Kết quả 2018 thấp nhất 5 năm, Đại hội CII sẽ nóng?

Không còn các khoản lợi nhuận đột biến như giai đoạn 2016-2017, lợi nhuận năm 2018 của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) sụt giảm mạnh 94% so với năm 2017. Trong khi đó, khoản phải thu tăng mạnh và cấu trúc vốn thiếu an toàn khi nợ vay ở mức xấp xỉ 50%...

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Chỉ hoàn thành 7% kế hoạch lợi nhuận năm 2018

Kết thúc năm 2018, dù doanh thu thuần tăng 33%, đạt 2.708 tỷ đồng và lợi nhuận gộp tăng mạnh 93%, đạt 768 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm tới 89%, chỉ đạt gần 164 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ đạt hơn 86 tỷ đồng, mới hoàn thành 7% kế hoạch năm 2018. Đây là kết quả thấp nhất mà CII ghi nhận trong 5 năm qua (2014-2018).

Từ năm 2010 đến nay, lợi nhuận cốt lõi (lợi nhuận không bao gồm lợi nhuận tài chính, lãi/lỗ từ công ty liên doanh, liên kết và lợi nhuận khác) của CII ngày càng âm (chỉ dương duy nhất vào năm 2013) và số âm có xu hướng tăng dần (xem bảng).

Ngược lại, doanh thu tài chính trở thành cứu cánh cho CII khi ghi nhận 1.498 tỷ đồng năm 2016, tăng 73% chủ yếu nhờ lãi thanh lý công ty con 912 tỷ đồng. Năm 2017, khoản này tăng lên đến 2.189,6 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.600 tỷ đồng (chiếm 73%) là khoản lãi từ việc đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào công ty con.

Khoản này giúp tổng lợi nhuận CII tăng vọt, nhưng bản chất là lợi nhuận hạch toán khoản - phi tiền mặt, tức không có dòng tiền nào chảy vào doanh nghiệp và về nguyên tắc phải phân bổ tối đa trong 10 năm.

Trên thực tế, năm 2017, CII đã phải phân bổ 284 tỷ đồng và năm 2018 phân bổ 271 tỷ đồng lợi thế thương mại khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh so với năm 2016. Khoản chi phí này vẫn sẽ tiếp tục phân bổ trong các năm tiếp theo.

Điểm băn khoăn khác tại CII là tổng phải thu chiếm khoảng 30% tổng tài sản và đang có xu hướng tăng khá mạnh. Cụ thể, khoản phải thu ngắn hạn cuối năm 2018 là 4.309,6 tỷ đồng, tăng 46%, còn phải thu dài hạn 2.465 tỷ đồng, tăng 23%.

Đặc thù lĩnh vực đầu tư hạ tầng là thời gian đầu tư dài và lợi nhuận cũng như dòng tiền trong những năm đầu sẽ rất thấp do doanh nghiệp phải ưu tiên trả nợ ngân hàng. Điều này cũng thể hiện rõ qua dòng tiền kinh doanh của CII những năm qua đều âm và để đảm bảo nguồn vốn (trong khi đang bị chiếm dụng bởi đối tác, các khoản công nợ như trên), CII đang gia tăng nợ vay qua các năm. Cuối năm 2018, tổng tài sản CII đạt 22.181 tỷ đồng, trong đó 65,3% là nợ phải trả. Khoản nợ vay ngắn hạn 4.006 tỷ đồng, tăng đến 80% so với đầu năm, còn nợ vay dài hạn giảm 9%, với 6.537 tỷ đồng.

Trước thực tế trên, từ năm 2017, CII đã đề ra chiến lược mở rộng đầu tư vào các dự án đổi đất lấy hạ tầng (như dự án BT Thủ Thiêm) nhằm phát triển các dự án bất động sản để mang về dòng thu và lợi nhuận với thời gian ngắn hơn. Tuy nhiên, với kết quả đi xuống, nhiều nhà đầu tư cho biết, họ chờ đợi Đại hội đồng cổ đông CII sắp tới để tìm câu trả lời.

Dấu hỏi giao dịch cổ phiếu của người trong cuộc

Năm 2018, giao dịch cổ phiếu của các cổ đông nội bộ/người có liên quan của CII diễn ra khá nhộn nhịp, đáng chú ý trong đó có việc mua/bán của cổ đông lớn liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp.

Cuối năm 2018, Công ty TNHH Lê Thành Cường đăng kí mua 4 triệu cổ phiếu CII, dự tính nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 1,63%. Thực tế, công ty này đã mua 4.049.840 cổ phiếu CII, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 1,65%. Nguyên nhân mua thêm 49.840 cổ phiếu, theo Công ty đưa ra là vì đặt nhầm lệnh. Công ty Lê Thành Cường là tổ chức có liên quan đến Tổng giám đốc của CII, ông Lê Quốc Bình. Hiện ông Bình là Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty này.

Không chỉ Công ty Lê Thành Cường, trong khoảng tháng 9 đến tháng 11/2018, CTCP Đầu tư Tân Tam Mã đã bán hơn 2,1 triệu cổ phiếu CII. 2 tháng sau đó, cổ đông này lại mua vào số lượng gần bằng số đã bán ra.

Công ty Tân Tam Mã thành lập từ tháng 10/11/2015, hiện người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Vũ Thức. Ông Thức đang là Phó Chủ tịch thường trực của CTCP Xây dựng hạ tầng CII - CII E&C (mã CEE). Cổ đông sáng lập của Tân Tam Mã không hẳn xa lạ, gồm Công ty Lê Thành Cường, ông Lê Vũ Hoàng và bà Nguyễn Mai Bảo Trâm. Công ty Tân Tam Mã đã có vài lần tăng vốn: Năm 2016 tăng vốn từ 50 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng, rồi tăng tiếp lên 131 tỷ đồng và năm 2017 tăng lên 145 tỷ đồng. Chưa hết, đầu tháng 4/2018, bà Phạm Thị Thúy Hằng, vợ ông Lê Quốc Bình, đã mua 1 triệu cổ phiếu CII, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 0,406%.

Việc các cá nhân, tổ chức có liên quan đến HĐQT, lãnh đạo doanh nghiệp mua vào cổ phiếu thường là để thể hiện niềm tin vào sự phát triển lâu dài. Nhưng việc mua/bán diễn ra thường xuyên lại khiến cổ đông, nhà đầu tư đặt dấu hỏi về mục đích giao dịch, bởi người lãnh đạo, hơn ai hết luôn nắm bắt trước thông tin về sự khó khăn hay lợi thế, cũng như sức khỏe của doanh nghiệp.

Với trường hợp của CII, năm 2017, ông Bình bán 2,21 triệu cổ phiếu CII ngay tại vùng đỉnh khi Công ty có lợi nhuận đột biến. Trước đó, ông Bình cho biết, mục đích thực hiện giao dịch là để trả nợ ngân hàng, mua cổ phiếu CEE, góp vốn vào Công ty Tân Tam Mã và đóng tiền nhà dự án Thủ Thiêm. Sau đó, cổ phiếu CII giảm mạnh từ vùng giá trên 40.000 đồng/cổ phiếu về 35.000 đồng/cổ phiếu. Trước nữa, câu chuyện tương tự đã diễn ra vào năm 2015. Trong năm 2017, Công ty Tân Tam Mã đăng ký bán ra 2 triệu cổ phiếu CII.

Dĩ nhiên, việc mua/bán của các cổ đông nội bộ hoặc người có liên quan của CII đều được công bố thông tin theo quy định. Tuy nhiên, nhiều giao dịch trùng hợp với những giai đoạn mà CII sắp công bố lãi đột biến hoặc bán ra khi cổ phiểu ở vung giá cao làm phát sinh những câu hỏi mà cổ đông cần chất vấn Ban lãnh đạo CII tại kỳ Đại hội 2019 diễn ra tháng 4 tới.

Hiểu Lam

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep/ket-qua-2018-thap-nhat-5-nam-dai-hoi-cii-se-nong-260816.html