Kết nối nhiều tuyến xe buýt với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

TP Hà Nội đã lên các phương án kết nối giữa các tuyến buýt với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông nhằm tăng năng lực vận chuyển hành khách.

Tại cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với Sở GTVT về tiến độ đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết về mức hỗ trợ giá vé đối với người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên tuyến đường sắt đô thị này. Liên ngành cũng đề xuất Chủ tịch UBND thành phố quyết định ban hành giá vé để thành phố ký ban hành khi chính thức tiếp nhận tuyến đường sắt đi vào hoạt động.

Sở đã thực hiện dự án cải tạo hạ tầng phục vụ kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng xe buýt với tuyến đường sắt bằng nguồn ngân sách thành phố.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được vận hành thử toàn hệ thống trong 20 ngày để tiến tới việc nghiệm thu, khai thác thương mại.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được vận hành thử toàn hệ thống trong 20 ngày để tiến tới việc nghiệm thu, khai thác thương mại.

UBND TP cũng chỉ đạo xây dựng kế hoạch tiếp nhận tuyến đường sắt và giao cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội xây dựng phương án cụ thể, chuẩn bị đầy đủ nhân lực và các điều kiện cần thiết để tiếp nhận, vận hành.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị Sở GTVT tiếp tục chuẩn bị điều kiện cần thiết, xem xét chặt chẽ về vấn đề pháp lý, kỹ thuật để vận hành an toàn khi thành phố tiếp nhận đường sắt.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá, năm 2020, Sở GTVT là một trong những đơn vị đi đầu, chủ động triển khai nhiệm vụ, nhiều dự án hạ tầng được khởi công góp phần thay đổi diện mạo đô thị.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được khai thác thương mại vào đầu năm 2021.

Liên quan đến các kịch bản kết nối và vận hành, đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, TP Hà Nội đã sẵn sàng các kịch bản kết nối giữa dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông với hệ thống xe buýt để phát huy hiệu quả cho hệ thống giao thông công cộng Thủ đô.

Theo đó, thành phố đã chia ra làm 3 kịch bản. Kịch bản thứ nhất, trong 15 ngày đầu chạy miễn phí sẽ tổ chức khai thác các tuyến buýt theo như phương án hiện đang vận hành, các chỉ tiêu khai thác giữ nguyên như hiện tại để bảo đảm việc đi lại của hành khách không bị xáo trộn.

Kịch bản thứ hai, sau thời gian chạy miễn phí (đường sắt đô thị hoạt động bình thường với 10 đoàn tàu) sẽ tổ chức, điều chỉnh lại các tuyến buýt bảo đảm nguyên tắc và mục tiêu kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống xe buýt với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, bảo đảm theo lộ trình, các tuyến buýt ít bị ảnh hưởng điều chỉnh trước, các tuyến buýt bị ảnh hưởng lớn điều chỉnh sau, hạn chế tới mức thấp nhất đối với hành khách hiện nay do xe buýt đảm nhận. Với kịch bản này sẽ điều chỉnh có lộ trình đối với 4 tuyến buýt (tuyến số 02, 21, 27, 33) trùng lộ trình với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Khi tàu Cát Linh - Hà Đông hoạt động, số lượng xe buýt sẽ giảm 30-45%.

Sau 3 tháng tàu đi vào khai thác thương mại sẽ điều chỉnh hợp nhất 2 nhánh tuyến 21A (Bến xe Giáp Bát - Bến xe Yên Nghĩa) và nhánh tuyến 21B (Khu đô thị Pháp Vân, Tứ Hiệp - Bến xe Mỹ Đình) thành một tuyến buýt ngang số 21 (Khu đô thị Pháp Vân, Tứ Hiệp - Trần Vỹ) kết nối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại 2 ga (Thượng Đình, Vành đai 3), cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ga Vành đai 3 đến Ga Yên Nghĩa (7,5km) bảo đảm tăng cường kết nối ngang, giảm dần kết nối dọc.

Sau 6 tháng tàu đi vào khai thác thương mại sẽ điều chỉnh tuyến buýt 27 (Bến xe Yên Nghĩa - Nam Thăng Long) thành tuyến buýt kết nối ngang (Khu đô thị Định Công - Nam Thăng Long) kết nối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại Ga Láng, cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ga Láng đến Bến xe Yên Nghĩa (10km). Sau 9 tháng tàu đi vào khai thác thương mại sẽ điều chỉnh tuyến buýt 02 (Bác Cổ - Bến xe Yên Nghĩa) thành tuyến buýt ngang (Bác Cổ - Bến xe Mỹ Đình) kết nối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại Ga Láng, cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ngã Tư Sở tới Bến xe Yên Nghĩa (9km)...

Cửa soát vé tự động tại nhà ga đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Kịch bản thứ ba là khi đoàn tàu gặp sự cố. Đây là điều được thành phố tính tới nhằm bảo đảm an toàn hệ thống và ít ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân. Khi đó sẽ tổ chức thêm các lượt xe tăng cường để giải tỏa hành khách. Cùng với đó, thành phố Hà Nội sẽ phát triển thẻ vé điện tử cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Loại vé này sẽ tích hợp với thẻ vé của các hệ thống đường sắt đô thị cũng như xe buýt thường, xe buýt nhanh trong tương lai nhằm bảo đảm tiện lợi nhất cho hành khách.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông) 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công vào tháng 10/2011 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).

Sau nhiều lần gia hạn vận hành, khai thác thương mại, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đặt mục tiêu cam kết sẽ đưa vào vận hành, khai thác tuyến này trong quý 1/2021.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ket-noi-nhieu-tuyen-xe-buyt-voi-du-an-duong-sat-do-thi-cat-linh-ha-dong-20201223160544756.htm