Kết quả bước đầu điều trị viêm gan C cho bệnh nhân nhiễm HIV

Năm 2022, lần đầu tiên bệnh nhân điều trị ARV và Methadone được hỗ trợ điều trị viêm gan C. Đến 30/9, số bệnh nhân nhiễm HIV và bệnh nhân điều trị methadone mắc viêm gan C được điều trị tại 38 tỉnh, thành phố là 16.052 bệnh nhân, trong đó có 4.324 bệnh nhân methadone. Tỷ lệ khỏi bệnh trong số bệnh nhân được làm SVR12 đạt 97,4%.

Người bệnh chờ cấp phát thuốc BHYT.

Người bệnh chờ cấp phát thuốc BHYT.

Viêm gan C (HCV) là một trong các căn nguyên hàng đầu dẫn đến bệnh gan mạn tính trên toàn cầu. Đường lây truyền của virus viêm gan C tương tự như HIV.

Trong những năm gần đây, điều trị viêm gan C đã có những tiến bộ vượt bậc. Trước năm 2011, phác đồ điều trị viêm gan C có thời gian điều trị kéo dài tới 48 tuần kèm theo nhiều tác dụng phụ, độ bao phủ các kiểu gene cũng bị hạn chế. Điều này dẫn đến số người điều trị viêm gan C thấp, hiệu quả chưa cao.

Sự ra đời của các thuốc có tác dụng trực tiếp (còn gọi tắt là thuốc DAA) đã mang lại những hiệu quả lớn trong điều trị viêm gan C do rút ngắn thời gian điều trị cũng như tăng sự bao phủ đối với các kiểu gene khác nhau của virus viêm gan C. Điều này dẫn đến người bệnh điều trị phác đồ này có tỷ lệ khỏi bệnh cao.

Hiện điều trị viêm gan C đã được BHYT chi trả. Tuy nhiên, giá thành điều trị viêm gan C ở Việt Nam còn cao và BHYT chỉ thanh toán cho các trường hợp điều trị viêm gan C từ tuyến tỉnh trở lên.

Đây là rào cản rất lớn đối với người bệnh HIV cũng như người đang điều trị Methadone vì phần lớn trong số họ là có điều kiện kinh tế khó khăn và hiện đang điều trị tại các cơ sở y tế tuyến huyện.

Trong năm 2022, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã điều trị cho 16.000 bệnh nhân ARV và bệnh nhân Methadone bằng thuốc DAAs do Dự án Quỹ toàn cầu tài trợ.

Tỷ lệ điều trị khỏi viêm gan C lên đến 97,4% ở những người hoàn thành phác đồ và đủ điều kiện làm xét nghiệm tải lượng virus viêm gan C. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với sức khỏe người bệnh, gánh nặng y tế và an sinh xã hội.

Về phía người bệnh, nếu không được điều trị, bệnh sẽ chuyển sang xơ gan, ung thư gan và tử vong do các biến chứng của bệnh gan trong vòng 20-30năm.

Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng sự tiến triển nhanh hơn của bệnh gan ở những bệnh nhân đồng nhiễm HIV và HCV. Tỷ lệ tiến triển xơ hóa tăng lên đáng kể ở những bệnh nhân đồng nhiễm HIV/viêm gan C.

Ngoài ra, việc đồng nhiễm HCV làm cho điều trị HIV trở nên phức tạp. Gan bị tổn thương do virus viêm gan C có khả năng tổn thương nặng hơn khi dùng một số thuốc ARV. Khả năng chuyển hóa thuốc trên những bệnh nhân có bệnh gan mạn tính cũng giảm, làm tăng nguy cơ ngộ độc thuốc.

Bệnh lý gan mạn tính (xơ gan, ung thư gan) cũng là một trong các nguyên nhân gây tử vong và giảm chất lượng sống của bệnh nhân nhiễm HIV.

Trong những người đồng nhiễm HIV/HCV có xơ gan còn bù, tỷ lệ sống được 3 năm là 87%. Ngược lại, nếu có xơ gan mất bù tỷ lệ sống được 2 năm chỉ có 50%.

Việc điều trị viêm gan C cho các bệnh nhân đồng nhiễm HIV đã giúp cho họ sống vui khỏe, tiếp tục ổn định điều trị ARV.

THU PHẠM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ket-qua-buoc-dau-dieu-tri-viem-gan-c-cho-benh-nhan-nhiem-hiv-post728529.html