Kết nối, tìm kiếm đối tác và phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa

Ngày 31/10, tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh, Sở Công Thương Đồng Tháp phối hợp Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị 'Kết nối cung cầu hàng Việt Nam - Đồng Tháp năm 2018'. Hội nghị nhằm tăng cường nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhà phân phối của 3 tỉnh (Đồng Tháp, An Giang, Tây Ninh) và TP.Hồ Chí Minh liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước; lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM, Đồng Tháp, An Giang, Tây Ninh; đại diện các doanh nghiệp (DN) sản xuất, thu mua, hệ thống phân phối, chợ đầu mối, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất (CSSX) đến từ TP.HCM và các tỉnh bạn.

Thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Đồng Tháp có thế mạnh là tỉnh thuần nông với nguồn cung nguyên liệu lớn. Dịp này, lãnh đạo Sở Công Thương Đồng Tháp đã giới thiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh nhà, gồm các ngành hàng: lúa, cá tra, vịt, xoài, hoa kiểng. Ngoài ra, địa phương cũng là vùng trọng điểm về các sản phẩm cây ăn trái: nhãn, trái cây có múi, sen...

Quang cảnh hội nghị

Là địa phương nổi bật với chính quyền thân thiện, chính sách mở cửa, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đến đầu tư, mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, thời gian qua, công tác hỗ trợ kết nối, liên kết tiêu thụ sản phẩm tại địa phương luôn được các sở, ngành quan tâm. Qua đó, góp phần chủ động được sản lượng, thúc đẩy sản xuất phát triển; xây dựng được một số chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực của tỉnh.

Đồng Tháp cũng tích cực tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành trong nước; liên kết tiêu thụ tại nước ngoài... Qua kết nối, các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của tỉnh từng bước phát huy được giá trị, tạo được vị trí ở thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu (Nhật Bản, Australia, Mỹ,...).

Trong năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trong tỉnh đã ký kết, thỏa thuận được 45 bản ghi nhớ với các đối tác. Qua đó, tạo điều kiện đưa nhiều mặt hàng nông sản của địa phương vào tiêu thụ tại các siêu thị trên cả nước. Trong đó, tại hệ thống Co.opMart, hàng hóa của tỉnh cung ứng đạt doanh số bình quân khoảng 10 tỷ đồng/tháng.

Những năm qua, Sở Công Thương Đồng Tháp còn phối hợp tổ chức nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn tạo điều kiện tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất (CSSX) của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay, công tác kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh, thành bạn vẫn còn gặp một số khó khăn, chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và phân phối bền vững.

Tham dự hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích về nguyên nhân của những hạn chế trong công tác kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ trong thời gian qua. Theo đó, nguyên nhân chính là do đến nay các doanh nghiệp, HTX vẫn còn tình trạng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thời vụ; khả năng gắn kết, liên kết sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và khâu tìm hiểu thông tin thị trường, năng lực kết nối, tiêu thụ vẫn còn nhiều hạn chế...

Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến của đại biểu tham dự liên quan đến việc đề ra giải pháp để việc kết nối cung - cầu trong thời gian tới hiệu quả hơn.

Cụ thể, các địa phương cần tiếp tục thực hiện công tác hỗ trợ kết nối, tập trung xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, phân phối theo hướng bền vững; kịp thời cập nhật thông tin về thị trường cung cầu hàng hóa nhằm hỗ trợ định hướng sản xuất, kinh doanh cho DN, HTX, CSSX; đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tiến kỹ thuật, trang thiết bị; kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống thương mại; xây dựng chuỗi các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn để tập trung trưng bày, tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của tỉnh nhà và tỉnh bạn...

Song song đó, các DN, CSSX, HTX cần phải chủ động tổ chức lại sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì.

Theo bà Lê Việt Nga - Vụ phó Vụ thị trường trong nước, Hội nghị kết nối cung cầu Đồng Tháp năm 2018 cũng là hoạt động thiết thực nhằm triển khai Cuộc vân động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và chương trình hành động của ngành Công Thương. Thời gian qua, Đồng Tháp là địa phương nổi bật trong việc kết nối giữa DN, HTX, CSSX trong tỉnh với nhiều địa phương, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và phân phối hàng hóa.

Hội nghị lần này cũng là hoạt động nhằm tạo sự kết nối giúp các DN, HTX, CSSX và doanh nghiệp khởi nghiệp của các tỉnh, thành có điều kiện giới thiệu, quảng bá thương hiệu, giao thương, tìm kiếm đối tác và phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa.

Các đơn vị tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông thủy sản tại hội nghị

Dịp này, DN, HTX, CSSX của các địa phương đã tìm hiểu thông tin về hàng hóa, sản phẩm giữa các đơn vị tham gia. Tại hội nghị, các đơn vị đã trao đổi, thỏa thuận, thống nhất ký kết 63 biên bản ghi nhớ trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông thủy sản.

Thanh Hiền

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/newsdetails/1d3fe19083d/ket_noi_tim_kiem_doi_tac_va_phat_trien_thi_truong_tieu_thu_hang_hoa.aspx