Kết quả thực hiện Chiến lược phòng chống và loại trừ sốt rét tại Việt Nam giai đoạn 2011-2020

Ngày 27/10/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1920/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu vào năm 2020 tỷ lệ người dân mắc bệnh sốt rét dưới 0,15/1.000; tỷ lệ người dân chết do bị bệnh sốt rét dưới 0,02/100.000.

Chiến lược Quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam được ban hành thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam, thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với Liên hợp quốc trong việc thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ về phòng chống bệnh sốt rét.

Để triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng và thực hiện đồng bộ các kế hoạch hành động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét như: Kế hoạch tăng cường phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời bệnh sốt rét; Kế hoạch phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét; Truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét; Phân vùng dịch tễ sốt rét can thiệp và đánh giá hiệu quả của chương trình phòng chống và loại trừ sốt rét; Kế hoạch ngăn chặn và chống lây lan ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc Artemisinin.

Các kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược nhằm đảm bảo cho tất cả những người bị bệnh sốt rét và người có nguy cơ mắc bệnh sốt rét được tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời; Bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sốt rét có hiệu quả, thích hợp cho người dân sống trong vùng có nguy cơ mắc bệnh sốt rét; Nâng cao năng lực của hệ thống giám sát bệnh sốt rét, bảo đảm đủ khả năng phòng, chống dịch bệnh sốt rét; Nâng cao nhận thức về bệnh sốt rét để người dân chủ động phòng chống bệnh; Từng bước loại trừ bệnh sốt rét tại các tỉnh.

Cán bộ y tế tuyên truyền về sốt rét cho người dân.

Cán bộ y tế tuyên truyền về sốt rét cho người dân.

Trong những năm vừa qua, hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở nước ta được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và các tổ chức quốc tế, với nỗ lực của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Nhờ đó, các nội dung Chiến lược Quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam đã được triển khai thực hiện tốt, công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét đã đạt được các kết quả đáng kể với số mắc và tử vong do sốt rét liên tục giảm hàng năm.

Theo số liệu báo cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, đến năm 2020 số người mắc bệnh sốt rét còn 1.733 người, giảm 96,2% so với năm 2011 (45.588 người); Tỷ lệ mắc sốt rét là 0,02/1.000 dân; Số người chết do bị bệnh sốt rét giảm từ 14 trường hợp xuống còn 1 trường hợp. Tỷ lệ chết do sốt rét là 0,001/100.000 dân.

Các chỉ tiêu về giảm tỷ lệ mắc sốt rét và khống chế tỷ lệ chết do sốt rét theo mục tiêu của Chiến lược đều đã vượt chỉ tiêu đặt ra. Đồng thời, phạm vi và số người sống trong vùng có bệnh sốt rét lưu hành cũng ngày càng bị thu hẹp. Bệnh sốt rét hiện nay tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Phú Yên, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận. Việt Nam đã sớm đạt được Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về phòng chống sốt rét.

Đến hết năm 2020, toàn quốc có 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét, gồm: Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Tuy nhiên, hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét còn nhiều khó khăn, thách thức. Bệnh sốt rét có nguy cơ tăng trở lại do: Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc điều trị; Muỗi truyền bệnh sốt rét lưu hành ở nhiều nơi và đã kháng một số hóa chất diệt muỗi làm giảm hiệu quả của các biện pháp phòng bệnh sốt rét; Gia tăng di biến động dân khó kiểm soát giữa các địa phương từ vùng không còn sốt rét vào vùng sốt rét lưu hành; Giao lưu dân qua biên giới với các nước có sốt rét lưu hành cao và có ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc như Lào, Campuchia và các nước châu Phi; Tập quán sử dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân của người dân thấp nên có nguy cơ mắc bệnh cao. Đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, việc triển khai các hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét tại một số vùng có bệnh sốt rét lưu hành gặp nhiều khó khăn.

Do đó, mặc dù Chiến lược Quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 đã đạt được các mục tiêu đề ra, trong giai đoạn tới các hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét rất cần tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các cấp chính quyền và toàn xã hội để duy trì ổn định những thành quả giảm mắc, giảm chết do bệnh sốt rét gây ra và đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới là loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam vào năm 2030.

PGS. TS. Trần Thanh Dương (Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ket-qua-thuc-hien-chien-luoc-phong-chong-va-loai-tru-sot-ret-tai-viet-nam-giai-doan-2011-2020-n190506.html