Kết nối kinh doanh Việt Nam - MERCOSUR qua giao thương trực tuyến

Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã tác động mạnh đến kinh tế, xã hội của Việt Nam và các nước thành viên MERCOSUR. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam - MERCOSUR nhằm mục đích cung cấp thông tin về thị trường; đồng thời tạo cơ hội kết nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam và MERCOSUR.

MERCOSUR - thị trường tiềm năng cho Việt Nam

Thành lập năm 1991, khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) gồm 4 nước thành viên chính thức là Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay.

Hiện MERCOSUR là khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là một trong những nhà sản xuất hàng đầu về lương thực, nguyên liệu và năng lượng cũng như một thị trường đầy tiềm năng cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như may mặc, da giày, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì hội nghị từ đầu cầu TP. Hồ Chí Minh

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì hội nghị từ đầu cầu TP. Hồ Chí Minh

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, quan hệ kinh tế thương mại - đầu tư giữa Việt Nam - MERCOSUR đã không ngừng phát triển. Chỉ tính riêng 10 năm trở lại đây, giá trị thương mại hai chiều đã tăng hơn 2,5 lần, từ 2,45 tỷ USD vào năm 2011 lên 8,68 tỷ USD vào năm 2019; trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang MERCOSUR đạt 2,7 tỷ USD và nhập khẩu từ khu vực này đạt gần 6 tỷ USD.

Để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại - đầu tư giữa hai bên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam và các nước thành viên Khối MERCOSUR hiện đang trao đổi khả năng đàm phán một hiệp định thương mại song phương. Hiệp định sẽ giúp nâng tầm quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Hội nghị nhằm mục đích cung cấp thông tin về thị trường; đồng thời tạo cơ hội kết nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam và MERCOSUR

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trước đó, Việt Nam đã thành lập các cơ chế đối thoại với hầu hết các thành viên của MERCOSUR. Các cơ chế này đã trở thành một kênh quan trọng để các bên trao đổi thông tin; rà soát các nội dung hợp tác và thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.

Phát biểu tại hội nghị từ đầu cầu Argentina, Thứ trưởng phụ trách Quan hệ kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo Argentina - Đại sứ Jorge Neme - chia sẻ: MERCOSUR luôn dành sự ưu tiên đối với quan hệ với Việt Nam và sẽ tiếp tục chính sách này trong 6 tháng đầu năm 2021 khi Argentina là Chủ tịch luân phiên của MERCOSUR.

Việt Nam là đối tác nổi bật và tin tưởng của Argentina trên mọi lĩnh vực. Thương mại giữa hai nước đã tăng trưởng 4 lần trong vòng 1 thập kỷ qua. Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 3,5 tỷ USD và năm nay, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh, kim ngạch dự đoán vẫn tiếp tục được duy trì. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục trở thành đối tác tin cậy cung cấp lương thực chất lượng cho người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời tăng cường thương mại trong các lĩnh vực công nghiệp, dược phẩm và thiết bị y tế” - Đại sứ Jorge Neme cho biết.

Kết nối kinh doanh giúp doanh nghiệp vượt đại dịch

Bên cạnh những thuận lợi trên, cộng đồng doanh nghiệp hai bên vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức ảnh hưởng tới hiệu quả giao thương. Đơn cử như tại Brazil. Bà Phạm Thị Kim Hoa - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Brazil - cho biết, mặc dù Brazil là một thị trường rộng lớn với hơn 200 triệu người với giá trị nhập khẩu hàng năm khoảng 236 tỷ USD (trong đó 30% là từ các nhà cung cấp châu Á). Tuy nhiên, ngôn ngữ Bồ Đào Nha là rào cản đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường này, chưa kể, ở đây thủ tục nhập khẩu phức tạp, yêu cầu công chứng…

Tương tự ở thị trường Uruguay và Paraguay, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những thách thức từ khoảng cách địa lý, sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Bộ Công Thương, những khó khăn này đã khiến trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam - MERCOSUR giảm nhẹ 1,66% trong 8 tháng đầu năm nay khi chỉ đạt 5,53 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, hội nghị trực tuyến được kỳ vọng sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp hai bên tìm hiểu thông tin thị trường của nhau, từ đó có kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Theo đại diện của Cục Xúc tiến thương mại, Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam - MERCOSUR diễn ra qua nền tảng Zoom Cloud Meeting và được tường thuật trực tiếp trên fanpage của Cục Xúc tiến thương mại. Hội nghị có sự sự tham gia của gần 60 doanh nghiệp nhập khẩu đến từ khối Mercosur và hơn 150 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín Việt Nam. Tại đây các doanh nghiệp sẽ tham dự phiên giao thương trực tuyến diễn ra liên tục từ ngày 1-3/10/2020, tập trung vào các ngành hàng: dược phẩm, nguyên liệu dược phẩm, vật tư y tế phòng dịch…; Giày dép, may mặc, nguyên liệu dệt may, nguyên liệu nhựa, rượu vang, thịt bò, hạt các loại, hoa quả sấy...

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ket-noi-kinh-doanh-viet-nam-mercosur-qua-giao-thuong-truc-tuyen-144768.html