Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp cầu nối 'bơm' vốn ra nền kinh tế

Chương trình kết nối với DN đã góp phần giúp Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018 là 16,84%, dư nợ cho vay DNNVV đạt 311.696 tỷ đồng, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thành phố đạt 7,37%...

Sáng 16-4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị “Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp”. Hội nghị được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), về nguồn vốn, tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của từng địa phương.

Theo báo cáo của ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, tại địa bàn Hà Nội, trong năm 2018, các tổ chức tín dụng đã giải ngân cho vay mới 120.000 tỷ cho 10.310 DN với lãi suất cho vay phổ biến 6-6,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 8-9%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 12.150 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ của 1.264 DN.

Chương trình kết nối với DN đã góp phần giúp Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018 là 16,84%, dư nợ cho vay DNNVV đạt 311.696 tỷ đồng, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thành phố đạt 7,37%.

Ngân hàng đã tổ chức 1.500 buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để tìm cách “bơm” vốn cho nền kinh tế.

Ngân hàng đã tổ chức 1.500 buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để tìm cách “bơm” vốn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Tần, các chương trình, chính sách cho vay đối với DN hiện còn nhiều khó khăn. Nhiều DNNVV chưa đáp ứng được điều kiện vay vì năng lực tài chính hạn chế, thiếu vốn đối ứng, phương án kinh doanh thiếu khả thi, công tác hạch toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch trong khi lại thiếu tài sản đảm bảo ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng NH.

Bên cạnh đó, phần lớn các DNNVV có quy mô nhỏ, trình độ quản lý và áp dụng khoa học vào sản xuất kinh doanh còn hạn chế; hoạt động mang tính tự phát, thiếu kế hoạch và chiến lược cụ thể.

Thừa nhận những khó khăn này, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết hầu hết các DN tư nhân có quy nhỏ và vừa rất cần vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng khả năng tài chính của các DN này bị hạn chế.

Một bài toán khó hiện nay là do DNNVV không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp do thông tin chưa minh bạch, một số DNNVV thường xử lý số liệu trước khi gửi bộ hồ sơ vay đến NH. Chính điều này đã gây khó khăn cho các NH trong sử dụng các chỉ tiêu tài chính để chấm điểm và xếp hạng tín dụng. Hoặc các DN không có khả năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hay không có dự án khả thi để các NH xem xét cho vay.

“Thủ tục vay vốn NH khó nên khiến DNNVV, DN siêu nhỏ ngại vay vốn NH nên đã tìm đến nguồn vay tín dụng đen”, bà Trần Thu Hằng, TGĐ Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam nêu ý kiến. Theo bà Hằng, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các DN khi tiếp cận nguồn vốn NH đó là tài sản thế chấp.

Bởi vậy, bà Hằng đề nghị, ở một góc độ nào đó, NH cần có các giải pháp để DN tháo gỡ khó khăn, tiếp cận nguồn vốn tốt hơn. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thân bổ sung nút thắt của vấn đề này là do tâm lý của DN cho rằng vay vốn từ NH không dễ và điều khoản, điều kiện tiêu chuẩn vay của các DN luôn không đủ.

Trong khi đó, các NH thì vẫn tư duy về tính an toàn cao, NH hầu như chưa coi khách hàng là đối tượng cần phục vụ, việc nhân viên lăn lộn với khách hàng như nhiều loại hình kinh doanh khác còn hạn chế. Ông Thân cũng chỉ ra rằng, ngoài nỗ lực của DN, các NH cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các DN nhỏ, đồng thời, cũng phải chấp nhận một phần rủi ro với DN.

Khẳng định NH rất muốn cho DNNVV vay vốn, nhưng đại diện NH Vietcombank cho biết, việc tiếp cận vốn của những DN này khó khăn đến từ cả 2 phía. Hầu hết DNNVV tiền thân là hộ kinh doanh cá thể, đội ngũ lãnh đạo thiếu kinh nghiệm về quản lý, năng lực điều hành tài chính và quản lý rủi ro không cao, khả năng chống đỡ trước các biến động của chính sách vĩ mô, môi trường kinh doanh và ngành nghề chưa thực sự tốt.

Hơn nữa, DNNVV thường có quy mô vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính không cao, thông tin lại thiếu minh bạch. Ngoài ra, một trở ngại lớn nữa là các DNNVV khó khăn về tài sản đảm bảo khi cần vay vốn. Trong khi đó, để đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị ngày càng cao, NH cũng đưa ra nhiều điều kiện với khách hàng vay vốn mà nhiều DNNVV không đáp ứng được, đấy là chưa kể, chính NH cũng “ngại” cho vay nhóm DNNVV vì hiệu quả kinh doanh vốn không cao, trong khi việc xử lý, thẩm định hồ sơ mất thời gian và tốn kém…

Chung quan điểm về những khó khăn trong thủ tục “bơm” vốn cho khối DNNVV, NH Bưu điện Liên Việt cho rằng cùng với việc thiết kế những gói tín dụng riêng biệt phù hợp với nhóm DNNVV, cần phải tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình xin cấp bảo lãnh từ Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, qua đó phát huy và tăng cường được vai trò của Quỹ đối với DN trong quá trình tiếp cận vốn NH…

Hà An

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/ket-noi-ngan-hang-doanh-nghiep-cau-noi-bom-von-ra-nen-kinh-te-541292/