Kết nối tiêu thụ tại nhiều địa phương còn nhiều hạn chế

Mặc dù đã có nhiều bước tiến khả quan nhưng việc tạo dựng chuỗi liên kết tiêu thụ cho hàng Việt vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thực sự bền vững.

Chính vì vậy, nhiều đặc sản vùng miền vẫn chưa được người tiêu dùng biết đến hoặc nếu có cũng khó có thể tiếp cận bởi sự lỏng lẻo về liên kết trong lưu thông phân phối.

Khách hàng lựa chọn hàng hóa tại siêu thị Big C. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Khách hàng lựa chọn hàng hóa tại siêu thị Big C. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, đề án phát triển thị trường trong nước được Bộ Công Thương phát động nhằm xây dựng chuỗi cung ứng bền vững trong tiêu thụ hàng hóa và nông đặc sản. Cùng với đó, tạo cơ hội cho doanh nghiệp đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà phân phối gặp gỡ, kết nối và trao đổi kinh nghiệm, đưa sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng.
Hơn nữa, hàng hóa được lưu thông thuận lợi, thúc đẩy sản xuất phát triển, người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý, mẫu mã phong phú. Không những thế, doanh nghiệp phân phối đã có nguồn hàng ổn định với đa dạng chủng loại, thu hút khách hàng góp phần tăng tỷ lệ hàng Việt Nam tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ hiện đại và thu hút nguồn vốn đầu tư.
Đáng lưu ý, tới đây Bộ Công Thương cùng các địa phương, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ có những bước đột phá, sáng tạo hơn nữa trong hoạt động kết nối cung cầu.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng tại nhiều địa phương dù có mô hình sản xuất sản phẩm rất tốt nhưng quy mô rất là rào cản cho việc liên kết với các doanh nghiệp. Bởi theo các chuyên gia thương mại, trong khi nhu cầu sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng ngày càng cao thì các nhà sản xuất và doanh nghiệp lại thiếu liên kết cũng như thông tin hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Trước thực tế này, bà Trần Thu Quỳnh, Trưởng phòng thu mua siêu thị AEON cho hay, tiêu chuẩn duy nhất của AEON đối với các nhà cung cấp trong nước là phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa, tuân thủ theo các quy định riêng của AEON về chất lượng sản phẩm cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo bà Trần Thu Quỳnh, AEON ưu tiên hợp tác với các nhà sản xuất, các nhà cung cấp có chính sách hợp tác cùng phát triển với AEON lâu dài. Vì thế, nhà cung cấp cần chứng tỏ được khả năng về nguồn hàng lớn, thời gian cung cấp và giao hàng nhanh.
Do vậy, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết giữa doanh nghiệp sản xuất và phân phối là yếu tố then chốt để phát triển bền vững.
Mặt khác, để xuất khẩu hàng hóa thông qua kênh phân phối hiện đại các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý mang hình ảnh quốc gia, địa phương qua đó tạo sự khác biệt hóa và nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ket-noi-tieu-thu-cho-hang-viet-con-nhieu-han-che/131984.html