Kết quả sau 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP ở Hà Giang

Sau hơn 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP, BĐBP Hà Giang đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Thượng tá Vàng Đình Chiến, Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Giang về vấn đề này.

Thượng tá Vàng Đình Chiến. Ảnh: V.H

PV: Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả quan trọng sau 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP trên địa bàn biên giới tỉnh Hà Giang?

Thượng tá Vàng Đình Chiến: Pháp lệnh BĐBP ra đời là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng BĐBP chính quy, từng bước hiện đại nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ an ninh chính trị, giữ vững trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Trên cơ sở 7 nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết 11/NQ-TW được cụ thể hóa trong Pháp lệnh, BĐBP Hà Giang đã tích cực, chủ động thực hiện có hiệu quả, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

20 năm qua, BĐBP Hà Giang đã phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về Pháp lệnh BĐBP nói riêng và pháp luật nói chung đến quần chúng nhân dân, các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn biên giới và nhân dân các xã tiếp giáp với khu vực biên giới bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp. Từ đó, đã nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân địa phương và các ngành, các lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh và thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới. Về công tác cửa khẩu, BĐBP tích cực cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ, tạo thuận lợi cho hành khách và các doanh nghiệp xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, xử lý nghiêm những trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm.

BĐBP tỉnh tích cực tham mưu, phối hợp với địa phương tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, cử 34 đồng chí là cán bộ BĐBP tăng cường cho 34 xã, thị trấn biên giới, giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã, thị trấn; 145 đồng chí đảng viên tham gia sinh hoạt ở các chi bộ thôn, bản biên giới, góp phần xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh và tham mưu với chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh.

BĐBP tỉnh đã chủ động làm tốt công tác đối ngoại Biên phòng, thiết lập chế độ hội đàm định kỳ với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu của Trung Quốc, tham mưu cho địa phương làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, thắt chặt tình đoàn kết, tạo thuận lợi trong giải quyết các vấn đề về biên giới lãnh thổ, quản lý lưu thông biên giới tại cửa khẩu, phòng chống tội phạm, hợp tác và giao lưu thương mại... Qua đó, củng cố, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Có thể khẳng định, 20 năm qua, Pháp lệnh BĐBP và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được cụ thể hóa trong các Nghị quyết lãnh đạo thường kỳ của Tỉnh ủy Hà Giang, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm xây dựng BĐBP chính quy, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

PV: Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện, theo đồng chí, Pháp lệnh BĐBP đã bộc lộ hạn chế gì?

Thượng tá Vàng Đình Chiến: Có thể thấy, Pháp lệnh BĐBP đã bộc lộ một số hạn chế: Một số thuật ngữ trong Pháp lệnh không còn phù hợp với thuật ngữ trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; một số quy định về quyền hạn (thẩm quyền) của BĐBP quy định tại Pháp lệnh đã được bổ sung trong Luật An ninh quốc gia; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Ngoài ra, thẩm quyền về điều tra hình sự chưa phù hợp với đặc thù công tác của BĐBP (như quyền ra lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ; thời hạn tạm giữ...); một số tội danh liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, BĐBP lại không có quyền khởi tố (như tội xâm phạm mốc giới, xâm hại công trình quan trọng về quốc phòng...); chưa có nhà tạm giữ hành chính... Một số chế độ, chính sách còn bất cập, như chế độ chính sách đối với gia đình cán bộ, chiến sĩ BĐBP đến định cư ở các xã, thị trấn biên giới; trần quân hàm; chế độ phụ cấp đặc thù quân sự của một số đối tượng...

PV: Để tiếp tục xây dựng lực lượng BĐBP chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đồng chí có những đề xuất gì?

Thượng tá Vàng Ngọc Chiến: Theo tôi, Đảng, Nhà nước, Quân đội cần tập trung đầu tư xây dựng BĐBP thành Quân chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam, để ban hành thay cho Pháp lệnh BĐBP, cho phù hợp với vị trí, nhiệm vụ xây dựng, quản lý bảo vệ biên giới của lực lượng BĐBP trong tình hình mới; quy định rõ chế độ, chính sách cho BĐBP, chính sách hậu phương đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới; có chính sách đầu tư hiện đại trang bị kỹ thuật cho BĐBP, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Viết Hà (Thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ket-qua-sau-20-nam-thi-hanh-phap-lenh-bdbp-o-ha-giang/