Kết nối yêu thương

Những ngày thực hiện cách ly xã hội tưởng chừng như rất dài khi mọi người chỉ quanh quẩn ở trong nhà, nhưng với nhiều người, đây lại là cơ hội để họ được sống chậm, được cảm nhận những giá trị của cuộc sống gia đình.

Chị Phạm Thu Hà hướng dẫn con trai làm các món ăn trong thời gian nghỉ học.

Chị Phạm Thu Hà hướng dẫn con trai làm các món ăn trong thời gian nghỉ học.

Những ngày thực hiện cách ly xã hội tưởng chừng như rất dài khi mọi người chỉ quanh quẩn ở trong nhà, nhưng với nhiều người, đây lại là cơ hội để họ được sống chậm, được cảm nhận những giá trị của cuộc sống gia đình.

Sau những ngày cùng cả gia đình tận hưởng sự nghỉ ngơi với những bữa ăn ngon, tươm tất, chị Nguyễn Hòa My ở chung cư Hanoi Homeland (phường Thượng Thanh, quận Long Biên) nảy ra ý tưởng nấu đồ ăn sáng để bán cho các gia đình trong khu chung cư. Vốn dĩ có năng khiếu nấu nướng, chị My đã mạnh dạn “khởi nghiệp” bán đồ ăn trực tuyến, ship đến tận cửa các gia đình. Thực đơn lúc đầu chỉ có món bún bò Huế, rồi sau đó có thêm bún riêu cua, phở bò, bánh mì, bánh bao, bánh gối... Việc bán đồ ăn đã giúp chị cải thiện một phần thu nhập cho gia đình trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, song theo chị My, điều được hơn cả là sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. “Trước đây, chỉ vào buổi tối và ngày cuối tuần nhà mình mới đông đủ các thành viên, tuy nhiên, dù ở nhà thì cũng mỗi người làm một việc, rất ít khi có thời gian quây quần trò chuyện cùng nhau. Từ khi mình nấu đồ ăn để bán, con trai mình đảm nhiệm việc ship đồ, chồng mình thì đi chợ, hỗ trợ vợ nấu đồ ăn. Nhiều khi bữa cơm của gia đình có muộn hơn vì có khách đặt đột xuất, nhưng ai cũng thấy vui vẻ, không bị tù túng vì ở nhà quá lâu”, chị My chia sẻ. Khoảng thời gian gia đình ở gần nhau mỗi ngày đã giúp các cá nhân nhớ lại những đam mê, những ưu điểm của các thành viên mà thường ngày, cuộc sống bận rộn đã làm họ quên đi. Từ đó, thấy thêm yêu thương và gắn bó nhau hơn.

Không chọn mùa dịch để “khởi nghiệp” như gia đình chị My, gia đình anh Phạm Anh Tuấn lại quyết định cùng nhau “khai phá” mảnh đất trống ngay dưới chung cư. Buổi sáng, ăn sáng xong, cả gia đình anh người vác cuốc, người cầm dao hăm hở xuống “vườn” để phát lau, lên luống, gieo hạt. “Nếu không có những ngày này, bọn trẻ nhà mình còn lâu mới biết cuốc đất, xách nước, trồng rau. Bố mẹ và con cũng gần gũi hơn, khi hết dịch, gia đình lại còn có rau sạch để ăn”, anh Tuấn phấn khởi chia sẻ.

Gia đình chị Phạm Thu Hà (ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) lại có những ngày vui vẻ khi các con vừa được học nấu nướng cùng mẹ, vừa quay vi-đê-ô để giữ làm kỷ niệm. Cháu Tôm (tên thường gọi của con trai chị Hà) đã biết làm bánh pizza, món thịt chiên xù... Mỗi ngày, việc đầu tiên khi thức dậy là cả gia đình lại nghĩ xem các “đầu bếp” hôm nay sẽ làm món gì, cần chuẩn bị những nguyên liệu gì, ai phụ trách khâu nào... Chị Hà cho biết, đây là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa với gia đình mình.

Ngày nào cũng nấu ăn ba bữa cho chồng và hai con, chị Trần Thịnh An (ở khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) phải tìm đến sự trợ giúp của các trang mạng xã hội để đổi món cho các bữa cơm gia đình. Cũng nhờ vậy, chị học thêm được nhiều món ăn ngon, mới lạ, tay nghề nấu nướng cũng nâng lên rõ rệt. Chị An kể: “Ngày thường bận công việc, cho nên khi đi làm về, tôi chỉ tranh thủ nấu các món ăn đơn giản. Cuối tuần cả gia đình đi ăn nhà hàng. Đợt dịch này ở nhà tôi học cách làm bánh cuốn, bánh xèo, pizza, gà rán để cả nhà quây quần, chồng tôi và các con rất thích”.

Thời gian qua, các nhóm (group) chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn được mở ra nhiều, số thành viên yêu cầu tham gia các group cũng tăng chóng mặt. Điển hình như group Yêu Bếp (Esheep Kitchen Family), mỗi ngày nhận được khoảng hơn 10 nghìn yêu cầu kết nạp thành viên mới, cùng với khoảng hơn 10 nghìn bài chờ duyệt đăng. Ở những group này, rất nhiều kinh nghiệm nấu ăn, dọn dẹp và làm sạch nhà cửa, đồ đạc, dụng cụ nấu bếp cùng hàng chục nghìn công thức nấu ăn từ các món Âu, Á đến các món đồng quê... được các bà nội trợ chia sẻ nhiệt tình. Nhiều thành viên nhanh nhạy, khéo tay đã học cách làm các món ăn, cách trình bày không thua gì các đầu bếp xịn. Chị Nguyễn Hồng Mai ở quận Thanh Xuân kể: “Tôi chưa từng nghĩ có ngày sẽ tự tay làm được bánh mì, bánh bông lan hay các loại bánh khác. Vậy mà tôi đã thử và giờ thì nghiện các công đoạn làm bánh”.

Nhiều bạn trẻ được mệnh danh là “đoảng” cũng tìm được niềm vui với các nhóm anti “bếp”. Không chỉ đơn giản là mang lại tiếng cười, giúp mỗi ngày thực hiện cách ly xã hội đều thoải mái, các món ăn hỏng, những câu chuyện hài hước đã gắn kết những người bạn từ khắp mọi miền đất nước. Rời xa mạng xã hội, họ kết nối với nhau để làm những việc ý nghĩa hơn. Vốn là người năng nổ, nhiệt tình, chị Nguyễn Thị Thu Hiên (ở đường Âu Cơ, quận Tây Hồ) thường xuyên tổ chức các hoạt động tình nguyện xã hội. Tham gia các fanpage trong mùa dịch, trò chuyện qua lại, chị Hiên đã kết nối được một nhóm bạn cùng chung ý tưởng. Họ dự định khi hết dịch Covid-19 sẽ cùng nhau thực hiện nhiều hoạt động từ thiện ý nghĩa.

MAI THANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/44208702-ket-noi-yeu-thuong.html