Kết nối tốt mới tăng hiệu quả tiêu thụ hàng Việt

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tại Việt Nam cứ 69.000 người mới có một cửa hàng tiện ích trong khi tại Hàn Quốc là 1.800 dân có một cửa hàng.

Thực tế này khiến hệ thống chợ truyền thống vẫn là kênh tiêu thụ chính, tới 85% mặt hàng thực phẩm tới tay người tiêu dùng. Mặc dù tiêu thụ một lượng lớn sản phẩm nông sản, thực phẩm nhưng tại đây vẫn đang tồn tại rất nhiều vấn đề về chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nguyên nhân của thực trạng trên do những bất cập, yếu kém về quản lý vĩ mô lĩnh vực phân phối bán lẻ; thiếu chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư dịch vụ phân phối bán lẻ.

Tại hội nghị Kết nối các DN sản xuất, phân phối thực phẩm Việt an toàn, chất lượng mới đây, ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Hà Nội đã xây dựng được 11 chuỗi liên kết sản phẩm rau an toàn, 21 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, qua đó mỗi năm hỗ trợ người sản xuất tiêu thụ 4.500 tấn thịt lợn; 3.100 tấn thịt gia cầm, 140 triệu quả trứng gia cầm, 29.000 tấn sữa tươi. Mặc dù đã đạt được kết quả khả quan nhưng việc sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn TP chủ yếu theo hình thức "mạnh ai nấy làm", dẫn đến khó khăn trong quá trình kết nối với DN phân phối.

Ông Đào Quang Vinh - Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vinh Anh, DN sở hữu nhà máy giết mổ công nghiệp chia sẻ: Khó khăn hiện nay là người chăn nuôi phần lớn ít vốn nên chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, dẫn đến khó quản lý chất lượng. Trong khi phần lớn người chăn nuôi lại chưa thực sự đặt niềm tin vào DN sản xuất, kinh doanh để ký hợp đồng mua bán ổn định. Thời gian tới, rất cần vai trò kết nối của Nhà nước nhằm gắn kết chặt chẽ giữa DN sản xuất và DN phân phối trong việc tìm ra mô hình hợp tác, tiêu thụ sản phẩm ổn định, đảm bảo, đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.

Khảo sát của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho thấy, hiện 85% DN đều có chung ý kiến Nhà nước cần hỗ trợ thành lập các trung tâm giao dịch hàng hóa hoặc tổ chức các phiên chợ giao dịch hàng hóa hoạt động định kỳ. Qua đó tạo “sân chơi” cho DN thực phẩm Việt an toàn, chất lượng kết nối tiêu thụ hàng hóa. Để làm được việc này, ngay từ bây giờ những chính sách như bổ sung quy hoạch phát triển thương mại của mỗi tỉnh, TP; Mỗi vùng kinh tế để dành một quỹ đất hợp lý cho một trung tâm giao dịch; Tạo các ưu đãi kinh tế để thu hút đầu tư xây dựng và vận hành trung tâm giao dịch… đang là những vấn đề cấp bách cần triển khai. Cùng với đó là các chính sách để các tổ chức đầu mối thích hợp tham gia vận động, làm cầu nối giúp các nhà bán lẻ, nhà sản xuất tham gia các Trung tâm giao dịch hoặc cổng thông tin…

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh việc thành lập các trung tâm giao dịch, kết nối tiêu thụ sản phẩm, một chiến lược trong phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích cũng cần sớm triển khai nhằm giúp quản lý tốt hơn chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ket-noi-tot-moi-tang-hieu-qua-tieu-thu-hang-viet-257435.html