Kết quả và kinh nghiệm qua hơn 2 năm thực hiện các nghị quyết Trung ương về tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập

Những kết quả bước đầu quan trọng và những bài học kinh nghiệm sau hơn 2 năm thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đã tạo được tiền đề và niềm tin để thực hiện tiếp các mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị; góp phần làm cho đổi mới chính trị ngang tầm với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn hiện nay.

Đại hội XII của Đảng chủ trương đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và tạo động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững, đặc biệt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ “xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Sau Đại hội, Trung ương Đảng đã triển khai Đề án trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu để ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW, “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” vào cùng ngày 25-10-2017. Qua 2 năm lãnh đạo tổ chức thực hiện hai nghị quyết nói trên, nhiều kết quả quan trọng, cụ thể đã đạt được, từ đó khẳng định sự lựa chọn đúng đắn của Đảng về các giải pháp đột phá, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn các nghị quyết trên trong những năm tới.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Trần Thanh Mẫn (áo xanh, đứng giữa) giám sát hoạt động của Tổng Cục thuế. Ảnh: Quang Vinh

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Trần Thanh Mẫn (áo xanh, đứng giữa) giám sát hoạt động của Tổng Cục thuế. Ảnh: Quang Vinh

Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực(1)

Về tinh gọn tổ chức bộ máy

Các cơ quan hành chính Trung ương hiện có 61 đầu mối trực thuộc Trung ương, giảm được 4 đầu mối; có 1.242 cục, vụ và tương đương, giảm được 19 tổ chức; có 8.142 phòng và tương đương, giảm được 451 tổ chức; có 6.881 đội và tương đương, giảm được 3.317 tổ chức.

Bộ Quốc phòngđã giải thể 201 tổ chức ở các cấp, bên cạnh đósắp xếp lại 338 tổ chức, điều chuyển 13 tổ chức; đồng thời, thành lập mới 45 tổ chức ở các cấp. Bộ Công anđã giảm 6 tổng cục và chuyển 2 bộ tư lệnh cấp tổng cục thành đơn vị tương đương cấp cục... Số lượng lãnh đạo, quản lý của Bộ Công an giảm 6 tổng cục trưởng và tương đương, 48 phó tổng cục trưởng và tương đương, 41 cục trưởng và tương đương...

Tổ chức hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ươnghiện có 2.263 tổ chức sở, ban và tương đương cấp tỉnh, đã giảm 97 tổ chức; số tổ chức cấp phòng và tương đương hiện có 32.394 tổ chức, giảm 4.203 tổ chức. Số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý của các địa phương hiện có 87.448 người, giảm 10.350 người, trong đó lãnh đạo cấp huyện hiện có 5.027 người, giảm 381 người. Lãnh đạo sở, ban và tương đương cấp tỉnh trên toàn quốc hiện có 7.516 người, giảm 938 người; lãnh đạo cấp phòng và tương đương hiện có 74.905 người, giảm 9.031 người.

Đơn vị sự nghiệp công lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện có 51.555 đơn vị, giảm 4.963 đơn vị. Các số liệu cụ thể như sau: Đơn vị trực thuộc cấp ủy hiện có 860 đơn vị, giảm 46 đơn vị (cấp tỉnh có 130 đơn vị, giảm 6 đơn vị; cấp huyện hiện có 730 đơn vị, giảm 40 đơn vị); đơn vị trực thuộc chính quyền địa phương hiện có 50.470 đơn vị, giảm 4.860 đơn vị (cấp tỉnh có 11.298 đơn vị, giảm 1.716 đơn vị; cấp huyện có 39.172 đơn vị, giảm 3.144 đơn vị); đơn vị trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh hiện có 225 đơn vị, giảm 57 đơn vị. Số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện có 110.041 người, giảm 7.386 người.

Như vậy, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, cả nước đã giảm được 4 đầu mối trực thuộc Trung ương, 8 tổng cục và tương đương, 74 cục, vụ và tương đương; 117 sở, ngành và tương đương; 5.475 phòng và tương đương; 5.317 tổ, đội và 5.053 đơn vị sự nghiệp công lập...

Giảm mạnh biên chế

Tổng số người làm việc hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước thời điểm ngày 31-12-2019 là 3.088.013 người, giảm 541.890 người, tương ứng giảm 14,93% so với biên chế được giao tại thời điểm trước ngày 30-4-2015. Trong đó: Cán bộ, công chức (từ cấp huyện trở lên) giảm 37.939 người; viên chức giảm 209.544 người; số làm việc theo hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, ngày 17-11-2000, của Chính phủ, “Về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp”, giảm 6.752 người; số làm việc theo các loại hợp đồng lao động khác giảm 18.734 người; cán bộ, công chức cấp xã giảm 5.481 người; số người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố giảm 263,440 người, trong đó, cấp xã giảm 41.089 người, ở thôn, tổ dân phố giảm 222.351 người.

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị, “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, tổng số biên chế thực tế khối các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội giảm được 10.389 người; khối chính phủ và chính quyền ở địa phương giảm được 356.591 người, chủ yếu giảm số hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố là 238.732 người.

Thí điểm mô hình tổ chức mới

Ở cấp tỉnh, có 1 tỉnh hợp nhất ban tổ chức tỉnh ủy với sở nội vụ và hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra tỉnh ủy với thanh tra tỉnh (tỉnh Hà Giang); 2 tỉnh thực hiện cơ quan tham mưu giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bình Phước); 52/63 tỉnh, thành phố thực hiện mô hình trung tâm phục vụ hành chính công với “cơ chế một cửa”, “cơ chế một cửa liên thông” và thực hiện “5 tại chỗ”. Tỉnh Bạc Liêu hợp nhất Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin và Truyền thông; kết thúc hoạt động của Sở Ngoại vụ, chuyển chức năng, nhiệm vụ của sở này về Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh. Một số địa phương đã chủ động xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền để thực hiện thí điểm mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị (thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh).

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế - mô hình trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh cấp tỉnh đầu tiên ở Việt Nam _Ảnh: Tư liệu

Ở cấp huyện, trong số 707 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay, có 57 đơn vị hợp nhất ban tổ chức cấp ủy với phòng nội vụ; 52 đơn vị hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra cấp ủy với thanh tra chính quyền cùng cấp; 23 đơn vị hợp nhất ban tuyên giáo với ban dân vận và trung tâm bồi dưỡng chính trị; 3 đơn vị hợp nhất ban tuyên giáo với ban dân vận; 70 đơn vị hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng hội đồng nhân dân và văn phòng ủy ban nhân dân; 58 đơn vị thực hiện cơ quan tham mưu giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; 457 đơn vị thực hiện mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, thực hiện “cơ chế một cửa”, “cơ chế một cửa liên thông” và thực hiện “5 tại chỗ”.

Thí điểm kiêm nhiệm chức danh

Ở cấp tỉnh, có 23 tỉnh thực hiện trưởng ban dân vận tỉnh ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; 1 tỉnh (tỉnh An Giang) thực hiện trưởng ban tổ chức tỉnh ủy đồng thời là giám đốc sở nội vụ.

Ở cấp huyện, có 639/707 đơn vị thực hiện trưởng ban tuyên giáo cấp ủy đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị; 445 đơn vị thực hiện trưởng ban dân vận cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 108 đơn vị thực hiện trưởng ban tổ chức cấp ủy đồng thời là trưởng phòng nội vụ; 76 đơn vị thực hiện chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy đồng thời là chánh thanh tra huyện. Mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp được thực hiện tại 37 đơn vị cấp huyện, 1.072 đơn vị cấp xã.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố

Theo tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, ngày 25-5-2016, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, “Về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính”, cả nước có 19 đơn vị hành chính cấp huyện, 631 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp lại trong giai đoạn 2019 - 2021; đồng thời, có 3 tỉnh chủ động sắp xếp 10 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuyến khích và 1 tỉnh sắp xếp 1 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện khuyến khích. Các tỉnh, thành phố đã đề nghị chưa tiến hành sắp xếp trong giai đoạn này đối với 99 đơn vị hành chính cấp xã và 10 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp.

Đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết sắp xếp 18 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.025 đơn vị hành chính cấp xã của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi sắp xếp đã giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 545 đơn vị hành chính cấp xã. Qua đó, sẽ giảm được 9.962 cán bộ, công chức; 6.913 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Các địa phương đã hợp nhất để giảm 15.354 thôn, tổ dân phố; giảm 222.351 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố so với năm 2015. Đã cơ bản khắc phục tình trạng thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng. Tính đến ngày 30-6-2019, chỉ còn 1.582 thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng, chiếm 1,58% tổng số thôn, tổ dân phố, giảm 810 thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng so với thời điểm 1-1-2016. Tình trạng trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không phải là đảng viên giảm nhanh. Tính đến ngày 30-6-2019, tỷ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chưa là đảng viên là 31,84%, giảm 7,13% so với thời điểm 1-1-2016.

Tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển

Do giảm biên chế, năm 2019, kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã giảm khoảng 10.000 tỷ đồng; góp phần tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm nợ công, đồng thời vẫn bảo đảm tăng lương cơ sở 7%/năm. Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước năm 2016 đạt 22,9%, năm 2017 đạt 25%, năm 2018 đạt 25,4%; năm 2019 đạt 26,6%; nợ công đã giảm (năm 2019 là 56,1% GDP trong khi năm 2016 là 64,6% GDP).

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ trọng chi thường xuyên năm 2019 giảm 0,85% so với năm 2017 (tương ứng khoảng 14.000 tỷ đồng), trong khi vẫn bảo đảm tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp người có công 7%/năm; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng tương ứng 1,14%; chi trả lãi và viện trợ tăng gần 9.000 tỷ đồng/năm. Tỷ lệ nợ công so với GDP giảm 6,4%. Tính chung 2 năm, ngân sách nhà nước đã giảm chi khoảng 16.000 tỷ đồng do sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công.

Theo tính toán của các địa phương, trong 5 năm tới (giai đoạn 2020 - 2024) dự kiến sẽ giảm chi ngân sách nhà nước sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khoảng 1.431 tỷ đồng (gồm giảm chi tiền lương và phụ cấp khoảng 511 tỷ đồng; giảm chi hoạt động khoảng 920 tỷ đồng).

Những số liệu nêu trên là minh chứng cho những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và thể hiện những chuyển biến tích cực, rõ nét do tính đúng đắn, kịp thời mà Nghị quyết đem lại. Theo đó, dù đã giảm nhiều số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trưởng, cấp phó các cấp song tổ chức bộ máy vẫn từng bước ổn định hoạt động, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ bản đáp ứng yêu cầu về khối lượng và chất lượng công việc. Trên bình diện cả nước, hầu hết các chỉ tiêu hằng năm của Quốc hội đề ra đều đạt và vượt, tình hình kinh tế - xã hội phát triển ổn định, khẳng định những đóng góp quan trọng của hệ thống tổ chức và đội ngũ nhân sự trong quá trình củng cố, kiện toàn bộ máy. Có thể ví đây là “cuộc cải cách có tính cách mạng” của nhiệm kỳ Đại hội XII trong sắp xếp tổ chức, tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm mạnh biên chế mà nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng trước đó không thực hiện được. Các cơ quan, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, thậm chí đến cả tổ dân phố, khu phố, thôn, bản đều có những chuyển biến tích cực, toàn diện.

Những bài học rút ra để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ

Thứ nhất, cần có sự thống nhất cao, có tinh thần chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy các cấp, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng giữ vai trò quan trọng, quyết định đến thành công của sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Đảng lãnh đạo trực tiếp công tác tổ chức cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong quá trình thực hiện, cần gắn việc rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Những cách làm hay, sáng tạo cần được khuyến khích, nhân rộng, tạo sức lan tỏa, đồng thời cần uốn nắn những việc chưa phù hợp. Những việc khó cần thực hiện thí điểm để tổng kết, rút kinh nghiệm nhằm hoàn thành tốt mục tiêu; bên cạnh đó, phát hiện, nhân ra diện rộng những mô hình tốt.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là việc khó, phức tạp và nhạy cảm, nên không chỉ cần chú trọng công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, đồng thuận trong hệ thống chính trị và nhân dân, mà còn phải thực hiện thận trọng, có bước đi vững chắc. Khi sắp xếp tổ chức bộ máy, nhiều người “mất chức” vì thực hiện chủ trương xóa các cấp lãnh đạo trung gian; nhiều người phải đảm nhận thêm những công việc mới; nhiều người phải chuyển sang vị trí công việc khó khăn hơn, nhưng thu nhập thấp hơn, thậm chí có người mất việc do thuộc diện “dôi dư”. Điều đó đòi hỏi các cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, khách quan, công tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, phải khắc phục cả hai thái cực đã xảy ra trong quá trình thực hiện là: Chủ quan, nóng vội, thiếu chín chắn, để xảy ra lộn xộn, hoặc khuynh hướng cầu toàn, “bình chân như vại”, trông chờ, ỷ lại, thiếu quyết đoán, không dám “đụng” đến tổ chức, con người vì sợ trách nhiệm, mất phiếu tín nhiệm.

Thứ hai, phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất, liên thông trong hệ thống chính trị và hướng vào việc thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị của tổ chức.

Trong quá trình sắp xếp lại tổ chức, cần hướng mọi nỗ lực vào việc thực hiện mục tiêu, yêu cầu của nhiệm vụ chính trị song vẫn bảo đảm tính ổn định tương đối của tổ chức. Trên thực tế, mỗi khi hợp nhất, sáp nhập tổ chức thì cũng là lúc cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải có sự thay đổi từ nhiệm vụ đến mối quan hệ công tác và phong cách, lề lối làm việc. Việc bảo đảm tính đồng bộ bao gồm nhiều việc, như xác định lại vị trí việc làm, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho cán bộ, công chức, viên chức để chủ động đáp ứng với yêu cầu mới, tránh được tình trạng sáp nhập cơ học, thậm chí phá vỡ tính hệ thống của tổ chức. Việc tái cấu trúc cơ cấu tổ chức phải gắn chặt với ứng dụng công nghệ thông tin, tinh giản biên chế trên cơ sở xây dựng vị trí việc làm. Cần xác định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân nhằm phát huy thế mạnh của mỗi thành viên trong tổ chức và sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong quá trình thực hiện.

Thứ ba, phải bằng các đề án, kế hoạch cụ thể, bố trí đủ nguồn lực cần thiết gắn với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Cấp ủy đảng các cấp phải xây dựng kế hoạch, đề án sắp xếp tổ chức bộ máy một cách khoa học, cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình phù hợp; xác định mục tiêu, tính hiệu quả, đối tượng thụ hưởng, nguồn lực thực hiện và phân công nhiệm vụ rõ ràng gắn với đề cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là của người đứng đầu. Hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và xác định tổng biên chế cần có của địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị mang tính pháp lý, khá ổn định trong một giai đoạn nhất định, gắn với các chế tài xử lý vi phạm và công bố công khai. Đó là căn cứ tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và tránh được sự tùy tiện đặt ra tổ chức, chức việc theo ý chí chủ quan của người đứng đầu vì lợi ích cá nhân. Đồng thời, cần bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc, quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung trên cơ sở bảo đảm theo đúng quy định của cấp có thẩm quyền, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thứ tư, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích của Nhà nước, tập thể và cá nhân trong quá trình sắp xếp lại tổ chức.

Vấn đề lớn và rất khó khăn hiện nay là giải quyết chế độ, chính sách phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người trực tiếp bị ảnh hưởng khi sắp xếp tổ chức và tinh giản biên chế. Đó là chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện thôi việc, nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu; chính sách đào tạo lại, bồi dưỡng nguồn nhân lực... để tạo động lực, khuyến khích thực hiện đề án. Thực tế cho thấy, lĩnh vực chậm chuyển đổi mô hình tổ chức, chậm đổi mới cơ chế quản lý thường có nguyên nhân về lợi ích của cá nhân và cơ quan chủ quản. Vì vậy, cần đẩy mạnh thực hiện đổi mới cơ chế quản lý để khuyến khích sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng xã hội hóa, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục đang chiếm số lượng rất lớn hiện nay. Trên thực tế, đã có trường hợp đơn vị sự nghiệp chuyển đổi mô hình theo hướng xã hội hóa thì ngay sau đó, nhiều viên chức nhanh chóng trở thành người lao động thu nhập thấp, việc làm bấp bênh, thậm chí mất dần việc làm, đời sống rất khó khăn, chưa nói đến cơ quan quản lý trước đây mất dần quyền lợi. Chính vì thế mà quá trình xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp rất chậm và khó khăn cho dù điều đó là tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ năm, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết có vai trò quan trọng trong quá trình lãnh đạo tổ chức thực hiện của các cấp ủy. Mục đích của kiểm tra là để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt; đôn đốc, nhắc nhở, uốn nắn những nơi làm chưa tốt. Vì thế, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai và tổ chức thực hiện tại đơn vị, địa phương, kịp thời phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của tập thể và cá nhân.

Năm 2019, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra thực hiện các nghị quyết của Trung ương tại cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và đã có tác dụng lớn. Qua kiểm tra, không chỉ biểu dương tập thể, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả, mà còn là dịp để phát hiện, đôn đốc, nhắc nhở những nơi làm chậm, chưa đúng tinh thần của nghị quyết và uốn nắn những việc chưa phù hợp. Việc thực hiện nghị quyết còn gặp khó khăn, vướng mắc do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chậm rà soát bổ sung, hoàn thiện một số quy định liên quan đến tổ chức bộ máy. Thực tế cho thấy, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa đồng bộ, thống nhất, thiếu cơ sở pháp lý, chưa phù hợp với thực tiễn, làm nảy sinh tư tưởng trông chờ cấp trên chỉ đạo mới làm. Ngược lại, cũng có nơi làm quá mạnh, nóng vội, điều này dẫn tới khả năng là nếu không tính toán cẩn thận mà đã tiến hành thực hiện đại trà, với quy mô lớn ở tất cả các địa phương, lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực, vùng, miền có những đặc thù... sẽ dễ gây ra tình trạng nhập vào rồi lại muốn tách ra hoặc “sáp” nhưng không “nhập”, thậm chí chỉ là sáp nhập cơ học, lấy thành tích mà không đạt được mục tiêu, yêu cầu đặt ra./.

------------------------------

(1) Số liệu trong bài viết này do Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương.

Theo PGS, TS. NGUYỄN MINH TUẤN/Tạp chí Cộng sản

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thuc-tien/ket-qua-va-kinh-nghiem-qua-hon-2-nam-thuc-hien-cac-nghi-quyet-trung-uong-ve-to-chuc-bo-may-va-nang-cao-nang-luc-hieu-qua-hoat-dong-cua-he-thong-chinh-tri-va-cac-co-quan-don-vi-su-nghiep-cong-lap-37008.html