Kết thúc có hậu cho những chiến dịch giải cứu tại hang sâu

Hàng nghìn người hy vọng chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan mắc kẹt trong hang động sẽ thành công, giống như nhiều kết thúc có hậu khác mà thế giới từng chứng kiến.

Người dân Thái Lan nín thở chờ đợi khi lực lượng cứu hộ chạy đua với thời gian để giải cứu 12 cầu thủ nhí và huấn luyện viên mắc kẹt trong hang động Tham Luang Nang Non, tỉnh Chiang Rai. Việc đưa nhóm gặp nạn ra khỏi hang động ngập nước là không hề dễ dàng.

Tuy nhiên, tất cả mọi người vẫn đang dõi theo và tin tưởng vào một ngày được gặp đội bóng nhí an toàn trở ra. Khi đó, chiến dịch này sẽ trở thành một trong những ví dụ về các cuộc giải cứu trong hang động thành công, bên cạnh những kết thúc có hậu thế giới từng chứng kiến.

Sự lạc quan và 31 chiếc pizza

Năm 1991, trong chuyến thám hiểm hang Lechuguilla tại bang New Mexico, Mỹ, chuyên gia hang động Emily Davis Mobley, 40 tuổi, bị tảng đá nặng hơn 35 kg rơi xuống đè gãy chân. Hang động này là một trong những hang sâu nhất tại Mỹ và trên thế giới.

Hang Lechuguilla được cho là nằm ở nơi sâu nhất nước Mỹ. Ảnh: National Park Service.

Hang Lechuguilla được cho là nằm ở nơi sâu nhất nước Mỹ. Ảnh: National Park Service.

Theo Los Angeles Times, hơn 200 người đã tham gia vào chiến dịch giải cứu kéo dài gần 4 ngày. Họ đã kéo Mobley lên một vách đá cao 56 m dưới mặt đất.

Khi thực hiện nhiệm vụ, đội cứu hộ đã đùa rằng họ muốn ăn pizza được đưa tới dưới lòng đất. Vào thời điểm Mobley được cứu thoát, trước mặt cô cùng lực lượng cứu nạn là 31 chiếc pizza do các nhà hàng địa phương ủng hộ.

“Cảm ơn các bạn rất nhiều. Pizza là đồ ăn tốt cho những người khám phá hang động”, cô nói.

Tôi ở đây, tôi còn sống

Năm 1992, Gustavo Badillo, thầy giáo dạy lặn, cùng một người bạn đi khám phá hồ dưới lòng đất tại Venezuela. Theo tờ Orlando Sentinel, sau khi hai người bơi qua dòng nước đầy bùn đất chẳng khác gì “thạch socola”, người bạn của anh lên được mặt nước nhưng Badillo, 31 tuổi, bị kẹt lại tại một khoang khí dưới lòng đất.

“Tôi ở đây và tôi còn sống”, Badillo hét trong bóng tối nhưng không ai xuất hiện. Vào ngày thứ hai bị kẹt, anh đã nghĩ đến chuyện tự tử.

36 giờ sau, hai thợ lặn Mỹ lặn xuống hang động và cứu được Badillo. Anh kể rằng trong suốt thời gian bị kẹt, anh đã cầu nguyện với Đức mẹ Virgen del Carmen, đức mẹ của những điều kỳ diệu.

Cuộc giải cứu thần kỳ kéo dài 70 ngày ở Chile

Ngày 5/8/2010, đường hầm chính dẫn vào khu mỏ vàng và đồng San Jose ở miền bắc Chile bất ngờ đổ sụp, khiến 33 thợ mỏ bị kẹt dưới độ sâu gần 700 m.

Đội cứu hộ đã phải khoan và chuyển thiết bị thăm dò xuống phía dưới hầm, song các nỗ lực đều thất bại và giới chức gần như đã bỏ cuộc sau 17 ngày tìm kiếm. May thay, lúc đó các nhân viên cứu hộ nhận được mẩu tin nhắn được gắn vào que thăm dò với nội dung: “Ở trong hầm này, chúng tôi vẫn ổn".

Lực lượng giải cứu khoan vào lòng đất và sử dụng buồng cứu hộ để giải cứu nhóm thợ mỏ tại Chile. Ảnh: CSMonitor.

Franklin Lobos, một trong những người gặp nạn, cho biết họ đã cố gắng sống sót với tất cả thực phẩm chỉ là 15 hộp cá ngừ.

“Cứ 24 tiếng thì chúng tôi ăn một thìa nhỏ, sau đó là 48 giờ một lần và cuối cùng chúng tôi chỉ ăn một thìa trong vòng 3 ngày. Thật kinh khủng”.

Sau khi tìm thấy những người gặp nạn và đưa đồ tiếp tế vào, lực lượng cứu hộ tiếp tục mất nhiều tuần mới có thể giải cứu họ. Các kỹ sư đã phải chế tạo ba khoang cứu hộ bằng thép để đưa thợ mỏ lên mặt đất. Công cuộc tìm kiếm và giải cứu kéo dài gần 70 ngày.

Tái sinh nơi hầm mỏ Peru

9 thợ mỏ Peru bị kẹt 7 ngày dưới lòng đất trong vụ sập hầm tháng 4/2012. Chiến dịch này gặp phải nhiều trở ngại bởi hầm mỏ hoạt động trái phép dễ bị sập thêm nếu đội cứu hộ tác động mạnh vào các lớp đất đá. Tuy nhiên, dù bị kẹt dưới mặt đất, những người gặp nạn vẫn giữ tinh thần lạc quan và kể chuyện vui khi chờ được cứu.

Trong quá trình đưa nạn nhân đến nơi an toàn, lực lượng giải cứu đã quấn chăn và cho họ đeo kính bảo vệ mắt sau nhiều ngày ở trong hang động không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Khi đoàn tụ với gia đình, một người trong nhóm gặp nạn đã thốt lên: “Khoảnh khắc này giống như vừa được tái sinh”.

Sức mạnh của niềm tin

Johann Westhauser được đặt trên cáng và kéo lên khỏi hang động Riesending. Ảnh: Getty.

Năm 2014, 728 người từ 5 nước được huy động để giải cứu Johann Westhauser, một nhà vật lý học 52 tuổi. Ông bị chấn thương ở đầu do đá rơi trúng khi khám phá hang động Riesending dài 20 km và sâu nhất nước Đức.

Chiến dịch giải cứu vô cùng khó khăn bởi cửa hang nằm ở trên đỉnh núi, khiến trực thăng không thể hạ cánh. Lực lượng cứu hộ vừa đối chọi với những điều kiện thời tiết khắc nghiệt và nhiệt độ lạnh cóng, vừa tìm cách giải cứu người gặp nạn trong hệ thống hang động, đường hầm, hồ và thác nước phức tạp.

Westhauser bị kẹt ở vị trí cách mặt đất 1.150 m và bị thương nên không thể di chuyển. Đội cứu hộ đã phải đặt ông lên cáng và kéo lên khỏi hang sau 11 ngày thực hiện nhiệm vụ mà các quan chức địa phương trước đó cho là không thể.

“Khi tôi hay tin cuộc giải cứu thành công, chúng tôi ôm nhau và khóc. Chúng tôi quá đỗi vui mừng”, Sabine Zimmerebner, nhà thám hiểm hang động người Áo hỗ trợ cứu hộ, nói với phóng viên.

Điều kiện khắc nghiệt tại hiện trường cứu hộ đội bóng Thái bị mắc kẹt Từ đội cứu hộ, các nhân viên hậu cần đến phóng viên địa phương và quốc tế làm việc trong điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên trước cửa hang Tham Luang, nơi đội bóng bị kẹt.

Ngọc Hà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ket-thuc-co-hau-cho-nhung-chien-dich-giai-cuu-tai-hang-sau-post858138.html