Kết nối sâu rộng vì phát triển bền vững

Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân Chúng tôi đến Xiêm Riệp (Vương quốc Cam-pu-chia) - nơi tổ chức Hội nghị cấp cao khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam lần thứ chín (CLV 9) đúng vào lúc tiết trời đất nước Chùa Tháp đang trong mùa khô, nhưng trời nắng dịu, không khí dễ chịu.

Xiêm Riệp là điểm hấp dẫn khách du lịch quốc tế nhất khi đến Cam-pu-chia, bởi nơi đây có nhiều quần thể di tích cổ kính của nhân loại. Đó là đền Ăng-co Vát, xứng tầm danh hiệu Di sản thế giới; là Ăng-co Thom, nổi tiếng với Đền Bay-on, nơi từng là cố đô của đế chế Khmer đến gần giữa thế kỷ 15; hay Biển Hồ (Tôn-lê Xáp) rộng lớn mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho người dân nơi đây với nguồn nước và sản vật phong phú. Đến với Xiêm Riệp là đến với vùng đất thấm đẫm văn hóa đặc sắc Cam-pu-chia, mảnh đất của những điệu múa Áp-xa-ra với những vũ đạo uyển chuyển say đắm lòng người.

Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực dồi dào và các nền văn hóa giàu bản sắc; có đường biên giới dài tiếp giáp nhau với một số cặp cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu cơ sở hạ tầng tương đối tốt, cùng nằm trên các trục hành lang kinh tế quan trọng của khu vực, bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho kết nối thương mại, du lịch, có quan hệ hữu nghị lâu đời. Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam là khu vực tương đồng về trình độ phát triển, tình hình chính trị ổn định, nền kinh tế tương đối năng động và tốc độ tăng trưởng cao, là cơ sở để tăng cường hơn nữa liên kết, tăng năng lực cạnh tranh cũng như tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Khu vực ngã ba biên giới ba nước bao gồm 13 tỉnh: Ra-ta-na-ki-ri, Xtung Treng, Môn-đun-ki-ri và Kra-ti-ê ở miền đông Cam-pu-chia; Át-ta-pư, Xa-la-van, Xê-công và Chăm-pa-sắc ở miền nam Lào; Kon Tum, Gia Lai, Đác Lắc, Đác Nông và Bình Phước của Việt Nam. Tuy không nằm trong khu vực Tam giác phát triển, song Xiêm Riệp vẫn được nước chủ nhà Cam-pu-chia chọn là nơi tổ chức CLV 9, nhằm tăng cường quảng bá du lịch.

Tại CLV 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả hợp tác giữa ba nước, đồng thời cho rằng, diễn đàn CLV là cơ sở quan trọng để xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc huy động các thành phần kinh tế. Cùng với sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, quan hệ CLV phát triển chặt chẽ hơn, cùng chia sẻ lợi ích, đoàn kết, thống nhất để phát triển. Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của khu vực và nêu sáu giải pháp phát huy thế mạnh, đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng của mỗi nước; nêu bảy đề xuất nhằm tăng cường hợp tác toàn diện ở khu vực. Những sáng kiến, đề xuất của Thủ tướng Việt Nam được Cam-pu-chia và Lào đánh giá rất cao.

Thủ tướng các nước Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam cam kết thúc đẩy hợp tác CLV trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng tốt đẹp, cùng có lợi, đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau; quyết tâm hợp tác hướng tới phát triển bền vững và bao trùm tại khu vực CLV, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phối hợp các nước ASEAN hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Một điểm mới của CLV 9 là các nhà lãnh đạo rất tâm đắc và đề xuất vấn đề kết nối trong các lĩnh vực, không chỉ là giao thông đường bộ, hàng không, du lịch..., mà đáng chú ý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đầu tư hiện đại hóa mạng viễn thông ba nước bằng công nghệ 4G, hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử cho ba nước, và áp dụng mức cước gọi giữa thuê bao của Viettel tại ba nước tương đương với mức cước trong nước. Hiện Viettel đã có các nhà mạng Metfone ở Cam-pu-chia và Unitel ở Lào. Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen cũng đề nghị Viettel hỗ trợ xây dựng cầu truyền hình giữa ba Thủ tướng Chính phủ và giữa các bộ, ngành ba nước để tăng cường trao đổi thông tin kịp thời và tiết kiệm ngân sách.

Tại buổi họp báo chung giữa ba Thủ tướng ngay sau khi kết thúc hội nghị, một vấn đề kết nối quan trọng nữa được các nhà lãnh đạo nêu ra, đó là kết nối về năng lượng. Theo đó, ba nước sẽ tăng cường kết nối lưới điện để mua bán điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện năng và tận dụng tiềm năng, lợi thế về nguồn điện mỗi nước, trong đó Việt Nam và Cam-pu-chia có nhu cầu mua điện, trong khi Lào có tiềm năng thủy điện; Việt Nam có lợi thế về kinh nghiệm phát triển lưới điện truyền tải, có thể đi đầu trong việc kết nối này. Cam-pu-chia và Lào cũng đặc biệt đánh giá cao thiện chí của Việt Nam khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tăng cường đào tạo nghề cho lao động ở khu vực Tam giác phát triển.

Hội nghị CLV 9 là dịp để Việt Nam tăng cường thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác với hai nước láng giềng. Trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và Lào, Thủ tướng Lào Thoong-lun Xi-xu-lít ôm hôn thắm thiết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ít ngày sau các hội nghị CLMV 8, ACMECS 7 và WEF - Mê Công mới được tổ chức tại Hà Nội. Thủ tướng Thoong-lun Xi-xu-lít bày tỏ niềm vui rằng, CLV 9 kết thúc, đồng chí về nước và vinh dự tham gia đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hữu nghị chính thức Lào, bởi đây là chuyến thăm có ý nghĩa hết sức đặc biệt trong quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào, Việt Nam anh em. Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen ngay khi đến Xiêm Riệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn mong muốn, củng cố và phát triển quan hệ với Cam-pu-chia trên tinh thần "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài".

Mặc dù bận rộn với lịch trình hoạt động dày đặc, chỉ trong nửa ngày, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn dành thời gian tiếp đại diện bà con cộng đồng người Cam-pu-chia gốc Việt tại Xiêm Riệp. Đại diện bà con cho biết, cộng đồng kiều bào ở đây có hơn 1.600 hộ với khoảng 6.500 người, chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, buôn bán nhỏ, dịch vụ..., cuộc sống còn nhiều khó khăn. Ân cần hỏi thăm cuộc sống, công việc làm ăn của bà con, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm bà con kiều bào xa Tổ quốc; cũng như gợi mở những hướng phát triển cho cộng đồng, đề nghị bà con chú trọng cho con em học hành. Xúc động trước tình cảm và sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ, bà con bày tỏ sẽ luôn nỗ lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, chấp hành luật pháp sở tại, đóng góp vào tình hữu nghị hai nước.

Hội nghị cấp cao CLV 9 đã thành công tốt đẹp, trong đó có đóng góp tích cực của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam. Hội nghị đã ra Tuyên bố chung với nhiều điểm quan trọng, trong đó đề xuất 15 dự án của ba nước để ưu tiên kêu gọi tài trợ từ các đối tác phát triển. Những nỗ lực thúc đẩy hợp tác lần này sẽ không chỉ giới hạn trong khu vực Tam giác phát triển, mà lan tỏa ra cả các địa phương khác của ba nước.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31366902-ket-noi-sau-rong-vi-phat-trien-ben-vung.html