Kết nối những tấm lòng nhân ái

Cuộc vận động 'Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo' nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn TP Hà Nội. Việc kết nối những tấm lòng nhân ái thông qua mô hình 'nhà chữ thập đỏ', ngân hàng bò, bữa ăn miễn phí… tạo thành sức mạnh mang ý nghĩa nhân văn, nâng đỡ những mảnh đời kém may mắn.

Phát huy tốt vai trò là cầu nối trong các hoạt động nhân đạo

Trao tặng “nhà chữ thập đỏ” tại Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Minh

Ấm lòng người nghèo

Nhiều năm qua, ngày nắng cũng như mưa, khoảng 9h sáng là những chuyến xe chở cơm, cháo từ thiện xuất phát từ chùa Linh Sơn (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) đến các địa điểm của Bệnh viện K để phát cho bệnh nhân nghèo. Ngày 21-12 vừa qua, nhận suất cơm nghĩa tình từ chùa Linh Sơn, chị Nguyễn Thị Hằng (xã An Phú, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) xúc động: “Hơn 10 ngày chăm sóc người thân điều trị tại Bệnh viện K cơ sở 3 (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), ngày nào tôi và những người đồng cảnh cũng được nhận bữa ăn miễn phí. Sự quan tâm đó giúp gia đình bệnh nhân tiết kiệm được một khoản tiền, có thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp”.

Qua tìm hiểu phóng viên Báo Hànôịmới được biết, bệnh nhân nghèo điều trị tại Bệnh viện K còn nhận được những suất ăn từ thiện từ nhiều nơi khác như chùa Tứ Kỳ (quận Hoàng Mai), Công ty TNHH đầu tư DIA, nhóm Gieo mầm yêu thương, Duyên từ tâm… Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện K tiếp nhận khoảng 60.000 suất cơm, cháo từ thiện được chuyển tới vào nhiều thời điểm trong ngày. Các bệnh viện khác cũng có những bữa ăn miễn phí dành cho bệnh nhân nghèo khó, cô đơn. Trên thực tế, những mô hình từ thiện này xuất hiện ở hầu hết các địa phương. Tính từ năm 2008 đến nay, toàn TP Hà Nội đã tặng hơn 1 triệu bữa ăn miễn phí cho người nghèo.

Bên cạnh đó, nhiều hộ nghèo trên địa bàn TP Hà Nội có cơ hội thoát nghèo nhờ được tặng nhà ở hoặc bò sinh sản. Chị Nguyễn Thị Oanh (thôn Cổ Hoàng, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên) tâm sự: "Trước đây, gia đình chị không đủ khả năng để cải tạo ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Vì thế, “nhà chữ thập đỏ” được tặng vào giữa năm 2018 là niềm vui thật khó nói hết được bằng lời".

Ông Nguyễn Sỹ Trường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2008-2018, toàn thành phố đã trợ giúp cho hơn 304.000 địa chỉ trong tổng số hơn 329.000 địa chỉ cần được giúp đỡ; hỗ trợ kinh phí thường xuyên cho hơn 90.000 người già neo đơn, trẻ em mồ côi, nạn nhân chất độc da cam, học sinh nghèo hiếu học… Các ngành, địa phương hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 2.000 “nhà chữ thập đỏ” với tổng kinh phí hơn 110 tỷ đồng; tặng gần 700 con bò sinh sản cho hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng… Kết quả khả quan từ cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã góp phần mang đến niềm tin, hy vọng cho các đối tượng yếu thế.

Hành động từ tâm

Không chỉ mang đến niềm vui cho những người có hoàn cảnh khó khăn, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã góp phần kết nối những tấm lòng nhân ái, làm lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng.

Nhiều năm tham gia hoạt động nhân đạo, không ít lần bà Trần Thị Hoàng Yến ở 164 phố Hoa Bằng (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) phải nhận những lời khó nghe. Thay vì khó chịu, bà Hoàng Yến kiên trì vận động, giải thích để những người xung quanh hiểu ý nghĩa của việc làm từ thiện. "Mưa dầm thấm lâu", nhiều người dân ở phường Yên Hòa trở thành hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ tích cực. Năm 2018, Chi hội Chữ thập đỏ cụm dân cư số 7, phường Yên Hòa do bà Hoàng Yến làm “thuyền trưởng” đã vận động được 5 con bò sinh sản và nhiều suất quà ý nghĩa khác để tặng hộ nghèo ở huyện Quốc Oai. Cá nhân bà Hoàng Yến hỗ trợ 300.000 đồng/tháng cho một học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở phường Yên Hòa, đồng thời tổ chức nhiều chuyến đi từ thiện ở tỉnh Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Bình… “Sức khỏe còn cho phép tôi còn tiếp tục cuộc hành trình kết nối những tấm lòng hảo tâm với người nghèo”, bà Hoàng Yến nhấn mạnh.

Chia sẻ về những suất ăn miễn phí chuyển đến cho bệnh nhân ung thư hơn 10 năm qua, sư thầy Thích Nữ Như Hiền, trụ trì chùa Linh Sơn cho biết, thời gian đầu, nhà chùa chỉ lo được 50 suất ăn/ngày. Sau thời gian ngắn triển khai, phật tử và các nhà hảo tâm nhận thấy việc giúp đỡ bệnh nhân nghèo là cần thiết nên đã chung tay thực hiện. Người góp của, người góp công, số lượng suất ăn miễn phí tăng dần. Hiện nay, trung bình mỗi ngày chùa Linh Sơn đưa khoảng 700 suất cháo, 400 suất cơm miễn phí đến các cơ sở của Bệnh viện K.

Đáng chú ý, các hoạt động từ thiện hình thành từ cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” trên địa bàn TP Hà Nội dần có sự liên kết để nguồn lực trợ giúp người nghèo thêm dồi dào. Điển hình là mô hình đặt hòm từ thiện tại chuỗi cửa hàng của Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, tại Trung tâm Chăm sóc sắc đẹp DIAMOND BEAUTY… Ông Vũ Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu khẳng định, toàn bộ số tiền thu được từ các hòm từ thiện sẽ được chuyển thành nhà, bò sinh sản, những suất quà, học bổng… để tặng người nghèo. Cách làm này giúp đối tượng yếu thế nhận được thứ họ cần chứ không phải là những thứ nhà hảo tâm có.

Với hướng đi đúng đắn, chắc chắn cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” trên địa bàn TP Hà Nội sẽ đến được với mọi cá nhân, gia đình, tạo thành nguồn sức mạnh mang ý nghĩa nhân văn nâng đỡ các đối tượng yếu thế.

Kết nối những tấm lòng nhân ái

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/922356/ket-noi-nhung-tam-long-nhan-ai