Kết quả nổi bật trong cải cách thủ tục hành chính

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo về công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao 6 tháng đầu năm.

Báo cáo cho biết, về công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ ban hành 2 Nghị định, 2 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 Quyết định và nhiều văn bản khác để hiện thực hóa phương châm phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng tới một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả.

Khoảng 2,1 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia, theo cách tính toán chuẩn OECD, ước giảm chi phí cho xã hội khoảng trên 1.200 tỷ đồng/năm. Ngoài 94/94 bộ, ngành, địa phương; đã triển khai kết nối, gửi nhận văn bản điện tử với Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức chính trị - xã hội.

Hệ thống e-Cabinet sau 1 năm đã phục vụ 16 Hội nghị, phiên họp của Chính phủ, đã thay thế việc sử dụng hơn 52.500 tài liệu giấy; xử lý trên 400 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế việc phát hành hơn 63.400 phiếu giấy.

Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ khai trương tháng 3/2020, đã kết nối với 12 Bộ, cơ quan; tích hợp 20 chế độ báo cáo, 78/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, ước tính sơ bộ khi điện tử hóa tất cả các báo cáo định kỳ và kết nối sẽ tiết kiệm khoảng 460 tỷ đồng/năm. Dự kiến tháng 8/2020 sẽ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo điều hành.

Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối tích hợp với Cổng Dịch vụ công của 18 bộ, ngành, 63/63 địa phương và 12 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, trung gian thanh toán; tích hợp, cung cấp 725 dịch vụ công trực tuyến, với trên 46 triệu lượt truy cập, hơn 178 nghìn tài khoản đăng ký, hơn 10,7 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái, trên 155 nghìn hồ sơ được thực hiện… Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

Thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Triển khai mạnh việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính, đóng bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế và các nghĩa vụ tài chính khác trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.

Tỷ lệ nhiệm vụ quá hạn tiếp tục giảm

Về các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao, tính đến hết tháng 6 còn 69 nhiệm vụ nợ quá hạn, chiếm 1,1% - giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị các Bộ, địa phương bám sát 138 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, 49 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP và các nhiệm vụ tại các Nghị quyết 42, 84 của Chính phủ.

Trong 6 tháng, Tổ công tác đã có 05 buổi làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp và các bộ, cơ quan nhằm đôn đốc, kiểm tra nhiệm vụ giao và nắm bắt những khó khăn, vướng mắc. Tổ đã báo cáo tại các phiên họp Chính phủ và đã được quyết nghị 14 nhiệm vụ giao các bộ ngành. Đến nay, 12 nhiệm vụ đã hoàn thành, 02 nhiệm vụ các Bộ đang tích cực thực hiện.

Về xử lý kiến nghị của các địa phương, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 30-31/12/2019, có 355 kiến nghị của các địa phương. Đến nay, đã xử lý, trả lời 355 kiến nghị, đạt 100%.

Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp đã tiếp nhận 2.248 phản ánh, kiến nghị. Trong đó, có 764 kiến nghị thuộc phạm vi xử lý, đã chuyển xử lý 620 kiến nghị; các bộ, ngành, địa phương đã xử lý 396 kiến nghị; các kiến nghị còn lại đang được bổ sung thông tin.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 9/5/2020 và tổng hợp của VCCI, có 654 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, được phân loại thành 157 nhóm và đã được xử lý ở các mức độ khác nhau. Cụ thể, có 91 nhóm được xử lý ngay tại các văn bản chỉ đạo, điều hành; 6 nhóm đã được báo cáo, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử lý; còn 60 nhóm kiến nghị đang được các bộ, cơ quan xem xét, xử lý theo thẩm quyền. VPCP đề nghị các Bộ khẩn trương xem xét và trả lời doanh nghiệp.

Thành Đạt

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/ket-qua-noi-bat-trong-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh/399772.vgp