Kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP tại Hà Nội

Để sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền có chỗ đứng trên thị trường cần có đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở phát triển, hoàn thiện sản phẩm; chuẩn hóa hồ sơ nhằm đưa sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối giới thiệu sản phẩm trên địa bàn TP Hà Nội.

Chiều 4/12, trong khuôn khổ AgroViet 2020, Hội nghị “Kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP tại Hà Nội 2020” đã diễn ra, thu hút gần 100 đại biểu tham dự.

 Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu tham dự (Ảnh: HNV)

Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu tham dự (Ảnh: HNV)

Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa Chương trình kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP đồng thời góp phần hỗ trợ các địa phương kết nối, mời gọi đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP với các tỉnh, thành trong cả nước, Hội nghị kết nối, tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP năm 2020 lần này là cơ hội gặp gỡ trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế, đề xuất tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn triển khai thực hiện.

Phát biểu khai mạc, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Trưởng Ban tổ chức AgroViet 2020 khẳng định, dân số của Hà Nội hiện đã gần 10 triệu người, chưa kể thủ đô cũng thu hút hàng triệu lượt người tham quan, lưu trú, đồng nghĩa với mức tiêu thụ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm khá lớn. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của ngành nông nghiệp Hà Nội còn thấp và chủ yếu vẫn phải nhập từ các tỉnh cũng như nhập khẩu từ nước ngoài. Xuất phát từ thực tế đó, trong những năm qua, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cấp quốc tế, cấp khu vực, cấp quốc gia, cấp vùng, cấp địa phương đã liên tục được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, UBND thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành tổ chức tại Hà Nội để đưa nông sản an toàn, chất lượng tốt đến với người tiêu dùng Hà Nội, đặc biệt là các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền.

Do đó, Hội nghị lần này hướng tới tạo ra diễn đàn để các đại biểu gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với nhà quản lý; chuyên gia phát triển thị trường; đại diện nhà phân phối, bán lẻ, nhằm đưa ra các sáng kiến, giải pháp để xây dựng mối liên kết tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền một cách có hệ thống và bền vững. Hội nghị hứa hẹn sẽ tạo cầu nối giao lưu trực tiếp hiệu quả, sôi nổi và đem lại kết quả cao cho địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: HNV)

Thông tin tại Hội nghị, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, trong những năm gần đây, chương trình OCOP được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng đồng thời cho thấy sự sáng tạo của người dân là vô hạn, ngày càng khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của OCOP. “Hội nghị kết nối giao thương là một trong những tiền đề góp phần đẩy mạnh việc kết nối các sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng vào các chuỗi siêu thị, các cửa hàng chuyên doanh, các hệ thống phân phối lớn trên cả nước và hướng đến xuất khẩu” – bà Hậu nói.

Dịp này, bà Hậu cũng bày tỏ cam kết, các thành viên của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam luôn xác định sẵn sàng làm cầu nối để đưa sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất đến với người tiêu dùng của cả nước một cách ổn định và bền vững góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo tiền đề cho nền kinh tế của cả nước đi lên.

Tham luận tại Hội nghị, bà Đinh Thị Thịnh, Phó Chủ tịch Liên hiệp HTX tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh, Hội nghị này có tác động đẩy mạnh kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến đến tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tại thị trường trong nước, trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quảng bá thương hiệu, qui trình sản xuất chất lượng sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền, góp phần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận của người tiêu dùng đối với việc sử dụng sản phẩm nông nghiệp trong nước nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng.

Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long đã kiến nghị, cần có cơ chế chính sách từ Trung ương đến địa phương cho các hoạt động xúc tiến thương mại nông sản, hoạt động giới thiệu nông sản địa phương và kết nối cung cầu, cần có đầu mối liên kết tập trung sản phẩm nông sản địa phương. Bên cạnh đó, cần nâng cao các chương trình truyền thông và phát triển thương hiệu sản phẩm, nông sản địa phương của tỉnh thành trên cả nước.

Các sản phẩm OCOP ngày càng khẳng định uy tín về thương hiệu và chất lượng (Ảnh: HNV)

Theo vị đại biểu này, “riêng đối với chương trình thực hiện OCOP cần có nguồn vốn đầu tư rất lớn để hỗ trợ các sản phẩm nâng cao năng suất, chất lượng. Cần huy động từ nhiều nguồn vốn và sự hỗ trợ từ các chương trình của trung ương, từ nguồn vốn khoa học công nghệ, chương trình mục tiêu quốc gia, các chủ thể sản phẩm OCOP rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước để giúp cho sản phẩm OCOP nâng tầm giá trị, đề xuất trung ương cần có ban hành khung chính sách hỗ trợ cụ thể cho các sản phẩm OCOP đã đạt được phân hạng từ ba sao trở lên”.

Cũng tại Hội nghị, ông Trần Phước Tài, Phó Giám đốc công ty cổ phần thương mại Sachi Tây Nguyên cho biết, với tinh thần “người Việt yêu hàng Việt”, là nhà sản xuất sản phẩm nông sản, công ty luôn trân trọng và gửi tới người tiêu dùng chữ “tín” về chất lượng, minh bạch về xuất xứ; cùng với các Doanh nghiệp/HTX phát huy thị trường nội địa hướng tới xuất khẩu bền vững, góp phần chắp cánh cho nông sản Việt Nam bay xa và bay cao hơn trên thị trường quốc tế.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết một số Biên bản ghi nhớ về hợp tác tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP.

“Mỗi xã, phường một sản phẩm” (tiếng Anh là One commune, one product- viết tắt là OCOP) là mô hình được học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm của của Nhật Bản” (tiếng Anh là One village, one product- viết tắt là OVOP). Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng. (Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Hà Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/ket-noi-tieu-thu-nong-san-va-san-pham-ocop-tai-ha-noi-569259.html