Kết quả phá dỡ công trình xâm hại Tràng An: Mập mờ

Các cơ quan quản lý địa phương chịu trách nhiệm bàn giao công trình sau phá dỡ cần công khai văn bản tiếp nhận và hình ảnh lúc bàn giao.

Đúng như dự đoán

Mới đây, chia sẻ với báo chí, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, đã vô cùng bức xúc về việc một cây cầu xuyên lõi di sản Tràng An được xây lên.

Nhưng ông còn phẫn nộ hơn khi giờ đây, cầu chỉ được phá dở dang, nhiều dầm, cọc và cả mặt cầu tiếp tục được để nguyên.

Điều đáng nói là trước đó, ngày 12/7, khẳng định với Đất Việt, ông Vũ Văn Huân - Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư (Ninh Bình) cho biết: "Công ty cổ phần du lịch Tràng An đã tháo dỡ xong toàn bộ công trình sai phạm trên núi Cái Hạ".

Ngày 18/6, ông Nguyễn Văn Son - Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Tràng An, đơn vị xây dựng công trình cũng khẳng định: "Chúng tôi đã hoàn thiện việc phá dỡ công trình, cũng đã báo cáo UBND tỉnh, đoàn thanh tra".

Một đoạn dầm không thể tháo dỡ do không có đường tiếp cận và không an toàn khi tháo dỡ. Ảnh TNO

Trước sự bất nhất về thông tin phá dỡ công trình trên, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục di sản văn hóa (Bộ VHTT-DL) cho biết: "Bên Cục vẫn chưa nhận được báo cáo tiến độ, kết quả tháo dỡ công trình sai phạm trên núi Cái Hạ từ phía Ninh Bình.

Chủ trương đưa ra là phải tháo dỡ toàn bộ những công trình sai phạm được xây dựng trên đó, đảm bảo tính nguyên trạng cho di sản".

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản cho biết: "Tôi không bất ngờ trước sự bất nhất này, vì như tôi đã từng khẳng định nhiều lần, rất khó có chuyện không tác động đến di sản, nhất là một công trình lớn như vậy trên vùng núi đá vôi, dễ bị tổn thương.

Khi bên phía Công ty CP du lịch Tràng An xin tự tháo dỡ tôi đã nói ngay là cần có một Hội đồng giám sát thẩm định bao gồm các chuyên gia về di sản, về địa chất, đại diện các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương.

Thế nhưng, không hề có sự thành lập Hội đồng trên, trong khi, nếu để tự địa phương giám sát, nó còn nhiều yếu tố chủ quan chi phối họ. Chính vì vậy nên mới cần một Hội đồng khách quan, mới có uy để điều chỉnh các hành vi của địa phương.

Bởi tại địa phương, một công trình lớn như vậy xây dựng ngay vùng lõi di sản mà không phát hiện ra, phải nhờ báo chí phát hiện rồi mới vào cuộc xử lý, đổ lỗi do công trình ở xa".

Bên cạnh đó, theo ông Khiển, theo quyết định chỉ đạo của Thủ tướng là phải dỡ hết, không được còn bất cứ sự tác động vào di sản, trả lại nguyên trạng, nên phải làm cho đúng.

Trước các thông tin này, cần có một đoàn kiểm tra để xem báo cáo của địa phương đúng hay không, mức độ xâm hại di sản sau khi tháo dỡ là như nào, cần có đánh giá, định lượng cụ thể.

Đồng thời, Bộ VHTT-DL là cơ quan chủ quản nên cần có thành phần chủ chốt trong đoàn kiểm tra này.

"Nếu chúng ta không tháo dỡ thật tốt, vẫn cứ để ngổn ngang thì sẽ là cách tự phá hủy tên tuổi, lời hứa của mình với UNESCO, nhất là khu vùng lõi di sản. Thực sự tôi thấy rất xấu hổ.

Đoàn thanh tra việc tháo dỡ công trình trên phải làm việc có trách nhiệm, đưa ra các bằng chứng cụ thể để tránh việc mập mờ, bao che doanh nghiệp, làm sai thì phải chịu trách nhiệm", ông Khiển nói rõ.

Ai ký biên bản bàn giao nghiệm thu thì phải chịu trách nhiệm

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề trên, KTS Ngô Doãn Đức cho rằng, việc tháo dỡ công trình trên do tự Công ty CP du lịch Tràng An tháo dỡ, đã xin gia hạn thời gian 1 lần, mà đến nay vẫn còn nhiều thông tin về việc chưa tháo dỡ xong, nhưng khẳng định là xong.

"Chính quyền xã, chính quyền huyện, Sở Du lịch Ninh Bình, Đoàn thanh tra do UBND tỉnh Ninh Bình thành lập phải giám sát, có trách nhiệm về kết quả tháo dỡ, phải trả lời cho sự bất nhất về thông tin trên.

Đơn vị nào giám sát, nghiệm thu thì phải có trách nhiệm. Ảnh Kinh tế đô thị

Tôi thấy, một câu chuyện đơn giản lại biến thành phức tạp. Giờ chỉ cần làm rõ, nếu đã tháo dỡ xong thì ai ký vào biên bản bàn giao nghiệm thu, thì người đó phải chịu trách nhiệm.

Nói là tháo dỡ xong rồi, vậy bằng chứng đâu, văn bản bàn giao đâu, ai ký, ai xác nhận", ông Đức nhận định.

Theo vị KTS trên, cần phải xem lại tư cách của công ty trên, xâm phạm công trình vùng lõi di sản, gây ra tai tiếng cả trong nước lẫn thế giới.

Nếu đúng là họ chưa tháo dỡ xong, vẫn còn xâm hại di sản thì phải đưa ra phương án xử lý khác, lấy lại công trình, rồi thành lập Hội đồng để đưa ra phương án tháo dỡ một cách tốt nhất, trong thời gian sớm nhất.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ket-qua-pha-do-cong-trinh-xam-hai-trang-an-map-mo-3363805/