Hà Nội: 3 kịch bản tăng trưởng cho phục hồi và phát triển kinh tế

TP. Hà Nội đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng phục hồi và phát triển kinh tế quý IV/2021 và các năm 2022, 2023 với quan điểm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, chủ động, linh hoạt phục hồi và phát triển kinh tế theo lộ trình có kiểm soát.

Công nhân nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh tại Công ty CP Thống Nhất Hà Nội. Ảnh: Khánh Linh

Xây dựng rõ các kịch bản tăng trưởng cơ sở, phấn đấu và rủi ro

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về việc phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong quý IV/2021 và các năm 2022, 2023. Trong đó, xây dựng rõ các kịch bản tăng trưởng cơ sở, phấn đấu và rủi ro.

Cụ thể, Hà Nội đưa ra các kịch bản tăng trưởng quý IV và năm 2021. Kịch bản cơ sở (điều hành): quý IV/2021: GRDP tăng từ 5,09-7,37%; năm 2021 GRDP tăng từ 2,35-3,0%. Kịch bản phấn đấu: GRDP quý IV tăng trên 7,37%, năm 2021 tăng trên 3,0%. Kịch bản rủi ro: GRDP quý IV tăng thấp hơn 5,09%, cả năm 2021 tăng thấp hơn 2,35%.

Kịch bản tăng trưởng năm 2022 và 2023: Kịch bản cơ sở (điều hành) là GRDP năm 2022 tăng khoảng 7,0-7,5%; GRDP năm 2023 tăng khoảng 7,5-8,0%.

Kịch bản phấn đấu: GRDP năm 2022 tăng trên 7,5% và năm 2023 tăng trên 8,0%; nếu duy trì 2 năm 2024-2025 tăng 8,5% thì trung bình 5 năm 2021-2025 đạt trên 7,5%.

Kịch bản rủi ro: GRDP năm 2022 tăng thấp hơn 7,0% và năm 2023 tăng thấp hơn 7,5%. Nếu 2 năm 2024-2025 tăng thấp hơn 7,5% thì trung bình 5 năm 2021-2025 sẽ thấp hơn 6,5%.

Theo nhận định của kế hoạch này, thời gian tới nhiệm vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 gặp một số khó khăn. Các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy; thiếu nguồn cung lao động do lao động về quê, lao động vướng việc gia đình nên chưa sẵn sàng trở lại sản xuất. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn do không có tài sản thế chấp hoặc phương án sản xuất kinh doanh không khả thi trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh...

Từ thực tế đó, quan điểm của TP. Hà Nội là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, chủ động, linh hoạt phục hồi và phát triển kinh tế theo lộ trình có kiểm soát với tiêu chí an toàn là trên hết và cao hơn tiêu chí chung của cả nước.

Duy trì sự ổn định kinh tế, miễn, giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp

Để thực hiện kế hoạch này, thành phố sẽ kiểm soát dịch Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế; chủ động xây dựng, triển khai các kịch bản phòng, chống tương ứng với các cấp độ dịch; thường xuyên đánh giá, cập nhật để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân chuyển đổi trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, thành phố duy trì sự ổn định kinh tế, đảm bảo cân đối ngân sách bằng việc thực hiện các giải pháp thu ngân sách, chống thất thu và phấn đấu hoàn thành dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; quản lý sử dụng, khai thác hiệu quả tài sản công, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đảm bảo nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, bức xúc, dự án trọng điểm...

Đặc biệt, Hà Nội thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, cụ thể, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, theo Nghị định số 52 của Chính phủ.

Theo đó, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng.

Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III, IV năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành.

Giảm 30% thuế đối với hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ ngày 1/10 đến 31/12/2021.

Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp dưới hình thức trả tiền hằng nằm.

Cùng với đó, thành phố sẽ hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, theo Nghị định số 80 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ, theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ…./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ha-noi-3-kich-ban-tang-truong-cho-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te-94759.html