Kết quả sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Bước đầu thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã cho thấy, hầu hết các địa phương đã tập trung vào việc sáp nhập nguyên trạng các ĐVHC để vừa đạt mục tiêu giảm số lượng, vừa tăng quy mô diện tích tự nhiên và dân số của ĐVHC mới hình thành. Công tác tuyên truyền, vận động được các địa phương chú trọng thực hiện nên việc sắp xếp, sáp nhập được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 11 tỉnh. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 11 tỉnh. Ảnh: quochoi.vn

Tình hình, kết quả

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã và các văn bản liên quan của Trung ương, các tỉnh, thành phố đã chủ động thực hiện việc rà soát số liệu để xác định số lượng các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021. Theo đó, 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện sắp xếp. Đến hết năm 2019, đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các địa phương trong giai đoạn 2019-2021. Các địa phương còn lại đã có đề án báo cáo và Bộ Nội vụ sẽ thẩm định, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chậm nhất trong tháng 2-2020.

Theo quy định, có 19 ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ tiến hành sắp xếp đối với 9 đơn vị, các đơn vị còn lại đề nghị chưa tiến hành sắp xếp đợt này do có những đặc thù riêng. Tỉnh Quảng Ninh đề nghị sắp xếp 1 ĐVHC cấp huyện thuộc diện khuyến khích sắp xếp. Sau khi thực hiện sắp xếp đã giảm 6 ĐVHC cấp huyện (Cao Bằng giảm 3; các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Hòa Bình mỗi tỉnh giảm 1).

Đối với cấp xã, có 631 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp theo quy định. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ tiến hành sắp xếp đối với 546 đơn vị, 85 đơn vị đề nghị chưa sắp xếp đợt này và đề nghị sắp xếp đối với 111 ĐVHC cấp xã thuộc diện khuyến khích. Sau sắp xếp đã giảm 560 ĐVHC cấp xã, trong đó có những tỉnh giảm nhiều: Hòa Bình 59, Cao Bằng 38, Phú Thọ 52, Hà Tĩnh 46, Thanh Hóa 76...

Bước đầu thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã cho thấy, hầu hết các địa phương đã tập trung vào việc sáp nhập nguyên trạng các ĐVHC để vừa đạt mục tiêu giảm số lượng, vừa tăng quy mô diện tích tự nhiên và dân số của ĐVHC mới hình thành. Công tác tuyên truyền, vận động được các địa phương chú trọng thực hiện nên việc sắp xếp, sáp nhập được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Nhiều địa phương khi tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn về phương án, đề án sắp xếp đã nhận được kết quả đồng ý với tỷ lệ cao. Hầu hết các địa phương có phương án chi tiết về sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư theo kế hoạch, lộ trình cụ thể, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Hạn chế, khó khăn

Tiến độ sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã chậm so với kế hoạch. Bên cạnh những kết quả tích cực của các địa phương, hiện nay vẫn còn 3 tỉnh, thành phố chưa gửi hồ sơ đề án về Bộ Nội vụ để thẩm định. Việc thực hiện chậm tiến độ của các địa phương do nhiều nguyên nhân, cơ bản do đây là việc khó khăn, phức tạp nhưng thực hiện trong thời gian quá ngắn (lộ trình sắp xếp đề ra trong giai đoạn 2019-2021 nhưng phải hoàn thành trong năm 2019 để các địa phương chuẩn bị đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025). Các địa phương phải cân nhắc kỹ các phương án tối ưu, thảo luận ở nhiều cuộc họp của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, rồi mới thực hiện lấy ý kiến cử tri trên địa bàn. Một số địa phương tổ chức lấy ý kiến lần 1 chưa đạt 50% đồng ý, phải tiến hành tuyên truyền, vận động để tổ chức lấy ý kiến lần 2. Việc thông qua HĐND các cấp (từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh) ở nhiều địa phương khó thực hiện do số ĐVHC cấp huyện, cấp xã sắp xếp không nhiều nên không tổ chức kỳ họp bất thường, phải chờ kỳ họp HĐND các cấp thường kỳ diễn ra cuối năm 2019 mới xem xét, thông qua.

Việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp là khó khăn lớn nhất hiện nay của các địa phương. Thực tế vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã không ủng hộ việc sáp nhập, có tư tưởng trì hoãn do lo lắng sẽ ảnh hưởng đến công việc và vị trí công tác sau khi sắp xếp. Theo số liệu nêu trong đề án của 42 tỉnh, thành phố đã được Bộ Nội vụ thẩm định và trình Chính phủ thì cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp như sau: Đối với ĐVHC cấp huyện, dự kiến dôi dư 428 cán bộ, công chức; đối với ĐVHC cấp xã, dự kiến dôi dư 9.496 cán bộ, công chức cấp xã. Trong giai đoạn 2019-2021, các tỉnh, thành phố sẽ giải quyết dôi dư đối với 146 cán bộ, công chức cấp huyện và 6.685 cán bộ, công chức cấp xã. Số dôi dư còn lại sẽ giải quyết trong vòng không quá 5 năm theo quy định. Đối với 6.893 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp sẽ hưởng các chế độ, chính sách theo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh.

Phương hướng, giải pháp chủ yếu

Bộ Nội vụ chủ động đôn đốc, hướng dẫn các địa phương còn lại thực hiện việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 2-2020, trước khi tiến hành đại hội đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025. Đối với việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức và giải quyết chế độ, chính sách cho những người dôi dư khi thực hiện sắp xếp thì thực hiện theo quy định hiện hành, cụ thể: thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 19-3-2015 của Chính phủ; thực hiện chế độ nghỉ việc, chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 113/2018/ NĐ-CP ngày 31-8-2018 và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-4-2014 của Chính phủ; tuyển dụng, tiếp nhận thành công chức cấp huyện đối với cán bộ, công chức cấp xã đủ điều kiện; bố trí, sắp xếp các cán bộ, công chức cấp xã sang các ĐVHC cấp xã khác còn thiếu chỉ tiêu biên chế… Trong quá trình thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã và giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư, nếu có những khó khăn, vướng mắc, Bộ Nội vụ sẽ kịp thời phối hợp với các cơ quan có liên quan cùng các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Lê Vĩnh TânUVTƯ Đảng, Phó Trưởng Ban TCTƯ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/lyluan-thuctien-kinhnghiem/2020/13526/ket-qua-sap-xep-cac-don-vi-hanh-chinh-cap-huyen-cap.aspx