Kết nối tạm bợ của những kẻ cô độc trong đô thị

Chúng tôi ngừng lại cùng nhau ở một điểm, va chạm vào nhau bằng những dịu dàng ngắn ngủi.

Tôi vẫn còn nằm trong cơn mộng tha thiết đắm say, những nỗi gắn kết ấy đâm rễ trong từng nghĩ suy của mình, nhưng chưa bao giờ nó mọc thành cây trên một vùng đất tươi tốt.

Những cơn mộng ấy, cứ mãi chỉ cắm rễ trong lòng, rồi từ trong lòng sâu ấy mà dần mòn chết đi, khi bị hút hết nỗi buồn bã ủ ê của sự tan rã nối kết.

Những khi ấy, mới biết trong mình mọi điều gắn kết đều không thể kéo dài. Vừa trong khoảnh khắc say đắm ấy, bỗng chốc đã rời đi trong sự xa lạ ngột ngạt.

Biết vậy, sự kết nối tạm bợ đấy, nhưng rõ ràng nó có thật trong từng thời khắc. Tôi có thể chạm vào nỗi thật ấy để ru lòng mình trong ngàn ngày tạm bợ giữa một thành phố đầy tạm bợ.

Tôi không còn tin vào những mối tình cảm mãi mãi hay dài lâu, cũng như nỗi hoang mang càng ngày càng sâu khi từng người tha thiết rời bỏ nhau mà đi. Đó là sự phức tạp của xúc cảm, mà tôi không thể dùng như định nghĩa, những tên gọi để níu giữ.

 Góc tối của những kẻ cô đơn trong đô thị ấy, với tôi cùng là một trải nghiệm sống động. Ảnh: Radio Online.

Góc tối của những kẻ cô đơn trong đô thị ấy, với tôi cùng là một trải nghiệm sống động. Ảnh: Radio Online.

Tôi càng nhìn thấy rõ những điều này khi ngồi trước màn hình lớn để dõi theo những kẻ xa lạ ở Vive L’amour (1994)- bộ phim cô đơn tuyệt cùng của Thái Minh Lượng.

Tôi từng xem bộ phim này vì D, bởi cậu mê đắm Thái Minh Lượng, cậu đắm trong thế giới của những mùi và vị cô đơn, những kẻ không tồn tại định danh xã hội. Cậu xem để đồng cảm với họ. Tôi xem để cảm thấy gần hơn với cậu.

Bộ phim nhắc cho tôi về sự kết nối tạm bợ, nhiều cô đơn, bất lực, nhiều đè nén, ngột ngạt nhưng cũng nhói lên chút ấm áp, dịu ngọt giữa những kẻ xa lạ trong một ngôi nhà xa lạ, giữa một thành phố xa lạ ấy.

Tôi bị cuốn vào họ, hoặc nói đúng hơn, tôi tìm thấy những suy nghĩ riêng tư đến trần trụi của mình ở trong họ. Khi tôi xem từng khuôn hình của Vive L’amour, tôi thật sự biết ơn họ, vì chính những kẻ xa lạ ấy đã khiến tôi một lần nữa thấu hiểu, chấp nhận trần trụi mình.

Những tạm bợ quấn quýt với nhau, rồi buông nhau trong chính những quyến luyến ấy. Nếu đã không thể kết nối dài lâu thì có thể ở cạnh nhau, chạm vào nhau trong từng ngày tạm bợ ấy, để sau đó trả nhau về cô độc của riêng nhau thôi.

Ái tình thấm đẫm trong Vive L’amour rõ ràng là một lựa chọn. Khi họ chẳng thể nào chạm vào nhau bằng đối thoại của ngôn từ, thì ái tình là cách để cơ thể được cất tiếng. Bằng việc gần gũi nhau về thể xác, trong khoảnh khắc biến một người xa lạ thành một người tình đầy luyến ái.

Sau đó, họ - những người tình, những kẻ cô đơn trong thành phố - bước ra khỏi căn phòng của nhau để trở về với hoang vu thường ngày, nhưng rõ ràng, họ đã trải qua một kinh nghiệm của xúc cảm đời sống. Nó có thật như nỗi cô đơn mà họ có thể chạm vào được.

Là ngắn là dài cũng đã từng là đến gần, là chạm vào. Thế nên cứ thế mà giữ lấy ngày tạm bợ để dịu dàng cho nhau, để viết vào kí ức của nhau như một cuộc trở về mộng du.

Góc tối của những kẻ cô đơn trong đô thị ấy, với tôi cùng là một trải nghiệm sống động. Nếu thiếu đi những quãng ấy, đô thị sẽ trở nên buồn chán biết bao.

Cũng bởi những góc tối đô thị ấy, nghệ thuật sinh ra từ trong tăm tối, tuyệt vọng, cất lên những bài ca tuyệt đẹp đẹp, về ánh sáng, về con người, về tâm hồn, mà bình thường, chúng ta thật khó để chạm vào.

Tôi tin nghệ thuật.

Thủy Nguyệt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ket-noi-tam-bo-cua-nhung-ke-co-doc-trong-do-thi-post1099919.html