Kết thúc có hậu

Sau nhiều giờ đàm phán căng thẳng, tối 24-12, Liên hiệp châu Âu và Anh đã đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Thỏa thuận này không chỉ giúp định hình mối quan hệ song phương mà còn là một 'kết thúc có hậu', mang lại niềm tin về một năm mới tốt đẹp hơn cho người dân châu Âu.

Sau nhiều giờ đàm phán căng thẳng, tối 24-12, Liên hiệp châu Âu và Anh đã đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Thỏa thuận này không chỉ giúp định hình mối quan hệ song phương mà còn là một "kết thúc có hậu", mang lại niềm tin về một năm mới tốt đẹp hơn cho người dân châu Âu.

EU và Anh bất ngờ công bố đạt được thỏa thuận đàm phán thương mại hậu Brexit ngay dịp lễ Giáng sinh. Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn phát biểu trên truyền hình: "Tôi rất vui mừng được thông báo với các bạn rằng chúng tôi đã hoàn tất thỏa thuận thương mại lớn nhất". Trước đó, tiến trình đàm phán đã nhiều lần bế tắc và "nút thắt cuối cùng" cản trở hai bên là vấn đề quyền đánh bắt cá. Theo thỏa thuận nói trên, các tàu của các nước thành viên EU sẽ dần cắt giảm 25% hạn mức đánh bắt cá tại các vùng biển của Anh trong 5 năm rưỡi chuyển tiếp. Sau thời gian này, mỗi năm hai bên sẽ đàm phán mức cắt giảm mới và EU có thể áp đặt các biện pháp kinh tế nếu Luân Ðôn vi phạm thỏa thuận.

Ngoài ra, thỏa thuận cũng xác định rõ mối quan hệ EU - Anh về các vấn đề từng gây bất đồng khác như cạnh tranh bình đẳng, trao đổi hàng hóa… Theo thỏa thuận này, phía EU chấp nhận thương mại phi thuế quan để đổi lấy việc Anh chấp nhận duy trì các tiêu chuẩn về trợ cấp nhà nước, môi trường và các quyền của người lao động nhằm bảo đảm một "sân chơi bình đẳng" cho các doanh nghiệp EU. Tuy nhiên, Anh sẽ không bị bắt buộc phải tuân theo các quy định của EU hoặc chịu sự phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu một cách trực tiếp. Về thương mại song phương, Anh sẽ là nền kinh tế ngoài EU duy nhất trên thế giới được quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu một cách rộng mở, nhưng không được hưởng những quyền như khi "xứ sở sương mù" còn là thành viên của thị trường chung và liên minh hải quan châu Âu. Từ ngày 1-1-2021 tới, hàng rào kiểm soát biên giới và hải quan cứng sẽ được dựng lên giữa Anh và EU và hàng hóa trao đổi giữa hai bên sẽ được kiểm tra, kiểm soát.

Các nhà lãnh đạo EU và Anh đã đồng thời lên tiếng ca ngợi thỏa thuận vừa đạt được nêu trên. Chủ tịch Ủy ban châu Âu U.Lây-en trong phát biểu với báo giới đã khẳng định thỏa thuận này là "công bằng và cân bằng", đồng thời nó sẽ đặt nền tảng vững chắc cho "một khởi đầu mới với một người bạn lâu năm". Về phía Anh, Thủ tướng B.Giôn-xơn đã gửi thông điệp tới EU rằng: "Chúng tôi sẽ là người bạn, đồng minh, người ủng hộ của các bạn và là thị trường số một của các bạn".

Theo kế hoạch, Quốc hội Anh sẽ nhóm họp vào ngày 30-12 để tiến hành bỏ phiếu thông qua thỏa thuận thương mại với EU. Dù nội bộ Anh chưa phải đã hoàn toàn ủng hộ thỏa thuận nói trên, song tiến trình phê chuẩn được dự báo sẽ diễn ra suôn sẻ. Công đảng đối lập tại Anh hôm 24-12 đã tuyên bố ủng hộ thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Lãnh đạo Công đảng gọi đây là "quyết định khó khăn nhưng cần thiết, vì lợi ích của đất nước". Về phía EU, các nước thành viên của khối này đã bắt tay triển khai các công việc liên quan nhằm thực hiện thỏa thuận quan trọng vừa đạt được với Anh. Chính phủ Pháp tuyên bố các biện pháp nhằm hỗ trợ ngư dân và doanh nghiệp kinh doanh cá sau khi thỏa thuận giữa EU và Anh có hiệu lực. Theo đó, mỗi cá nhân trong ngành này có thể nhận được mức hỗ trợ tối đa là 30.000 ơ-rô/trường hợp tùy theo mức độ phụ thuộc vào hoạt động đánh bắt cá trên các vùng biển của Anh.

Giới phân tích cho rằng, việc Anh rời EU được xem là một "lực cản" với kinh tế Anh, nhưng tình hình sẽ tồi tệ hơn nếu Luân Ðôn không đạt được thỏa thuận thương mại với EU. Văn phòng trách nhiệm ngân sách Anh dự báo rằng, với những thay đổi trong mối quan hệ Anh - EU, trong vòng 15 năm tới, kinh tế Anh bị thiệt hại 4% so với việc vẫn là thành viên của liên minh. Tuy nhiên, nếu không đạt được một thỏa thuận thương mại, mức thiệt hại của nền kinh tế Anh sẽ là 6% trong cùng khoảng thời gian. Brexit cũng tác động tiêu cực hơn tới kinh tế EU nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại.

Nhiều nhà phân tích từng nhận định về việc Anh rời EU không có thỏa thuận thương mại rằng "sự ra đi không thỏa thuận sẽ rất đau đớn vì nó ập đến như một cơn sóng thần". Bởi vậy, việc EU và Anh vừa đạt được thỏa thuận thương mại được xem là một "kết thúc có hậu" của tiến trình đàm phán Brexit. Với kết quả hiện nay, EU và Anh đã có thể "đặt Brexit lại phía sau" và tiếp tục tiến về phía trước.

THÙY DƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/ket-thuc-co-hau-629562/