Kết thúc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ: Tiền đồ khó đoán

Sau khi cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ kết thúc, một thượng nghị sĩ cấp cao của Nga nhận định, hệ thống chính trị Mỹ sẽ ngày càng trở nên mất cân bằng và khó dự đoán hơn. Với một cuộc bầu cử giữa kỳ được đánh gia nhiều biến động nhất trong lịch sử nước Mỹ, câu hỏi đặt ra là quyền lực thực sự thuộc về bên nào? Nước Mỹ và thế giới sẽ ra sao sau cuộc bầu cử?

Sóng gió chỉ mới bắt đầu

Đảng Dân chủ, lần đầu tiên sau 8 năm, giành quyền kiểm soát Hạ viện, còn đảng Cộng hòa bảo toàn thế đa số tại Thượng viện. Tổng thống Donald Trump sau 8 tiếng im lặng một cách “khó hiểu” đã viết trên trang Twitter, mô tả cuộc bầu cử là “thành công vang dội”.

Chiều 7-11 (theo giờ Việt Nam), các kết quả bỏ phiếu tại những bang cuối cùng của nước Mỹ dần được công bố. CNN cho biết, đảng Dân chủ đã giành được 222 ghế tại Hạ viện, trong khi đảng Cộng hòa sở hữu 199 ghế. Còn tại Thượng viện 100 ghế, những người theo đường lối bảo thủ nắm giữ 51 ghế, trong khi 45 ghế thuộc về những người theo đường lối tự do.

Lịch sử cho thấy bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ là một sự kiện vô cùng quan trọng, quyết định rất nhiều tới con đường còn lại trong nhiệm sở của một Tổng thống Mỹ, cũng như định hình tương lai chính trị của “xứ cờ hoa” trong 2 năm tới. Với kết quả trên, trong chặng đường nửa cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền Cộng hòa chắc chắn sẽ phải điều chỉnh chương trình nghị sự hiện tại, cũng như nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận từ các đối thủ chính trị để thúc đẩy việc thông qua các dự luật.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đang diễn ra gay gắt, kết quả bầu cử chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến một loạt các vấn đề quan trọng mà nước Mỹ cần “xử lý”, từ quan hệ thương mại toàn cầu; vấn đề hạt nhân; chống khủng bố; quan hệ song phương Mỹ - Trung; Mỹ - EU; Mỹ - Nga... và quan điểm của Mỹ với các điểm nóng ở Trung Đông, ở châu Á, ở Mỹ-Latinh hay vấn đề người nhập cư tại chính nước Mỹ...

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một địa điểm vận động bầu cử. Ảnh: USA Today.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, 78 tuổi, người vừa tái cử với 85,5% phiếu bầu, hứa hẹn sẽ nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để “đoàn kết” xã hội Mỹ “vốn đang hết sức chia rẽ”. Theo bà Pelosi, chiến thắng của đảng Dân chủ là tiền đề để buộc Tổng thống Donald Trump phải giải trình sau 2 năm có nhiều xáo trộn trong Nhà Trắng. Nếu được đảng Dân chủ bầu làm chủ tịch Hạ viện, bà Pelosi sẽ trở thành nhân vật quyền lực thứ ba của nước Mỹ, sau Tổng thống và Phó Tổng thống.

Ông Trump đã gọi điện thoại chúc mừng bà Pelosi. Văn phòng của bà Pelosi cho biết ông Trump đã nhắc đến khái niệm “đồng thuận lưỡng đảng” mà bà đã gợi lên trước đó trong tuyên bố mừng chiến thắng. Lời nhắc của ông Trump nêu bật cục diện chính trị mới vừa mở ra tại Mỹ, đó là vị tổng thống thuộc đảng Cộng hòa buộc phải “sống chung” với Hạ viện trong tay đảng Dân chủ đối lập, với tất cả những phiền toái tiềm tàng.

Theo giới phân tích chính trị, nếu trong 2 năm qua, ông Trump gần như “tự do tung hoành” vì đảng của ông kiểm soát cả 2 viện Quốc hội, thì hiện giờ, với việc đảng Dân chủ nắm đa số tuyệt đối tại Hạ viện, ông Trump sẽ gặp phải nhiều hạn chế trong việc thúc đẩy các chương trình kinh tế, xã hội.

Theo hãng tin Reuters, Hạ viện vốn nằm trong tay đảng Dân chủ có khả năng buộc ông Trump phải công bố thu nhập, điều mà ông vẫn từ chối, đồng thời tiến hành điều tra về các xung đột lợi ích tiềm tàng giữa một Donald Trump tổng thống và một Donald Trump doanh nhân.

Ngoài ra, Hạ viện cũng có thể thúc đẩy tiến độ các cuộc điều tra về nghi án thông đồng giữa nước ngoài với ê kíp tranh cử của ông trước đây, một cuộc điều tra đang được công tố viên đặc biệt Robert Mueller tiến hành.

Về chính sách đối nội, rõ rệt nhất của cục diện chính trị mới tại Mỹ là dự án xây bức tường dọc biên giới với Mexico mà ông Trump từng cam kết khi vận động tranh cử. Vốn gặp trở ngại ngay khi đảng Cộng hòa còn thống trị cả 2 viện Quốc hội, dự án này chắc chắn sẽ bị gác lại trong 2 năm tới trong bối cảnh hiện nay. Chủ trương cải tổ thuế, cũng như chính sách bị cho là “tự cô lập” của ông Trump trong lĩnh vực thương mại, cũng có nguy cơ bị xét lại.

Đó là chưa kể đến khả năng, dù rất xa vời, ông bị Hạ viện tiến hành thủ tục phế truất nếu ông bị “kết án” cố tình cản trở công việc của ngành tư pháp, hoặc thực sự có thông đồng với nước ngoài khi vận động tranh cử năm 2016.

Người ta cũng dự báo rằng sau khi giành chiến thắng, các thành viên đảng Dân chủ ở Hạ viện sẽ cố gắng làm cho chính sách của Mỹ trở nên cứng rắn hơn đối với Saudi Arabia, Nga và Triều Tiên, đồng thời duy trì hiện trạng đối với các khu vực nóng như Trung Quốc và Iran. Nhìn chung, trước một Hạ viện sẵn sàng bác bỏ các đề nghị của Tổng thống, ông Trump buộc phải tìm kiếm những thỏa hiệp, điều mà ông luôn từ chối kể từ ngày bước vào Nhà Trắng.

Theo giới quan sát, với cá tính cứng rắn, ông Trump rất có thể sẽ tiếp tục làm theo ý mình, điều hành công việc bằng các sắc lệnh như ông vẫn thường làm cho đến nay, không cần tìm kiếm sự đồng thuận ở Quốc hội. Tuy nhiên, bà Pelosi nổi tiếng là “sắt đá” làm Chủ tịch Hạ viện, triển vọng “chung sống” chính trị tại Mỹ rất có thể sẽ nhiều sóng gió hơn.

Những câu hỏi đặt ra

Có hai câu hỏi xuất hiện trong đầu nhiều nhà lãnh đạo thế giới sau khi kết quả được công bố: Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tại vị trong bao lâu? Và nước Mỹ “phiên bản” hiện nay sẽ vận động theo hướng nào? Đây cũng chính là những câu hỏi từng được đưa ra kể từ khi ông Trump lên nắm quyền cách đây 2 năm.

Tuy nhiên, trước khi các nhà lãnh đạo thế giới có thể phân tích xem kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ vừa qua tác động thế nào đối với họ thì chính bản thân ông Trump đã có câu trả lời của riêng mình: “Tôi đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng về chiến thắng lớn vào tối qua, kể cả từ những quốc gia (và những người bạn) muốn tôi ra đi, và họ bày tỏ hy vọng về những thỏa thuận thương mại. Giờ chúng ta có thể quay trở lại công việc và hoàn thành chúng!”.

Cuộc bầu cử giữa kỳ còn là phát súng khởi đầu cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đầy kịch tính và tốn kém năm 2020. Lấy đà từ chiến thắng tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, đảng Dân chủ sẽ bước vào cuộc đua giành chức tổng thống dù chưa tìm được ứng cử viên dẫn đầu nào nổi trội một cách rõ rệt - lần đầu tiên tình huống này xảy ra kể từ chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2004.

Hơn 20 ứng cử viên tiềm tàng - trong đó có cựu Phó Tổng thống Joe Biden và nhiều thượng nghị sĩ, thống đốc, thị trưởng cũng như lãnh đạo doanh nghiệp - đã vận động trong nhiều tháng trời để lôi kéo các nhà tài trợ và cân nhắc khả năng được đảng Dân chủ đề cử đại diện cho đảng trong cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống vào năm 2020. Người được đảng Dân chủ đề cử gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với đương kim Tổng thống Donald Trump (thuộc đảng Cộng hòa).

Dù tỷ lệ tán thành ông Trump luôn ở mức dưới 50% kể từ khi ông lên nhậm chức, song vị thế của ông trong nội bộ đảng Cộng hòa khiến cho khó có ai trong đảng này có thể thách thức ông để giành sự đề cử của đảng.

Đây là cuộc bầu cử giữa kỳ lịch sử của nước Mỹ. Ảnh: The National.

Đảng Dân chủ tin rằng kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua là dấu hiệu đáng khích lệ cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 bởi sự “nhiệt tình” của các thành phần nòng cốt trong đảng chống lại ông Trump đã giúp cho đảng Dân chủ chiếm được thế đa số trong Hạ viện.

Các cuộc bầu cử giữa kỳ cũng cho thấy yếu tố Trump và phong trào #MeToo là động cơ đối với giới nữ, khơi dậy một phong trào chưa từng có khiến đông đảo phụ nữ ra ứng cử, đồng thời khuyến khích một số phụ nữ cân nhắc việc tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Trong số này có các Thượng nghị sĩ Kamala Harris, Elizabeth Warren, Kirsten Gillibrand và Amy Klobuchar.

Tham gia cuộc đua tranh trong nội bộ đảng Dân chủ còn có nhiều khuôn mặt quen thuộc như cựu Phó Tổng thống Joe Biden (75 tuổi), bà Warren (69 tuổi) và ông Bernie Sanders (77 tuổi). Với tỷ lệ ủng hộ 29%, ông Biden hiện dẫn đầu đảng Dân chủ trong cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos thực hiện trong ngày bầu cử, đứng thứ 2 là ông Sanders với mức ủng hộ 22%.

Theo dự kiến, cả hai đều có khả năng đánh bại ông Trump trong một cuộc đối đầu tay đôi. Cho tới nay, chỉ có một thành viên đảng Dân chủ là nghị sỹ John Delaney của bang Maryland chính thức tuyên bố sẽ ra tranh cử. Về phái đảng Cộng hòa, ông Trump đã nộp hồ sơ tái tranh cử ngay trong ngày nhậm chức Tổng thống. Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã gây quỹ được 106 triệu USD cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Đi tìm đồng thuận hiếm hoi

Giờ đây, ông Trump đứng trước 2 lựa chọn: Điều chỉnh và giữ nguyên phong cách của mình. Lựa chọn thứ nhất có thể giúp ông giành được sự ủng hộ của nhiều cử tri trung dung hơn cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020. Lựa chọn thứ hai sẽ củng cố sự ủng hộ chính của ông và đổ trách nhiệm cho đảng Dân chủ về một cuộc đấu đá đảng phái khốc liệt. Nhiều khả năng, ông Trump sẽ chọn cách thứ hai.

Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là liệu đảng Dân chủ, nắm quyền kiểm soát Hạ viện, có tiến hành luận tội ông Trump hay không? Việc luận tội đòi hỏi phải được hơn 2/3 số phiếu tán thành trong Thượng viện. Vì thế, đây là điều gần như không có cơ hội thành công. Tuy nhiên, tiến trình này vẫn có thể hấp dẫn đối với đảng Dân chủ vì nó sẽ gây khó khăn cho tổng thống và ngăn chặn kế hoạch tái cử của ông Trump. Thế nhưng, điều đó sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra việc nghi vấn Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Ngoài ra, ông Trump sẽ phải đối mặt với những trở ngại mới về các vấn đề quốc tế vốn không có sự đồng thuận của lưỡng đảng, chẳng hạn như Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ông vẫn có thể làm những gì ông muốn để chống lại sức ép của Hạ viện đối với các vấn đề đối ngoại. Cái chịu tác động ít nhất từ kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ là mối quan hệ Mỹ-Trung khi quan điểm cứng rắn về Trung Quốc nằm trong những chủ đề mà cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có thể nhất trí.

Việc mất quyền kiểm soát Hạ viện sẽ hầu như không ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách của ông Trump đối với Trung Quốc. Về cơ bản, điều làm tổn thương quan hệ Mỹ-Trung là việc Mỹ không chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bắc Kinh và Washington phải cùng nhau cố gắng làm giảm căng thẳng trong các mối quan hệ song phương.

Về vấn đề Nga, Các chuyên gia phân tích của Công ty BCS Global Markets cho rằng việc phân chia lại lực lượng tại Hạ viện Mỹ “tạo nên nguy cơ tăng cường án phạt chống lại Nga”. Còn chuyên gia của công ty Atlatic Council Brian O’Toole, một cựu cố vấn của chi nhánh Bộ Tài chính Mỹ chịu trách nhiệm về các án phạt, đánh giá hiện trạng mới tại Mỹ đồng nghĩa với việc gia tăng sức ép gây án phạt lên Nga, cũng như sức ép chung đối với chính quyền của Tổng thống Trump trong vấn đề Nga.

Chuyên gia Trung tâm Phân tích châu Âu Bruegel Elina Rybakova giải thích rằng phe Dân chủ rất muốn gia tăng án phạt Nga, song Hạ viện khi còn nằm trong tầm kiểm soát của phe Cộng hòa, đã kiềm chế mong muốn đó. Giờ đây, khi Hạ viện chuyển sang phe Dân chủ, họ sẽ có thể thúc đẩy mạnh hơn các sáng kiến về án phạt bất chấp có đối trọng là phe Cộng hòa trong Thượng viện.

Nếu Mỹ có ý định thay đổi các mối quan hệ đối ngoại của mình, thì châu Âu, vấn đề Iran, Triều Tiên hay quan điểm về các điểm nóng sẽ là đích nhắm đầu tiên. Chính quyền ông Trump đã phá hỏng sự đoàn kết của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và tạo ra những xung đột nghiêm trọng với châu Âu. Các nhà lãnh đạo châu Âu muốn “bình an” sau cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ. Còn Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia hay các đồng minh khác hy vọng ông Trump sẽ có thái độ mềm mỏng hơn khi quyền lực bị hạn chế.

Đảng Cộng hòa vẫn sẽ kiểm soát Thượng viện và ông Trump tiếp tục thúc đẩy chương trình “Nước Mỹ trước tiên”, tuy nhiên tình thế nay đã khác. Sự bất ổn tiếp tục nằm ở các mối quan hệ quốc tế. Tiền đồ thế giới và nước Mỹ vì thế khó mà “yên ổn”.

Hoa Huyền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/ket-thuc-bau-cu-giua-nhiem-ky-o-my-tien-do-kho-doan-519627/