Kết quả bước đầu trong liên kết tiêu thụ nông sản an toàn

TP Hồ Chí Minh là thị trường nhập khẩu sản phẩm nông sản, thủy sản rất lớn từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có tỉnh Tiền Giang. Việc ký kết thỏa thuận phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn giữa hai địa phương này là một hướng mở cho người sản xuất, cũng như người tiêu dùng.

TP Hồ Chí Minh là thị trường nhập khẩu sản phẩm nông sản, thủy sản rất lớn từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có tỉnh Tiền Giang. Việc ký kết thỏa thuận phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn giữa hai địa phương này là một hướng mở cho người sản xuất, cũng như người tiêu dùng.

Nguồn nguyên liệu lớn

Tiền Giang được mệnh danh là “vương quốc” trái cây của cả nước, với hơn 80 nghìn héc-ta vườn cây ăn trái các loại, sản lượng hằng năm trên 1,5 triệu tấn. Trong đó, nhiều sản phẩm có thương hiệu, được chứng nhận an toàn như: xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, khóm Tân Lập, sầu riêng Cai Lậy, thanh long Chợ Gạo, bưởi lông Cổ Cò… Rau màu Tiền Giang cũng là thế mạnh trong toàn vùng, với diện tích khoảng 55 nghìn héc-ta, sản lượng hằng năm khoảng 1,1 triệu tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản gần 15,5 nghìn héc-ta, sản lượng 145 nghìn tấn/năm... Tiềm năng rất lớn nhưng nông sản, thủy sản của Tiền Giang còn gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Vì vậy, việc Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh ký kết thỏa thuận xuất và nhập các sản phẩm rau, thịt an toàn sẽ giảm áp lực đầu ra cho người dân. Biên bản ký kết giữa tỉnh Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020 nhằm mục tiêu tăng sản lượng thị phần rau, thịt an toàn đưa về tiêu thụ trên địa bàn thành phố từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh được kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, cơ sở cam kết sản xuất thực hiện an toàn; tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm rau, thịt an toàn từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh được kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, cơ sở cam kết sản xuất thực phẩm an toàn ở chợ đầu mối và các siêu thị, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống: bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện, nhà trẻ, nhà hàng, khách sạn... Ngoài ra, việc ký kết còn tăng cường ý thức của người sản xuất, kinh doanh và nhận thức an toàn thực phẩm của người tiêu dùng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu của các đơn vị nhập sản phẩm, tỉnh Tiền Giang chú trọng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn sản xuất nguyên liệu, bảo quản, chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng; phù hợp với nhu cầu thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh. Tỉnh còn tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tại TP Hồ Chí Minh. Mặt khác, Tiền Giang tiếp tục tổ chức lại sản xuất, củng cố, phát triển các mô hình kinh tế tập thể bảo đảm hiệu quả và phát triển bền vững; mời gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”.

Giữ vững chuỗi liên kết

Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp và nông dân của địa phương này đã đẩy mạnh liên kết các sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm tăng giá trị lợi nhuận của người nông dân, hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Từ đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp được liên kết chặt chẽ với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm, nhất là thị trường TP Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi thủy sản Gò Công, thị xã Gò Công, Tiền Giang cho biết: HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ gà ta Gò Công, với 40 thành viên. Những năm qua, Sở NN-PTNT đã hướng dẫn vận hành hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu gà ta Gò Công. Từ đó, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ ổn định với nhiều đối tác tại TP Hồ Chí Minh. Trung bình, HTX cung cấp cho thị trường thành phố hơn 1.000 con gà/ngày.

HTX rau an toàn Gò Công thuộc xã Long Hòa, thị xã Gò Công (Tiền Giang) chuyên sản xuất, kinh doanh rau các loại theo hướng an toàn. Hằng năm, HTX cung cấp cho thị trường khoảng 1.800 tấn rau các loại. Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc HTX cho biết: “Việc tạo đầu ra ổn định, giá bán ở mức cao, góp phần nâng cao thu nhập cho các xã viên là điều HTX luôn hướng đến. Tuy vậy, thời gian qua, thị trường tiêu thụ rau còn hạn chế, đầu ra cũng còn bấp bênh, giá cả không ổn định. Chính điều này, HTX luôn mong muốn ký kết hợp đồng lâu dài với các doanh nghiệp tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh. Có như vậy, HTX mới nâng được chất lượng và số lượng rau. Để làm được điều này, HTX cam kết sản xuất rau đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm số lượng cung ứng như đã ký kết”.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Mẫn, các sản phẩm nông sản tham gia chuỗi đều có sử dụng lô-gô, nhãn hiệu khi lưu thông trên thị trường. Các sản phẩm nông sản, thủy sản an toàn của Tiền Giang đã cung cấp cho các nhà hàng, bếp ăn tập thể tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung. Hằng năm, tổng sản lượng rau, trái cây của tỉnh Tiền Giang nhập về ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn của TP Hồ Chí Minh hơn 5.000 tấn.

Bài, ảnh: NGUYỄN SỰ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/44385602-ket-qua-buoc-dau-trong-lien-ket-tieu-thu-nong-san-an-toan.html