Kết thúc hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc: Còn nhiều khác biệt

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa ban lãnh đạo mới của EU với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc diễn ra hôm 22-6 với nhiều vấn đề lớn, quan trọng được mang ra thảo luận nhưng kết quả không hứa hẹn điều gì khả quan hơn trong quan hệ song phương EU - Trung Quốc. Không có tuyên bố chung nào được đưa ra sau hội nghị.

Hội nghị diễn ra trong điều kiện đại dịch COVID-19 đang có nguy cơ bùng phát lần 2 nên phải tiến hành họp bằng hình thức truyền hình trực tuyến. Phía EU tham dự hội nghị gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von de Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel; phía Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Hai bên bước vào cuộc trao đổi cấp cao với quá nhiều việc dở dang, cần phải thảo luận “ra môn ra khoai” để đi đến thống nhất giải pháp thực hiện tiếp theo thế nào cho ổn. Tại hội nghị, Chủ tịch EC Von de Leyen đưa ra một danh sách khá dài những việc mà Trung Quốc đã hứa với EU sau cuộc gặp lần trước và trong giai đoạn vừa qua nhưng nước này chưa thực hiện hoặc thực hiện dang dở, chưa hoàn thiện. Từ lời hứa ký kết thỏa thuận đầu tư song phương cho đến việc cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), việc thực hiện các mục tiêu biến đổi khí hậu... được lãnh đạo EU đặt ra một cách nghiêm túc, thẳng thắn và tỏ thái độ cứng rắn về cách thức Trung Quốc đã thực hiện chúng như thế nào.

Một trong những vấn đề nổi cộm nhất đã được bà Von de Leyen chỉ thẳng ra và yêu cầu Trung Quốc phải có hành động nghiêm túc, đó là những cuộc tấn công mạng vào hệ thống máy tính, các bệnh viện ở châu Âu ngay giữa mùa dịch bệnh COVID-19, đe dọa gây ra những cái chết oan uổng cho bệnh nhân. Rồi đến vấn đề chiến dịch thông tin giả gây hoang mang, chia rẽ trong nội bộ EU liên quan dịch bệnh COVID-19.

Lãnh đạo EU và Trung Quốc tham gia hội nghị.

Lãnh đạo EU và Trung Quốc tham gia hội nghị.

Đối với tiến trình đàm phán các hiệp định đầu tư và thương mại, bà Von de Leyen bày tỏ thái độ thẳng thắn rằng tiến trình đàm phán thỏa thuận đầu tư và thương mại song phương, theo kế hoạch phải kết thúc vào cuối năm nay nhưng hiện đang tiến triển rất chậm.

“Chúng tôi cần khẩn trương kiểm tra xem các cam kết này đã thực hiện đến đâu. Chúng tôi muốn thấy phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình nhằm mau chóng kết thúc đàm phán thỏa thuận đầu tư” - bà Von de Leyen nói với báo chí. Bà kêu gọi các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc dành nhiều quyết tâm chính trị hơn trong đàm phán với EU, ngầm ý cho rằng Trung Quốc hiện nay chỉ tập trung mối quan tâm đàm phán thương mại với Mỹ mà bỏ qua EU.

Việc bà Von de Leyen tỏ thái độ cứng rắn, không hài lòng trước những việc mà người bạn Trung Quốc đã làm trong thời gian qua cho thấy có vẻ như Lục địa già đã mất kiên nhẫn với “gã khổng lồ” mới nổi. Bắc Kinh dường như đã không làm gì để giúp cho tiến trình đàm phán thương mại và đầu tư tiến triển tốt hơn, tiến gần hơn đến việc ký kết thỏa thuận đầu tư đúng kế hoạch dự kiến. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đó chỉ là thái độ, là giọng điệu mà lãnh đạo EU đưa ra. Phép thử thật sự đối với các lãnh đạo EU chính là thái độ phản hồi của lãnh đạo Trung Quốc.

Đối lại thái độ gay gắt của lãnh đạo EU, lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra điềm tĩnh và tìm cách “gieo cảm tình” nhằm xua tan đi ấn tượng rằng đang có những trục trặc ngày càng lớn trong quan hệ giữa hai bên. Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục theo đuổi chủ đề cũ trong quan hệ EU-Trung Quốc để đối lại chủ trương cứng rắn mới của EU. Ông Tập nói: “Trung Quốc và EU nên là hai lực lượng bảo vệ hòa bình và ổn định trên thế giới. Trung Quốc và EU là hai lực lượng chính, hai thị trường chính của thế giới”. “Trung Quốc muốn hòa bình chứ không muốn bá quyền” - ông Tập khẳng định.

Tờ The Guardian bình luận, phát biểu này của ông Tập ngầm ý gạt bỏ Mỹ sang một bên trong mối quan hệ song phương EU-Trung Quốc, đồng thời muốn trấn an các lãnh đạo EU rằng Trung Quốc “không theo đuổi chủ nghĩa bá quyền quốc tế” như dư luận lo ngại lâu nay.

Một đường lối đối ngoại xưa nay luôn được Bắc Kinh áp dụng trong mọi mối quan hệ, đó là đối xử với từng đối tác riêng lẻ, không gộp chung lại để tiện bề chi phối. Chính chiến thuật đối xử riêng lẻ đó đã không ít lần gây khó xử cho EU. EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác lớn thứ hai của khối này. Sự phụ thuộc lẫn nhau đó đã tạo ra một thứ ràng buộc nhất định khiến cả hai bên đều không muốn gây rủi ro cho mối quan hệ song phương.

Mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc đã xấu đi từ tháng 3-2019, khi lần đầu tiên EC liệt Trung Quốc vào danh sách “đối thủ hệ thống” trong khi vẫn xem nước này như một đối tác kinh tế và đối thủ cạnh tranh chiến lược. Rồi vấn đề công nghệ di động 5G xuất hiện trong cuộc chiến thương mại, công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc làm cho EU chao đảo. Nhiều quốc gia thành viên trong EU tranh cãi xung quanh việc có tuân thủ yêu cầu của Mỹ cấm cửa tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc hay không.

Nhưng chính trong giai đoạn diễn ra đại diện COVID-19, quan hệ EU-Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất. Toàn EU khi đó đã báo động về chiến dịch hỗn hợp giữa “ngoại giao khẩu trang” gây chia rẽ trong nội bộ EU, và “ngoại giao chiến binh sói” với các nhà ngoại giao lớn tiếng phát ngôn thẳng thắn lợi dụng mạng xã hội để công kích chính quyền các nước phương Tây trong vấn đề ứng phó với đại dịch COVID-19.

Mối nghi ngại của EU đối với Trung Quốc càng trở nên sâu đậm thêm khi Chính phủ Trung Quốc cố gây sức ép lên các cơ quan ngoại giao EU để buộc khối này phải gia giảm nội dung một báo cáo về các chiến dịch thông tin giả của Trung Quốc trong đại dịch COVID-19. Chính những vấn đề đó đã làm cho EU ngày càng cảnh giác và có thái độ cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

An Châu (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/ket-thuc-hoi-nghi-thuong-dinh-eu-trung-quoc-con-nhieu-khac-biet-600896/