Kết quả và kinh nghiệm nắm bắt, quản lý tư tưởng chiến sĩ mới

LTS: Ngày 26-4, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) tổ chức Tọa đàm 'Chiến sĩ mới với môi trường quân ngũ'. Nhiều ý kiến tại tọa đàm đã nêu bật kết quả đạt được cũng như kinh nghiệm trong nắm bắt, quản lý, giải quyết tư tưởng, giúp chiến sĩ mới (CSM) phấn khởi, sớm hòa nhập môi trường quân ngũ, yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Báo QĐND trích đăng các ý kiến phát biểu và tham luận tại tọa đàm.

* Đại tá Nguyễn Mạnh Khải, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 361:

Tiền đề để chiến sĩ mới phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ

Cuộc tọa đàm “Chiến sĩ mới với môi trường quân ngũ”, do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Sư đoàn 361 tổ chức có ý nghĩa thiết thực cả về lý luận và thực tiễn. Qua đó, khẳng định vai trò, ý nghĩa của công tác quản lý tư tưởng chiến sĩ mới (CSM), đồng thời phổ biến, nhân rộng kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong quản lý tư tưởng CSM; chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác này ở đơn vị cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng công tác tư tưởng trong quản lý, giáo dục CSM.

 Đại tá Nguyễn Mạnh Khải. Ảnh: Trọng Hải.

Đại tá Nguyễn Mạnh Khải. Ảnh: Trọng Hải.

Giáo dục, rèn luyện người thanh niên nhập ngũ trở thành người quân nhân có lý tưởng cách mạng, luôn đề cao cảnh giác, chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc… là trách nhiệm của đơn vị nhận quân, cũng là niềm mong mỏi của gia đình, địa phương khi tin tưởng gửi gắm con em mình vào môi trường quân đội. Hằng năm, Sư đoàn 361 tiếp nhận và tổ chức huấn luyện, giáo dục số lượng lớn CSM, là nguồn bổ sung lực lượng quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của đơn vị, bảo đảm cho sư đoàn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Hàng nghìn CSM nhập ngũ, đến từ nhiều vùng, miền; thuộc nhiều dân tộc, tôn giáo, thành phần xuất thân; trình độ học vấn khác nhau…; những ngày đầu trong môi trường quân ngũ, mọi thứ đều mới lạ đối với họ, nhất là thay đổi nếp sinh hoạt, lối sống thường ngày, khiến CSM không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Làm thế nào để giúp CSM sớm ổn định tư tưởng, yên tâm học tập, rèn luyện và nắm vững được những nội dung cơ bản của hoạt động quân sự…, được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Sư đoàn 361 đặc biệt quan tâm, tiến hành hiệu quả. Những năm qua, 100% CSM được huấn luyện tại sư đoàn đều có tư tưởng vững vàng, yên tâm công tác, có sự trưởng thành tiến bộ rõ nét trong môi trường quân ngũ; tự giác thực hiện và chấp hành nghiêm kỷ luật, các chế độ, nền nếp của quân đội, đơn vị, không có trường hợp đào bỏ ngũ, vắng mặt trái phép hoặc phải cắt quân số. CSM phấn khởi, xác định tốt tinh thần, trách nhiệm trong chấp hành và thực hiện mọi nhiệm vụ được giao. Đó là cơ sở, là tiền đề để người chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng của công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội.

NGUYỄN ANH (lược ghi)

* Trung tá Đặng Bá Thành, Chính ủy Trung đoàn 218, Sư đoàn 361:

“Truyền lửa” qua các phong trào thi đua

Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 218 đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các biện pháp tiến hành công tác tư tưởng đối với CSM bằng nhiều hình thức, phương pháp, trong đó quan tâm và tổ chức tốt các phong trào thi đua (PTTĐ), cuộc vận động (CVĐ), góp phần xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, tạo môi trường thuận lợi giúp CSM tu dưỡng, rèn luyện, trưởng thành; đồng thời tăng cường quan hệ cán binh, tinh thần đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau giữa các CSM.

Trung tá Đặng Bá Thành. Ảnh: Trọng Hải.

Công tác tư tưởng trong các phong trào thi đua, cuộc vận động ở Trung đoàn 218 được triển khai ngay từ những ngày đầu tiếp nhận CSM, qua sự "truyền lửa", tiếp sức của các tổ chức, lực lượng, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, giáo dục, huấn luyện CSM. Đơn vị tổ chức tốt lễ ra quân huấn luyện và phát động phong trào thi đua với chủ đề “Huấn luyện giỏi-kỷ luật nghiêm-đoàn kết tốt-an toàn tuyệt đối” với những nội dung, chỉ tiêu sát với yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện và đối tượng; đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với CVĐ “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” đến với bộ đội thông qua hình thức giáo dục chính trị; đẩy mạnh CVĐ 50 qua thực hiện ngày kỹ thuật; CVĐ “Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” thông qua hoạt động tăng gia sản xuất, giữ gìn cơ sở vật chất, trang thiết bị…

Để thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, CVĐ, đơn vị huy động và phát huy tốt vai trò của các tổ chức trong việc tuyên truyền, giáo dục và vận dụng sáng tạo các hình thức tổ chức, như: Sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt tư tưởng, diễn đàn CSM, tọa đàm, sinh nhật đồng đội, giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao... Quá trình triển khai các phong trào, cần quan tâm nắm chắc đặc điểm tâm sinh lý, trình độ văn hóa, yếu tố vùng miền… để lựa chọn các nội dung, xác định các hình thức tiến hành phù hợp; thường xuyên quan tâm, chăm lo vật chất, tinh thần, kịp thời thăm hỏi, động viên các đồng chí hoàn cảnh khó khăn; xây dựng ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn. Qua các lần khảo sát của đơn vị, 100% CSM yên tâm phấn khởi, quyết tâm cao trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ.

AN DUYÊN (lược ghi)

*Thiếu tá Phạm Sông Trà, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang:

Phát huy vai trò của địa phương trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ

Lục Nam là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, huyện Lục Nam có hơn 2.600 liệt sĩ, hàng nghìn thương binh, bệnh binh, 36 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 4 tập thể và 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân... Phát huy truyền thống của quê hương, huyện Lục Nam luôn coi trọng làm tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ khi có kế hoạch tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ năm 2018 của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) tỉnh, Hội đồng NVQS huyện và các địa phương trong huyện đã xây dựng kế hoạch, phối hợp xét duyệt, lựa chọn thanh niên nhập ngũ, bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng.

Thiếu tá Phạm Sông Trà. Ảnh: Trọng Hải

Danh sách tạm miễn, tạm hoãn và thanh niên đủ điều kiện thực hiện NVQS được niêm yết công khai để nhân dân biết và giám sát; đồng thời quy định, hướng dẫn cụ thể từng bước, cách làm trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; thực hiện bình xét, tuyển chọn công khai, niêm yết kết quả xét duyệt chính trị ở từng thôn, xóm, tổ dân phố đến các xã, phường, thị trấn để người dân biết, giám sát; bảo đảm công bằng, đúng luật trong thực hiện Luật NVQS.

Trong thời gian sơ tuyển, khám tuyển, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền Luật NVQS, về môi trường quân ngũ cũng như truyền thống quê hương, đất nước; quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của thanh niên... trên hệ thống truyền thanh các xã, phường, thị trấn. Các đồng chí lãnh đạo địa phương, ban, ngành, đoàn thể tổ chức gặp mặt, động viên công dân trong diện nhập ngũ, giúp họ xác định tốt nhiệm vụ; phấn khởi, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc. Cấp ủy, chính quyền các địa phương chú trọng tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức, trong đó có hình thức trực quan sinh động là các chiến sĩ hoàn thành NVQS trở về địa phương, được quan tâm tạo điều kiện về nhiều mặt; qua đó, nhiều thanh niên địa phương đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ, sớm xác định rõ hướng rèn luyện, phấn đấu.

Nhờ thực hiện tốt các giải pháp trên, những năm qua, thanh niên trên địa bàn huyện Lục Nam đều yên tâm, phấn khởi lên đường, quyết tâm hoàn thành tốt NVQS, nhất là khi nhập ngũ vào các đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong cả nước.

TRỊNH HẢI (lược ghi)

*Đại úy Cao Văn Hạnh, Chính trị viên Tiểu đoàn 11, Phòng Tham mưu, Sư đoàn 361:

Sâu sát, gần gũi, giải quyết thấu đáo công tác tư tưởng

Qua thực tế công tác chuẩn bị, tiếp nhận và huấn luyện CSM của đơn vị, chúng tôi thấy có một số khó khăn trong quản lý tư tưởng CSM. Trong những ngày đi nhận quân tại địa phương, do thời gian ngắn nên cán bộ đơn vị ít có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, động viên CSM và người thân của CSM, giải đáp những vấn đề còn băn khoăn, thắc mắc của thanh niên và gia đình. Sự chênh lệch về độ tuổi, trình độ văn hóa, nhận thức không đồng đều và thói quen, tập quán khác nhau, cũng gây khó khăn nhất định trong công tác giáo dục, quán triệt nhiệm vụ; hoàn cảnh gia đình một số CSM còn nhiều khó khăn cũng làm cho chiến sĩ chưa thực sự yên tâm công tác...

Đại úy Cao Văn Hạnh. Ảnh: Trọng Hải.

Từ những khó khăn trên, chúng tôi cho rằng, việc sâu sát, gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm và giải quyết tốt công tác tư tưởng là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng và kết quả huấn luyện CSM của đơn vị. Để làm tốt điều đó, trong tổ chức tập huấn cán bộ khung huấn luyện CSM, ngoài những nội dung về quân sự, cần tăng cường bồi dưỡng về công tác nắm, quản lý, giải quyết tư tưởng cho đội ngũ cán bộ các cấp; phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của cán bộ chính trị; đồng thời không “khoán trắng” công tác tư tưởng cho cán bộ chính trị, mà huy động sức mạnh tổng hợp của toàn đơn vị. Đơn vị yêu cầu, đối với tiểu đội trưởng, sau ba ngày phải nắm được tình hình tư tưởng, hoàn cảnh gia đình của từng CSM; đối với trung đội trưởng là sau 7 ngày. Cán bộ khung thực hiện “4 cùng” để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết tư tưởng nảy sinh của CSM. Những năm tới, đơn vị phối hợp với địa phương giao quân làm tốt hơn công tác thâm nhập hồ sơ, nắm chất lượng thanh niên nhập ngũ; phối hợp tốt với gia đình trong nắm và quản lý tư tưởng chiến sĩ.

Quan tâm chăm lo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe bộ đội là giải pháp hữu hiệu góp phần quan trọng giúp bộ đội vượt qua khó khăn, vất vả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

KHÁNH MINH (lược ghi)

*Binh nhì Nguyễn Ngọc Hạnh, Trung đội 1, Đại đội Huấn luyện chiến sĩ mới, Trung đoàn 236:

Chúng tôi được sống, rèn luyện trong môi trường vui tươi, lành mạnh

Những ngày đầu trong quân ngũ, tôi gặp nhiều bỡ ngỡ, cảm thấy gò bó; có những lúc tôi đã có ý định bỏ trốn ra ngoài chơi. Nhưng được các đồng chí cán bộ đại đội, trung đội, và nhất là tiểu đội trưởng thường xuyên quan tâm, gần gũi đã không để cho suy nghĩ sai trái đó của tôi thành hiện thực. Các đồng chí động viên tôi như anh em gia đình, cả trong huấn luyện cũng như trong cuộc sống hằng ngày; chỉ bảo cho tôi nhiều điều hay lẽ phải, nhất là cách suy nghĩ đúng đắn về nhiệm vụ.

Binh nhì Nguyễn Ngọc Hạnh. Ảnh: Trọng Hải.

Ngày nghỉ cuối tuần, đơn vị lại tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Đặc biệt, trong tháng 3 vừa qua, đại đội tổ chức buổi “Sinh nhật đồng đội” - đây là lần đầu tiên tôi được tham dự một buổi tiệc sinh nhật vui và ấm áp đến vậy. Dù đơn vị tổ chức sinh nhật cho đồng chí khác, nhưng tôi cảm giác như chính sinh nhật của mình. Chúng tôi thấy mình được hòa vào môi trường vui tươi và lành mạnh, nơi có tình đồng chí, đồng đội ấm áp và gắn bó. Và cũng trong những hoạt động tập trung ấy, tôi nhận thấy, không chỉ bản thân mình mà nhiều đồng chí khác đã chững chạc, trưởng thành lên rất nhiều. Hằng ngày, cán bộ và chiến sĩ chúng tôi cũng thường xuyên tâm sự, chia sẻ để thêm cảm thông, gắn bó, cùng nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

LINH THẢO (lược ghi)

*Ông Triệu Văn Khoa, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội:

Con tôi chững chạc, trưởng thành là nhờ đơn vị

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, con trai tôi nhận giấy báo khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Tôi cùng gia đình động viên cháu đi khám tuyển. Đủ điều kiện về hồ sơ lý lịch, cháu lên đường nhập ngũ và hiện là chiến sĩ Tiểu đội 6, Trung đội 2, Đại đội 72, Trung đoàn 280 (Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ).

Ông Triệu Văn Khoa. Ảnh: Trọng Hải.

Trước khi cháu nhập ngũ, trong thâm tâm tôi cũng có nhiều suy nghĩ, trăn trở rằng: Liệu con mình có hoàn thành nhiệm vụ, có chịu được vất vả hay không? Rồi tính tình cháu còn nhút nhát, vào bộ đội có hòa đồng được với mọi người; ăn uống ra sao, chấp hành giờ giấc, nền nếp chính quy như thế nào? Thêm nữa, khi cháu đi bộ đội, gia đình cũng thiếu hụt về nhân lực lao động…

Tôi bàn với vợ và quyết định cho con nhập ngũ đầu năm 2018. Tôi động viên con: “Trước kia, bố đi bộ đội 5 năm và cảm thấy cũng rất nhanh, thời kỳ đó còn thiếu thốn đủ đường, nhưng bố vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ...”. Sau khi nhập ngũ, cháu gọi về gia đình thông báo nơi đơn vị đóng quân, về môi trường sinh hoạt, học tập, qua đó gia đình tôi thêm yên tâm. Được trực tiếp đến thăm đơn vị, thấy con trai chững chạc hơn nhiều, từ lời nói, cách xưng hô đến tác phong đều nhanh nhẹn, sức khỏe tốt hơn và tăng cân so với ở nhà, vợ chồng tôi mừng lắm vì thấy con đã chững chạc, trưởng thành hơn nhiều so với trước khi nhập ngũ; nơi ăn ở thì khang trang sạch đẹp; cán bộ, chiến sĩ đoàn kết, nếp sống văn hóa, lễ phép... khiến tôi rất an tâm.

Con tôi trưởng thành như vậy, tôi chân thành cảm ơn các đồng chí cán bộ trực tiếp huấn luyện, rèn luyện cháu và thủ trưởng các cấp. Tin rằng, con tôi cũng như các chiến sĩ mới sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao giao. Sau buổi tọa đàm, về gia đình, địa phương, tôi sẽ chia sẻ, tuyên truyền để mọi người hiểu và tích cực động viên con em mình nhập ngũ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

ANH KHÔI (lược ghi)

* Đại tá Vũ Văn Toán, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân:

Giúp chiến sĩ mới yên tâm, xác định tốt nhiệm vụ

Thành công trong công tác tư tưởng đối với chiến sĩ mới (CSM) của sư đoàn có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, chỉ huy đơn vị và sự vào cuộc hướng dẫn, chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan, nòng cốt là cơ quan chính trị các cấp. Bên cạnh đó, các đơn vị trong sư đoàn luôn có sự đổi mới về nội dung, phương pháp, cách thức giáo dục, quản lý phù hợp với CSM.

Đại tá Vũ Văn Toán. Ảnh: Trọng Hải.

Trước khi CSM về đơn vị, Đảng ủy sư đoàn và cấp ủy các cấp đã xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện sát đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị. Hai tháng trước khi bước vào huấn luyện CSM, các đơn vị lựa chọn những đồng chí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ khung từ tiểu đội, trung đội, đại đội, chú trọng bồi dưỡng về phương pháp nắm và quản lý tư tưởng; tập trung củng cố cảnh quan môi trường để tạo ấn tượng tốt cho CSM ngay từ đầu. Sư đoàn còn thành lập tổ công tác trực tiếp xuống các đơn vị để chỉ đạo, hướng dẫn công tác tiếp nhận và tổ chức huấn luyện CSM; sau khi CSM ổn định, tổ công tác mới rút khỏi các điểm huấn luyện, nhưng hằng tuần, các thành viên trong tổ vẫn chủ động xuống các đơn vị để kiểm tra, nắm tình hình mọi mặt.

Ngay sau khi CSM về đơn vị, chỉ huy các cấp chủ động gặp gỡ, tâm tình, định hướng phấn đấu; đồng thời nắm bắt về hoàn cảnh gia đình, trình độ chính trị, văn hóa, tâm tư, nguyện vọng, năng khiếu, sở trường của CSM để có hướng giúp đỡ; đồng thời nhận định, đánh giá sát, đúng tình hình tư tưởng trong tập thể cũng như từng cá nhân CSM. Để giúp CSM yên tâm, gắn bó với đơn vị, cán bộ các cấp chú trọng tạo dựng tinh thần đoàn kết cán-binh và bầu không khí dân chủ, cởi mở, gắn bó.

Đến thời điểm này, 100% CSM của sư đoàn có lập trường tư tưởng vững vàng, yên tâm công tác, trưởng thành tiến bộ, xác định tốt nhiệm vụ; tự giác thực hiện và chấp hành nghiêm kỷ luật, các chế độ, nền nếp; không có trường hợp đào bỏ ngũ, vắng mặt trái phép.

THANH BÌNH (lược ghi)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/ket-qua-va-kinh-nghiem-nam-bat-quan-ly-tu-tuong-chien-si-moi-537541