Kết quả thi bất thường tại Hà Giang: Cựu Cục trưởng Cục CNTT nói về lỗ hổng của thi trắc nghiệm

Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục CNTT người từng phụ trách mảng công nghệ thông tin của Bộ GDÐT đã nói về lỗ hổng thi trắc nghiệm liên quan tới sự cố nghiêm trọng đang diễn ra tại Hà Giang.

Độ tin cậy có phần suy giảm khi tổ chức thi ở địa phương

Ông Ngọc cho hay, thời thi tự luận, tiêu cực liên quan tới sửa bài thi là rất khó. Lý giải điều này, ông Ngọc cho rằng, vì có khâu rọc phách mà nếu dồn túi 2 lần thì cũng không tài nào biết bài nào của ai để sửa bài thi.

Trong khi phiếu trả lời trắc nghiệm hoàn toàn không có phách nên bất kỳ ai cũng có thể biết phiếu trả lời này là của ai và ra phiếu của một thí sinh nào đó.

“Đây là một lỗ hổng mà tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi còn công tác”- ông Quách Tuấn Ngọc nêu.

Họp báo về sự cố điểm thi cao bất thường tại Hà Giang ngày 17/7. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

Ông cũng nói thêm: “phiếu trả lời trắc nghiệm và quy trình chấm hiện nay rất thích hợp cho việc một trường ĐH tổ chức thi vì họ không dính đến chuyện “con cháu”. Nếu có thì cũng hãn hữu xảy ra”.

Còn tại địa phương, ông Quách Tuấn Ngọc khẳng định, đó là việc không phù hợp, nhất là ở khâu chấm, kiểm dò.

Kể lại một kỉ niệm thời còn công tác, ông Quách Tuấn Ngọc cho hay, “năm 2007, tại hội nghị giao ban giám đốc sở và tổng kết năm học, tôi lên bục có phát biểu một ý: Đừng bao giờ tuyệt đối tin vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức tại địa phương. Xem biểu đồ điểm 10 thi tốt nghiệp THPT thời đó, nhưng đi thi ĐH nó đổ rạp xuống.

Năm 2002, lần đầu tiên 3 chung và lần đầu tiên công bố phổ điểm. Bản đồ Việt Nam thì mấy năm sau mới công bố vì quá nhạy cảm lúc đó”.

Ông Ngọc cho hay, 13 năm tổ chức thi 3 chung, Cục CNTT thường xuyên xếp hạng, vẽ bản đồ Việt Nam và về nguyên lý, nhóm xếp hạng theo mầu là rất ít thay đổi.

Về nguyên tắc, top 10 chủ yếu là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Đứng vị trí nhất thường xuyên là Hà Nội (thời chưa sáp nhập với Hà Tây), Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc. Và TP HCM sau mấy năm 3 chung mới lọt vào top 10.

Tuy vậy, ông Ngọc cho hay, từ ngày tổ chức thi 2 trong 1, thứ hạng sắp xếp của các tỉnh bị xáo trộn. Nhiều tỉnh ngày xưa trong bản đồ có màu đỏ, nay “nhẩy lên sánh vai” với top 10.

Cũng theo ông Ngọc, tuy từ năm 2014, Bộ GDĐT bắt đầu tổ chức kỳ thi 2 trong 1, một việc tiến bộ là có thêm cán bộ coi thi từ các trường ĐH. Nhưng nhiều chỗ là do cán bộ địa phương chủ động làm hết nên cơ hội tiêu cực càng có điều kiện.

“Người cùng địa phương, làm tại địa phương kiểu gì cũng có những mối quan hệ riêng tư. Độ tin cậy kết quả kỳ thi đương nhiên có phần suy giảm”- ông Ngọc nêu quan điểm.

Đề xuất cho việc này, ông Quách Tuấn Ngọc gợi ý: sau khi thi xong, (rọc phách nếu có thì càng tốt) và quét ảnh xong thì truyền file về Bộ ngay lập tức và nếu Bộ cũng chấm độc lập trên file ảnh này (Đĩa CD1) thì quá tốt. Những trường hợp lỗi khi kiểm dò sẽ xử lý sau.

Một đề xuất mạnh hơn, theo ông Ngọc là tổ chức chấm theo cụm do trường ĐH chủ trì. Sau khi thi xong sẽ niêm phong ngay túi bài thi, chuyển về chấm theo Cụm.

“Mách nước” áp dụng CNTT tìm tiêu cực trong thi cử

Kể lại một số kỷ niệm khi còn công tác, ông Ngọc cho biết, khoảng năm 2007, lãnh đạo một sở lên gặp Cục CNTT, Bộ GDÐT cầu cứu do tại kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh không hiểu sao một huyện khó khăn lại đạt nhiều giải thế. Dư luận vỉa hè bảo có hiện tượng “mua” giải.

“Ngay tối hôm đó, một số thành viên của Cục CNTT khởi hành. Mất hai tối “điều tra”, Cục CNTT kết luận: Chuyên viên tin học của sở đã can thiệp vào hệ thống. Ðể cho tâm phục khẩu phục thì chúng tôi ghé tai mách nước cách chứng minh sau đó triệu hồi cậu chuyên viên tin học lên. Cậu này gục ngay xuống bàn” - ông Ngọc kể.

Ngoài ra, hồi còn thi 3 chung, Cục CNTT rà soát dữ liệu và báo chuyển cho Thanh tra Bộ nhiều trường hợp nghi vấn thi hộ.

Nghi vấn hồi đó dựa trên việc cùng một dữ liệu họ và tên, ngày tháng năm sinh, quê quán đến tận thôn, xóm mà cùng ngày thi lại xuất hiện ở hai phòng thi khác nhau. Kết quả là bắt được gần chục trường hợp thi hộ như vậy. Cũng có trường hợp xác minh trùng nhau thật.

“Dữ liệu điểm thi của 1 phòng thi THPT mà toàn 9 với 10 thì chỉ có thể là tiêu cực cả phòng. Chỉ cần có dữ liệu kết quả thi thôi cũng phát hiện rất nhiều việc. Sức mạnh của CNTT là thế”- ông Ngọc “mách nước”.

Ông Ngọc cho rằng, các trường ĐH nên chủ động đánh giá lại năng lực thật của thí sinh trước khi cho họ vào ngồi học.

"Thí dụ đơn giản: Năng lực giải lại bài toán đã thi, xem giải lại có được không. Hay là cho giải một phương trình bậc 2"- ông Ngọc nêu./.

Thái Linh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/giao-duc/ket-qua-thi-bat-thuong-tai-ha-giang-cuu-cuc-truong-cuc-cntt-noi-ve-lo-hong-cua-thi-trac-nghiem-351013.html