Kết quả kiểm tra mới nhất về chất lượng nước sạch Sông Đà

Cuối giờ chiều 19/10, Sở Y tế Hà Nội đã thông tin về kết quả kiểm tra mới nhất chất lượng nước sạch của Nhà máy nước Sông Đà.

Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội là đơn vị trực tiếp lấy mẫu nước tại các vị trí theo hệ thống cung cấp và phối hợp Viện Công nghệ Môi trường - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam tiến hành phân tích mẫu nước.

Kết quả kiểm tra chất lượng nước tại nhà máy, bể chứa, Trạm điều tiết cho thấy, các đơn vị lấy 4 mẫu nước của nhà máy nước Sông Đà tại các vị trí: Mẫu nước thành phẩm tại nhà máy; Bể chứa trung gian tại xã Bình Yên, Thạch Thất; Trạm điều tiết Tây Mỗ; Họng 1.200 Big C; Xét nghiệm chỉ tiêu Styren theo QCVN 01:2009/BYT. 4/4 mẫu đều đạt chuẩn.

Người dân xếp hàng lấy nước sạch ở Hà Nội. Ảnh: Zing

Người dân xếp hàng lấy nước sạch ở Hà Nội. Ảnh: Zing

Bên cạnh đó, nhà chức trách lấy 15 mẫu nước tại hộ gia đình sử dụng nước trong mạng cấp của công ty nước sạch Sông Đà thuộc 5 quận huyện: quận Thanh Xuân (phường Phương Liệt, Thanh Xuân Trung), quận Hoàng Mai (phường Đại Kim), quận Cầu Giấy (phường Mai Dịch, Trung Hòa), quận Nam Từ Liêm (phường Mễ Trì, Đại Mỗ) và huyện Hoài Đức (xã Di Trạch, Vân Côn); Xét nghiệm chỉ tiêu Styren theo QCVN 01:2009/BYT. Kết quả, 15/15 mẫu đạt quy chuẩn.

Trong một diễn biến khác, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) phối hợp và hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tư vấn, xét nghiệm nước sinh hoạt cho người dân và các cơ quan đóng trên những địa bàn bị ảnh hưởng bởi sự cố nước sông Đà.

Sự cố nước nhiễm dầu thải của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) làm ảnh hưởng đến khoảng 250.000 hộ dân tại vùng tây nam Hà Nội.

Từ sáng 9/10, Viwasupco phát hiện có váng dầu tại suối Bằng, sau đó đã kiểm tra ngược theo dòng suối và phát hiện trên đường liên xã Hợp Thịnh - Phức Tiến - Phú Minh có đổ thải dầu, dầu chảy tràn xuống suối Trậm. Từ đỉnh dốc (điểm có dầu) đến điểm chảy xuống suối khoảng 150 m.

Do trời mưa nên có hiện tượng dầu chảy lan xuống suối Trầm và khu vực xung quanh. Công ty đã thông báo tới Công an xã Phúc Tiến vào chiều ngày 9/10 đồng thời xã đã thông báo cho Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Công ty đã tiến hành rải cát trên toàn bộ bề mặt đường có dính dầu, khoanh vùng dầu chảy tràn trên bề mặt suối và thu gom dầu, nước dính dầu, cây cỏ có dính dầu, khối lượng thu gom khoảng 100 lít váng dần lẫn nước, 7 bao tải cỏ dính dầu được lưu giữ trong kho chứa chất thải nguy hại tại nhà máy.

Sau đó, người dân một số quận ở Hà Nội như Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai… phát hiện nước có mùi khét nồng nặc, thậm chí có váng dầu đen.

Ngày 15/10, Hà Nội xác nhận nguyên nhân của tình trạng do việc đổ nhớt thải khu vực đầu nguồn, các mẫu nước có hàm lượng styren cao hơn giới hạn cho phép, kết hợp với mùi nồng nặc của clo. Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo người dân vùng nước nhiễm bẩn không dùng nước để nấu ăn, uống.

UBND TP Hà Nội khẳng định đây là trách nhiệm của Công ty nước sạch Sông Đà và yêu cầu công ty khắc phục sự cố. Ngày 16/10, Công ty Sông Đà đã cấp nước trở lại nhưng vẫn khuyến nghị không dùng cho ăn uống chỉ dùng tắm giặt.

Trong ngày 17/10, để khắc phục sự cố cung cấp nước sạch tại Nhà máy nước sạch sông Đà, UBND TP Hà Nội yêu cầu Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội điều chỉnh nguồn cấp nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Đuống và các nhà máy nước ngầm khác để cung cấp cho khu vực bị ảnh hưởng.

Ngày 16/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT để làm rõ hành vi "gây ô nhiễm môi trường" theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự.

Ngày 17/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 2 đối tượng, bước đầu 2 đối tượng đã khai nhận hành vi xả chất thải tại khu vực xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Cơ quan Công an cũng tạm giữ 2 xe ô tô và nhiều vật chứng liên quan đến việc xả chất thải.

T.Nguyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ket-qua-kiem-tra-moi-nhat-ve-chat-luong-nuoc-sach-song-da-20191019192737241.htm