Kết quả chọn SGK từ nhiều địa phương: Rất đa dạng!

Tới thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT mới nhận được báo cáo kết quả chọn sách của hơn 30 tỉnh, TP trên cả nước. Kết quả chọn sách rất đa dạng, theo đánh giá của Bộ GD&ĐT là 'không có đồng phục sách', các địa phương đã chủ động chọn sách cho phù hợp tình hình của địa phương mình.

Đa phần chọn từ nhiều bộ sách

Tới thời điểm này chưa thấy địa phương nào chỉ chọn SGK lớp 2, lớp 6 của một đơn vị đã được phê duyệt mà tùy theo môn học có thể chọn từ nhiều bộ sách khác nhau. So với quy định chọn sách lớp 1 áp dụng năm học trước, việc chọn sách lớp 2, lớp 6 sẽ theo quy định mới, thẩm quyền quyết định là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tại Hà Nội, theo ông Phạm Xuân Tiến - phó giám đốc Sở GD&ĐT, Với gần 700 trường THCS và hơn 800 trường tiểu học, việc tập hợp ý kiến của giáo viên các trường, phân tích để quyết định lựa chọn cần thời gian dài hơn ở những địa phương khác. Hà Nội thành lập 9 hội đồng chọn SGK lớp 2 và 12 hội đồng chọn SGK lớp 6 (mỗi môn 1 hội đồng).

Ông Phạm Xuân Tiến cũng khẳng định không có môn học nào chỉ chọn sách của một đơn vị mà đều chọn từ 2-3 sách của cả 3 nhà xuất bản.

Theo Quyết định số 1814/QĐ-UBND, danh mục SGK lớp 2 mới được dùng cho Hà Nội gồm 19 cuốn của 9 môn học và hoạt động giáo dục (bao gồm cả bắt buộc và tự chọn). Cụ thể, Tiếng Việt có 1 SGK; Toán (2), Đạo đức (2), Tự nhiên Xã hội (2), Âm nhạc (1), Mỹ thuật (2), Giáo dục thể chất (2), Hoạt động trải nghiệm (1) và môn tự chọn là Tiếng Anh (6).

Về danh mục SGK lớp 6, UBND TP Hà Nội phê duyệt danh mục gồm 28 cuốn cho 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.

Theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 được UBND tỉnh phê duyệt có cả 3 bộ sách: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh diều; trong đó chủ lực là bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống hầu như được chọn ở tất cả các môn học. Còn lại, mỗi môn học đều chọn 2 bộ sách. Riêng sách giáo khoa lớp 1 vẫn giữ nguyên kết quả chọn của năm trước - chủ yếu chọn bộ Cánh diều.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT - cho biết báo cáo của gần 30 tỉnh thành cho thấy không có địa phương nào chỉ chọn 1 bộ sách mà đều chọn hơn 1 bộ, hoặc chọn sách từ cả 3 bộ.

Sau khi chọn sách, những công việc như in ấn, phát hành, tập huấn sử dụng sách cho các địa phương phải thực hiện đúng tiến độ. Ảnh tư liệu

Sau khi chọn sách, những công việc như in ấn, phát hành, tập huấn sử dụng sách cho các địa phương phải thực hiện đúng tiến độ. Ảnh tư liệu

Đảm bảo thời gian tập huấn trước năm học

Hạn chót chọn SGK lớp 2, lớp 6 mà Bộ GD&ĐT đặt ra là ngày 5-4. Nhìn vào tình hình thức tế, khả năng phải hết tháng 4-2020 thì các địa phương mới quyết định xong việc chọn sách. Sau khi chọn sách, những công việc như in ấn, phát hành, tập huấn sử dụng sách cho các địa phương phải làm để kịp tiến độ.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết với việc tập huấn sách đợt này Bộ GD&ĐT không chỉ giám sát mà còn yêu cầu các nhà xuất bản phải phối hợp với địa phương để kết hợp ngay trong tập huấn giáo viên thực hiện chương trình mới.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã nhấn mạnh: “Chúng ta đưa ra tuyên ngôn rõ ràng là tuyệt đối không bố trí giáo viên đứng lớp khi chưa qua bồi dưỡng. Nếu xảy ra tình trạng này thì là trách nhiệm thuộc về Giám đốc Sở GD&ĐT”.

Hiện các địa phương đang bồi dưỡng giáo viên ở các môđun 2, 3 (phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá học sinh). Sẽ rất tốt nếu các nhà xuất bản tận dụng cơ hội này để lồng ghép tập huấn sử dụng SGK mới cho các tỉnh thành.

Năm nay, để tránh những sai sót, việc tập huấn giáo sử dụng sách được đặc biệt chú ý về độ kỹ. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm, TP Hà Nội Hoàng Việt Cường thông tin: Ngay sau khi TP công bố danh mục SGK sử dụng trong năm học tới, Phòng sẽ mời các chủ biên, tác giả, cộng tác viên của các bộ SGK tập huấn cho 100% giáo viên dự kiến dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022.

Bản thân các NXB cũng phải chú ý hơn đến khâu thực nghiệm của mình. Theo GS. TSKH Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tổng chủ biên bộ SGK Toán Cánh Diều không chỉ dạy thực nghiệm tại Hà Nội, bộ sách còn được thực nghiệm tại nhiều vùng miền khác trong cả nước. Cụ thể, trong tuần này sẽ tiến hành thực nghiệm tại một trường tuyến huyện của Thái Bình, tiếp theo đó là Đồng Nai, nơi có khu công nghiệp sầm uất…

Dù mỗi danh mục sách của các địa phương là khác nhau, nhưng theo ý kiến của ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF), nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), cho rằng: Địa phương chọn sách, nhưng giáo viên cũng không nhất thiết chỉ bó gọn trong danh mục được địa phương phê duyệt. Các bộ SGK trong danh mục Bộ GD&ĐT duyệt cho lưu hành là bình đẳng và giáo viên vẫn cần các SGK khác để hiểu biết đầy đủ cách tiếp cận của từng SGK, qua đó xây dựng kế hoạch lên lớp có chất lượng hơn, sát đối tượng.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ket-qua-chon-sgk-tu-nhieu-dia-phuong-rat-da-dang-236310.html