko

Theo truyền thống Nhật Bản, khi Quốc vương thoái vị, Thái tử lên ngôi vua thì đồng nghĩa với việc mở ra một thời đại phát triển mới cho Nhật Bản, kèm theo đó là một niên hiệu hoàn toàn mới. Việc thông báo sớm sẽ giúp các công ty và cơ quan công cộng có thời gian làm quen với niên hiệu mới vào hệ thống văn bản và máy tính. Chính quyền địa phương cho biết họ đã chuẩn bị cho sự thay đổi trong nhiều tháng và tự tin rằng họ sẽ có thể cập nhật hồ sơ kịp thời.

Hoàng Thái tử Naruhito sẽ đăng quang ngày 1/5

Điều đặc biệt là trong Lễ Thoái vị và Đăng quang, các nữ Hoàng tộc không được tham gia vì quy định hạn chế chỉ có nam đã trưởng thành được tham gia, ngoại trừ Hoàng hậu mới và Công chúa. Dự kiến một số nữ Bộ trưởng trong Nội các Nhật Bản cũng sẽ tham gia. Từ sau thời Đại chính (1912-1926), việc nữ tham gia vào những nghi thức quan trọng của Hoàng gia là không được cho phép.

Nhu Thụy CNN, Guardian

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/ket-thuc-ky-nguyen-akihito-nhat-ban-cong-bo-ten-trieu-dai-moi-reiwa-post57441.html