Kết nối, thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và Nhật Bản

Ngày 10/6, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Thương vụ - Đại sứ Quán Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm ASEAN – Nhật Bản tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam – Nhật Bản 2021. 21 doanh nghiệp CNHT Việt Nam đã giao thương trực tuyến với 48 doanh nghiệp Nhật Bản nhằm tìm hiểu năng lực, yêu cầu của nhau.

Phát biểu tại hội nghị giao thương, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM cho biết, quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa các DN Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực CNHT đang ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu.

"Sự kiện ngày hôm nay có sự tham gia của các DN Việt Nam đang hoạt động trong các ngành linh kiện điện tử, hóa chất, gia công cơ khí, DN có năng lực sản xuất, quản lý bài bản theo các tiêu chuẩn quốc tế, có mong muốn cùng xây dựng quan hệ đối tác bền vững với các DN Nhật Bản”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Thực tế, Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều hoạt động nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực CNHT. Tháng 5/2021, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Toyota Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ DN trong nước trong lĩnh vực CNHT ô tô. Trước đó, Cục XTTM đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm CNHT Việt Nam-Nhật Bản. Hay các tình nguyên viện cao cấp của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản đã hỗ trợ kỹ thuật cho DN CNHT Việt Nam… Từ đó, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho DN hai nước.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) tại hội nghị.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) tại hội nghị.

Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc tìm kiếm đối tác cung cấp sản phẩm CNHT của Việt Nam, hồi tháng 6 năm ngoái, Bộ Công Thương đã khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và CNHT Việt Nam. Theo đó, hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin này đã có hơn 3.600 doanh nghiệp đầy triển vọng của Việt Nam trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo, ô tô, điện tử, dệt may, da giày. Những dữ liệu này đã tạo thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Theo đánh giá của ông Vũ Bá Phú, những năm qua, doanh nghiệp CNHT của Việt Nam đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành CNHT chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo. Doanh thu sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp gần 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.

Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại những lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được xuất khẩu tới các quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản.

Ông Masataka Fujita – Tổng thư ký Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC) bày tỏ tin tưởng hội nghị giao thương trực tuyến lần này sẽ giúp các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ hội hợp tác thương mại. Đồng thời, ông Masataka Fujita khẳng định AJC sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản trong tương lai.

Chỉ ra những tồn tại của DN CNHT Việt Nam, ông Akutsu Michio – Đại diện Hiệp hội Các nhà tư vấn kinh doanh quốc tế Nhật Bản cho rằng, năng suất lao động của DN địa phương khá thấp; thiếu lao động có trình độ cao, thích ứng nhanh với sự thay đổi của công nghệ; cơ chế cấp vốn còn hạn hẹp và DN Việt Nam thiếu thông tin về các nhà cung cấp nước ngoài.

Ông Akutsu Michio – Đại diện Hiệp hội Các nhà tư vấn kinh doanh quốc tế Nhật Bản đưa ra nhiều khuyến nghị cho DN CNHT Việt Nam.

“DN Việt Nam có thể tiếp xúc với đa dạng nhà cung cấp nguyên liệu với giá thành hợp lý, nguyên liệu tốt, từ đó nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm”, ông Akutsu Michio khuyến nghị.

Theo ông Akutsu Michio, DN Việt Nam cần khắc phục những điểm yếu trên để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm CNHT cho các nhà sản xuất lớn. Đặc biệt, sản phẩm công nghiệp có hàng nghìn, hàng vạn linh kiện, chỉ thiếu 1 linh kiện thôi dây chuyền sản xuất sẽ bị dừng lại. Vì thế, DN CNHT cần có kế hoạch rất chi tiết để đảm bảo năng lực cung ứng.

Ngoài ra, DN CNHT của Việt Nam có thể cân nhắc lựa chọn cung ứng nguyên liệu từ công ty thương mại chuyên biệt. Các công ty này không chỉ liên kết với công ty Nhật Bản tại Việt Nam mà còn liên kết với DN nước ngoài để tìm nguồn nguyên liệu có chất lượng tốt, giá cả hợp lý. DN này cũng có thể đề xuất, cung cấp thông tin và máy móc thiết bị trong các lĩnh vực sản xuất mới, khó có thể tìm kiếm trên internet và tham gia vào giải quyết các vấn đề phát sinh với người tiêu dùng. DN CNHT của Việt Nam cũng có thể phát triển kênh bán hàng mới, bán sản phẩm tự chế tạo, tự phát minh cho DN nước ngoài.

Trong khuôn khổ hội nghị, 21 doanh nghiệp CNHT Việt Nam đã giao thương trực tuyến với 48 doanh nghiệp Nhật Bản. Tại các phiên giao thương, doanh nghiệp hai nước đã trao đổi thông tin, tìm hiểu năng lực, yêu cầu của nhau và đàm phán tìm kiếm đối tác.

Thu An

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/ket-noi-thuc-day-co-hoi-hop-tac-giua-dn-cong-nghiep-ho-tro-viet-nam-va-nhat-ban/20210611082739962