Kết quả bước đầu của Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị

Năm 2018 được TP Hà Nội chọn là 'Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018' nhằm xây dựng chính quyền thành phố theo hướng chính quyền điện tử, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền từ thành phố đến cơ sở. Bằng việc triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, đến nay, Hà Nội đã đạt kết quả bước đầu đáng khích lệ trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thành phố thời gian tới.

Chủ động thực hiện việc mới, việc khó

Ðồng chí Hà Việt Phong, cùng lúc đảm nhiệm "hai vai" vừa là Chủ tịch MTTQ thị xã đồng thời là Trưởng ban Dân vận Thị ủy Sơn Tây, cho nên thời gian để giải quyết công việc gần như tăng lên gấp đôi. Ðây là cán bộ đầu tiên của Hà Nội thực hiện mô hình này.

Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Sơn Tây Phạm Quý Ðường lý giải, căn cứ từ tình hình thực tế công tác cán bộ của địa phương, nếu triển khai được Chủ tịch MTTQ đồng thời là Trưởng ban Dân vận rất thuận lợi, không chỉ tinh giản được biên chế, mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động. Hai điều kiện cần và đủ đều đã có, khi đồng chí Trưởng ban Dân vận được luân chuyển sang vị trí công tác khác và đồng chí Hà Việt Phong đang là Chủ tịch MTTQ thị xã cũng là người có kinh nghiệm, uy tín, năng lực. Sau khi xin ý kiến thành phố, từ tháng 6-2018, hai chức danh này được phân công cho đồng chí Hà Việt Phong đảm nhiệm. Cùng thời gian này, Sơn Tây cũng thực hiện mô hình Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị, bước đầu đạt hiệu quả tốt. "Các vị trí này có những nhiệm vụ khá tương đồng, nay thu gọn vào một đầu mối cho nên công việc thuận lợi hơn", đồng chí Phạm Quý Ðường đánh giá.

Ðồng chí Hà Việt Phong chia sẻ: "Trước đây, khi xử lý một vấn đề phức tạp, tôi nắm bắt thực tế, trao đổi với đồng chí Trưởng ban Dân vận rồi tham mưu cho Thường trực Thị ủy, mất nhiều thời gian. Bây giờ tôi có thể rút ngắn được công đoạn trung gian, báo cáo ngay cho cấp trên để có hướng giải quyết kịp thời. Hay nhiều việc khác, Ban Dân vận làm công tác tham mưu cho Thị ủy chỉ đạo, rồi MTTQ và các đoàn thể mới triển khai, nay mình vừa tham mưu vừa trực tiếp làm, cho nên các nhiệm vụ được triển khai kịp thời hơn".

Không chỉ tại Sơn Tây, nhiều quận, huyện khác cũng đang chủ động, quyết liệt thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn. Quận Thanh Xuân đã thực hiện chủ trương Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện, thị xã, đạt kết quả tốt. Sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả là vấn đề rất khó, bởi liên quan trực tiếp đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Nhưng với kinh nghiệm trong quá trình vận hành, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15 (khóa XII) của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, thành phố làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm chính trị, sự đồng thuận trong xã hội. Cho đến nay, tổng số công chức, viên chức, công chức cấp xã của thành phố còn thiếu so với biên chế được giao là 22.044 người, gồm 856 công chức, 19.953 viên chức và 1.235 công chức cấp xã.

Giảm đầu mối, tăng hiệu quả

Từ cấp thành phố, việc sáp nhập tiếp tục được thực hiện ở nhiều ban, ngành. Hai ban chỉ đạo quan trọng của Thành ủy là Ban Chỉ đạo Nghị quyết số 15 về ổn định tổ chức cơ sở đảng và Chỉ thị số 15 về giải quyết khiếu nại, tố cáo được sáp nhập lại. UBND thành phố đã giải thể Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng, thành lập Phòng Công tác giải phóng mặt bằng thuộc Văn phòng UBND thành phố. Cùng với đó, hàng loạt đơn vị sự nghiệp công lập cũng được sắp xếp, tinh gọn lại. Thành phố đã sáp nhập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành phố (trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) vào Quỹ Phát triển đầu tư TP Hà Nội (trước đó quỹ này được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba quỹ: Quỹ Ðầu tư phát triển thành phố, Quỹ Phát triển đất thành phố, Quỹ Bảo vệ môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường). Việc tiếp tục sắp xếp giúp các đơn vị tinh gọn hơn, tăng quy mô và hiệu quả hoạt động, không còn tình trạng trùng lắp chức năng, nhiệm vụ; giảm trụ sở và chi phí cơ sở vật chất, tiền lương, tiền công.

Tháng 8-2018, Hà Nội đã hoàn thành việc sáp nhập 30 trung tâm dân số của các quận, huyện, thị xã vào trung tâm y tế cùng cấp, vận hành theo mô hình trung tâm đa chức năng nhưng giữ nguyên tên gọi là trung tâm y tế. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nhận xét: "Việc sáp nhập hai cơ quan này không chỉ giúp tinh gọn bộ máy, mà quan trọng hơn là thống nhất trong quản lý, chỉ đạo công tác y tế dự phòng tại cơ sở. Trước đây, cùng một nhiệm vụ có thể liên quan đến hai đơn vị, cho nên khi triển khai tới cơ sở bị chồng chéo, lãng phí nguồn lực, đôi khi chỉ đạo không thống nhất. Sau khi sáp nhập, đội ngũ cán bộ chuyên môn được tăng lên, trang thiết bị tập trung ở một nơi, rất thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ".

Ðồng tình quan điểm này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu cho rằng, việc đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ đã tạo thay đổi tích cực về hiệu quả hoạt động, mang lại nhiều lợi ích cho thành phố. Trước hết, đã góp phần nâng cao tính tự chủ tài chính trong hoạt động của các đơn vị, tiết kiệm ngân sách, tăng thu nhập người lao động, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho xã hội. Ðồng thời, góp phần cơ cấu lại các khoản chi thường xuyên, từng bước chuyển dần từ giao dự toán ngân sách sang thực hiện phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ.

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện

Cùng với việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, một nhiệm vụ nữa cũng được TP Hà Nội khẩn trương hoàn thành là thí điểm mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Ðề án tập trung đề xuất, kiến nghị các nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị (về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức bộ máy, hoạt động quản lý...) trong khu vực đô thị và từng bước đổi mới, củng cố khu vực nông thôn của thành phố; đổi mới cơ chế, chính sách phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan Trung ương, thành phố và phân cấp giữa các cấp chính quyền; đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức đảng, MTTQ, các đoàn thể ở cấp quận, huyện, cấp xã, phường, thị trấn trong điều kiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Ðức Bảo, với tinh thần nghiêm túc và cầu thị, Thành ủy đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến đóng góp của Hội đồng Lý luận Trung ương, các cơ quan trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố; các cấp, các ngành và người dân; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của một số nước để hoàn thiện dự thảo đề án. Dự kiến sẽ báo cáo đề án với Bộ Chính trị vào tháng 12-2018, báo cáo Chính phủ quý I-2019 và trình Quốc hội xây dựng, ban hành Nghị quyết cho phép làm thí điểm từ quý IV - 2019. Sau khi được thông qua, nếu thực hiện theo phương án đã được hầu hết ý kiến ủng hộ, thành phố sẽ đề xuất thực hiện thí điểm việc không tổ chức HÐND tại phường từ nhiệm kỳ 2021 - 2026 và sau đó sẽ thực hiện việc không tổ chức HÐND xã, thị trấn từ nhiệm kỳ 2026 - 2031. Ðiều này đồng nghĩa với việc thêm một lần, Hà Nội tiếp tục là địa phương thí điểm một chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước, nâng tầm Nghị quyết số 18-NQ/T.Ư của Trung ương Ðảng lên một cấp độ cao hơn, hoàn thiện hơn.

(Còn nữa)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/38003002-ket-qua-buoc-dau-cua-nam-nang-cao-hieu-luc-hieu-qua-hoat-dong-cua-he-thong-chinh-tri.html