Kết nối vì một Việt Nam thịnh vượng

Để bảo đảm 'mặt trời vẫn tiếp tục tỏa sáng ở Việt Nam cho dù mây đen bao phủ kinh tế toàn cầu' như lời của ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nói, có nhiều việc phải làm về kết cấu hạ tầng giao thông, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các khu vực kém phát triển nhằm gia tăng cơ hội kinh tế và chuỗi giá trị bao trùm cho tất cả mọi người dân trên lãnh thổ Việt Nam.

WB đánh giá, trong 3 thập niên qua, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có độ mở nhất về thương mại trên thế giới. Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu trên GDP tăng đều đặn qua các năm. Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới, ước tính xấp xỉ 7% trong năm 2019, cao hơn gấp 3 lần so mức trung bình toàn cầu.

Thành tựu đó của Việt Nam đạt được phần lớn nhờ tự do hóa thương mại thông qua việc loại bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan như cam kết của Việt Nam trong một số hiệp định thương mại, bao gồm Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) năm 1996; Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (US-BTA) năm 2000; tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2006; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2017; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) năm 2019...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, hiện Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về vấn đề kết nối. Chất lượng và mức độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không đồng đều trên cả nước; một số hành lang thương mại quan trọng và các cửa ngõ quốc tế đang ngày càng tắc nghẽn; dịch vụ logitics kém phát triển, đặc biệt là phân khúc phục vụ thị trường trong nước; thiên tai và các mối nguy hiểm khác ngày càng gia tăng ảnh hưởng tới kết cấu hạ tầng...

Từ những thực tế đó, Báo cáo Phát triển Việt Nam (VDR) 2019 “Kết nối Việt Nam vì thịnh vượng và phát triển chung” do các chuyên gia WB soạn thảo đã phân tích toàn diện các vấn đề kết nối của Việt Nam với cách tiếp cận đa diện và đa chiều. Báo cáo cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan về các lựa chọn chính sách phát triển và chiến lược đầu tư nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, đồng thời tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phóng viên Báo Năng lượng Mới trích đăng một số ý kiến đáng chú ý được nêu tại buổi công bố Báo cáo VDR.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: Tăng cường đầu tư và tiêu dùng trong nước

Không có một quốc gia nào trên thế giới có quy mô như Việt Nam mà có độ mở thương mại lớn như Việt Nam, tới mức 190%/GDP. Điều này đã mang đến những thành tựu rất lớn về việc làm, tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo, nhưng cũng đem đến nhiều rủi ro cho nền kinh tế.

Phải chăng, chính sách thương mại không nên chỉ nhấn mạnh chiều thương mại quốc tế mà cần thiết phải tính toán nhiều hơn đến tăng cường đầu tư trong nước và tiêu dùng trong nước với thị trường 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng?

Việt Nam không thể chạy mãi theo tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa với hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Chúng ta chỉ mất 2 năm đã tăng thêm 100 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu. Nhưng vấn đề quan trọng là giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa trong khối lượng hàng hóa xuất khẩu. Vì vậy, phải định hình chính sách thương mại, trong đó có thương mại quốc tế và thương mại trong nước, cũng như đầu tư và tiêu dùng trong nước, trước khi có cơ sở dữ liệu để tích hợp với các chiến lược về kết cấu hạ tầng.

Mong rằng các chuyên gia kinh tế sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm quốc tế và có nghiên cứu sâu thêm về kết nối hướng Đông - Tây (ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là kết nối Bắc - Nam), tích hợp chiến lược giao thông vận tải (hạ tầng cứng) với chính sách thương mại mang tính linh hoạt; điều phối liên kết vùng...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Liên kết giữa các cụm kinh tế và các hành lang bên trong

Kết nối là khái niệm đa diện, đa chiều và không chỉ bó hẹp ở kết cấu hạ tầng mà còn về cả không gian, các hoạt động kinh tế, tính sẵn có và khả năng chi trả các dịch vụ vận tải, hậu cần, thủ tục hành chính và pháp lý, nhằm tạo điều kiện hoặc hạn chế việc di chuyển của con người và hàng hóa.

Kết nối không chỉ được xem xét trên quan điểm của thương mại toàn cầu, liên kết khu vực với các nước láng giềng mà còn là sự liên kết giữa các cụm kinh tế và các hành lang bên trong của Việt Nam, chuỗi cung ứng vận chuyển giữa các địa phương, trong khu vực đô thị...

Hiện Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về vấn đề kết nối. Chất lượng và mức độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không đồng đều trên cả nước; một số hành lang thương mại quan trọng và các cửa ngõ quốc tế đang ngày càng tắc nghẽn; dịch vụ logistics kém phát triển, đặc biệt là phân khúc phục vụ thị trường trong nước...

Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2019 đã phân tích cụ thể đặc điểm kết nối của Việt Nam về không gian, thời gian cũng như các tác động kinh tế của kết nối trên các khía cạnh khác nhau, những tổn thất kinh tế có thể xảy ra trong các trường hợp gián đoạn kết nối; việc tạo ra cơ hội tiếp cận công việc có thu nhập tốt hơn cho người dân nông thôn; tác động của kết nối đến phát triển thương mại và không gian phát triển của nền kinh tế. Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị trong các lĩnh vực liên quan đến hội nhập kinh tế toàn cầu, kết nối thị trường nội địa, phát triển toàn diện về không gian. Cùng với xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã mau chóng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng kết nối sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao giá trị gia tăng của Việt Nam trong các sản phẩm xuất khẩu, phát triển bao trùm và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việt Nam đang trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đây là giai đoạn có thể tạo nên đột phá trong phát triển song cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh quốc tế đang có nhiều biến động, diễn biến hết sức nhanh chóng, cũng như xu hướng tăng trưởng chậm lại của nhiều nền kinh tế lớn, khuynh hướng gia tăng bảo hộ đầu tư và các tác động khó lường của biến đổi khí hậu.

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione: Kết nối chặng cuối đem lại lợi ích cho người dân

Mây đen tiếp tục phủ lên nền kinh tế toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng tại Việt Nam. Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao trên thế giới, ước tính tới 7% trong năm 2019, cao hơn gấp ba lần so với mức trung bình toàn cầu. Thành tựu ấn tượng này có được là nhờ tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng nhu cầu nội địa, cho thấy tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.

Chủ đề của Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2019 “Kết nối vì phát triển và thịnh vượng chung” rất phù hợp với bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu hiện nay. Với động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, chủ yếu từ khối FDI và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, một trong những yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam là tăng cường hội nhập và kết nối thị trường nội địa để thúc đẩy sự phát triển liên tục và thịnh vượng chung cũng như để bảo đảm rằng bất kỳ sự suy giảm tiềm năng nào trong xuất khẩu đều có thể được bù đắp bởi nhu cầu trong nước cao hơn.

Chuỗi giá trị hiệu quả và kết nối là yếu tố thiết yếu đối với tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, bao gồm khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn cho người nông dân và nguồn thực phẩm tốt hơn cho các hộ gia đình (đặc biệt ở khu vực đô thị) cũng như khả năng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ dành cho tầng lớp trung lưu đang gia tăng. Nguồn nhân lực có kỹ năng cao và thích ứng cũng sẽ đóng vai trò quan trọng để bảo đảm tính kết nối và cạnh tranh của nền kinh tế.

Kết nối giao thông đến vùng khó khăn sẽ làm gia tăng cơ hội kinh tế cho người nghèo

Kết nối giao thông đến vùng khó khăn sẽ làm gia tăng cơ hội kinh tế cho người nghèo

Kết nối chặng cuối, đặc biệt là với các cộng đồng dân tộc thiểu số và xa xôi như vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên, có ý nghĩa quan trọng trong việc gia tăng cơ hội kinh tế và chuỗi giá trị bao trùm nhằm đem lại lợi ích cho mọi người dân Việt Nam chứ không chỉ tầng lớp trung lưu.

Kết nối không chỉ được xem xét trên quan điểm của thương mại toàn cầu, liên kết khu vực với các nước láng giềng mà còn là sự liên kết giữa các cụm kinh tế và các hành lang bên trong của Việt Nam, chuỗi cung ứng vận chuyển giữa các địa phương, trong khu vực đô thị...

Một yếu tố không kém phần quan trọng khác là Việt Nam cần nâng cao khả năng chống chịu của mạng lưới và kết cấu hạ tầng giao thông trước những thách thức của biến đổi khí hậu.

Để kết nối vì thịnh vượng và phát triển chung cũng như để bảo đảm rằng “mặt trời” vẫn tiếp tục tỏa sáng ở Việt Nam cho dù “mây đen” bao phủ kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần giải quyết một số vấn đề chính như khai thác hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông và cải thiện công tác phối hợp thay vì cạnh tranh lãng phí giữa các địa phương để sở hữu hạ tầng giao thông; đồng thời hoàn thiện quy hoạch giao thông và quy hoạch không gian để các chuỗi giá trị quan trọng hỗ trợ nhau tốt hơn nhằm tăng cường kết nối và hội nhập chuỗi giá trị trong nước và quốc tế; cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các khu vực kém phát triển thông qua kết nối với các trung tâm kinh tế.

Việt Nam có kết cấu hạ tầng giao thông tương đối tốt, nhưng với tài khóa hạn chế cho đầu tư cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần khai thác hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, đơn cử như hệ thống cảng, song song với việc đẩy mạnh vận tải đa phương thức. Ngoài ra, cần khuyến khích và đưa ra các sáng kiến phối hợp thay vì cạnh tranh trong việc xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông giữa các địa phương. Việt Nam cần hài hòa tốt hơn mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại và tăng cường chuỗi giá trị với các mục tiêu cải thiện kết nối, vì hiện tại chưa có chính sách hay chiến lược cụ thể nào về kết nối hướng tới thúc đẩy thương mại và quy hoạch, đầu tư vào giao thông.

Chuyên gia cao cấp WB Jen Jung Eun Oh: Xác định hành lang vận chuyển cho chuỗi giá trị

Thương mại Việt Nam tăng trưởng cao cùng với hội nhập ngày càng sâu rộng và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam sẽ được hỗ trợ lớn khi tham gia vào thị trường toàn cầu thông qua chiến lược kết nối.

Các phân tích có thể xác định hành lang vận chuyển cho chuỗi giá trị quan trọng trong 9 chuỗi giá trị (chiếm hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam). Những hành lang vận chuyển quan trọng nằm tập trung xung quanh các trung tâm kinh tế lớn nhất là Hà Nội, TP HCM, kết nối với các tỉnh, thành phố, vùng tham gia vào chuỗi giá trị.

Việc bảo đảm chất lượng của kết cấu hạ tầng và các dịch vụ logistics cần thiết dọc theo các hành lang này sẽ giúp giảm chi phí thương mại và vận chuyển liên quan đến các chuỗi giá trị, điều rất quan trọng đối với khả năng xuất khẩu của Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Minh Đức: Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới

Trong 25 năm qua, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng gần 4 lần và tỷ lệ nghèo đã giảm từ khoảng 53% năm 1992 xuống còn 2% vào năm 2016. Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới. Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa trung bình mỗi năm hơn 15% trong 10 năm qua; gấp gần 5 lần tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu. Cơ cấu xuất khẩu đã được cải thiện về hàm lượng công nghệ và đa dạng hóa cả về thị trường lẫn sản phẩm.

Mặc dù có thành tựu đáng kể nhưng thách thức vẫn còn đó.

Thứ nhất, các mặt hàng chế biến, chế tạo có giá trị cao của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng hàm lượng giá trị gia tăng cao tạo ra trong nước lại thấp.

Những hành lang vận chuyển quan trọng nằm tập trung xung quanh các trung tâm kinh tế lớn nhất là Hà Nội, TP HCM, kết nối với các tỉnh, thành phố, vùng tham gia vào chuỗi giá trị. Việc bảo đảm chất lượng của kết cấu hạ tầng và các dịch vụ logistics cần thiết dọc theo các hành lang này sẽ giúp giảm chi phí thương mại và vận chuyển, điều rất quan trọng đối với xuất khẩu.

Thứ hai, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng xuất khẩu chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI, khu vực chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi các doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Đây là hệ quả của các mối liên kết yếu trong chuỗi giá trị và sự tham gia hạn chế của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi giá trị toàn cầu quan trọng. Ngoài ra, nó phản ánh năng suất thấp và khả năng cạnh tranh yếu của khu vực tư nhân trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ ba, xuất khẩu của Việt Nam mạnh về số lượng nhưng yếu về chất lượng. Mặc dù đứng đầu về số lượng một số mặt hàng nông sản xuất khẩu, Việt Nam chưa cải thiện được vấn đề chất lượng, do đó giá bán thấp.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chi phí thương mại của Việt Nam rất cao, cao hơn mức trung bình của ASEAN về chi phí logistics và chi phí tuân thủ pháp luật tại cửa khẩu và sau khi thông quan.

Chính bốn thách thức đó góp phần làm cho sức cạnh tranh thương mại của Việt Nam yếu đi.

Đức Minh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ket-noi-vi-mot-viet-nam-thinh-vuong-563149.html