Kết nối du lịch khám phá Tây Bắc

Với sự liên kết chặt chẽ của các địa phương và doanh nghiệp, du khách có thể dễ dàng khám phá các điểm đến hấp dẫn trong nước

Sở hữu những địa điểm du lịch làm say đắm du khách: Sa Pa, Mộc Châu, đèo Pha Đin, đèo Ô Quý Hồ, đèo Khau Phạ, Mù Cang Chải…, du lịch Tây Bắc đang tạo nên sự hấp dẫn riêng biệt, thu hút nhiều du khách đến khám phá, trải nghiệm.

Bốn mùa quyến rũ

Tây Bắc gồm 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái. Nhắc đến Tây Bắc, nhiều người liên tưởng ngay đến những bản sương giăng, đèo mây phủ, những cánh đồng hoa cải trắng bất tận, những vườn mận, vườn mơ đẹp như bước ra từ trong cổ tích hay những ruộng bậc thang đầy sắc màu giữa thiên nhiên hùng vĩ.

Tây Bắc đẹp bốn mùa. Mỗi mùa có nét quyến rũ riêng. Năm 2019, tổng số khách du lịch đến vùng Tây Bắc mở rộng đạt 35 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 5 triệu lượt, doanh thu đạt gần 53.000 tỉ đồng.

Sa Pa với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ luôn cuốn hút khách du lịch

Sa Pa với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ luôn cuốn hút khách du lịch

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), nhìn nhận du lịch Tây Bắc có nhiều tiềm năng phát triển. Saigontourist cùng các doanh nghiệp du lịch của TP HCM và một số nhà tư vấn đã tham gia khảo sát các điểm đến, dịch vụ của các tỉnh Tây Bắc. Lữ hành Saigontourist đặt chỉ tiêu 1 năm phát triển ít nhất 3 tour mới liên quan Tây Bắc như về nguồn, văn hóa lịch sử, khám phá nghỉ dưỡng, ẩm thực, du lịch MICE và đặt chỉ tiêu bình quân hằng năm đưa khách đến Tây Bắc tăng 10% - 20%. Saigontourist cũng sẽ ưu tiên các điểm đến Tây Bắc trong chương trình tour liên tuyến, đơn tuyến, kết nối du lịch nội địa và du lịch ngoài nước. Hiện doanh nghiệp này đang chào bán hàng loạt tour khám phá Tây Bắc Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sa Pa - Lào Cai cho ngày thường và Tết Tân Sửu…

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, giới thiệu công ty này cũng dành cho khách hàng loạt tour khám phá Tây Bắc với các trải nghiệm săn mây Tà Xùa, ngắm cải Mộc Châu, săn mây Y Tý - Sa Pa, khám phá Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên, chinh phục Fansipan hay tour kích cầu Điện Biên mùa hoa với giá rất hợp lý. Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, cho biết dù bị tác động của dịch Covid-19 kéo dài nhưng đến 15-11, công ty vẫn phục vụ được 23.000 khách đến tham quan tại các tỉnh Tây Bắc. Doanh nghiệp này kỳ vọng sẽ phục vụ khoảng 40.000 khách đến vùng Tây Bắc trong năm 2021.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương, nhận định do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du khách trong nước có xu hướng ưu tiên lựa chọn những chuyến đi ngắn ngày, đi theo nhóm bạn bè hoặc gia đình, khám phá vẻ đẹp đất nước ở những vùng đất còn hoang sơ và xu hướng này đặc biệt phù hợp với các tỉnh Tây Bắc mở rộng.

Liên kết để cùng phát triển

Tuy có rất nhiều lợi thế, nhưng du lịch Tây Bắc chưa thật sự phát triển tương xứng tiềm năng. Nơi đây còn thiếu cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch, nhất là đường giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi… Nguồn nhân lực du lịch còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ, các sản phẩm du lịch chưa thật sự tạo dấu ấn riêng biệt, khả năng liên kết giữa các tỉnh để xây dựng tour, tuyến hoàn chỉnh còn hạn chế…

Để giải bài toán cho du lịch Tây Bắc, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, phát triển du lịch cộng đồng, cần có thêm các chiến lược quảng bá, tăng tính liên kết với các đơn vị lữ hành cũng như với các vùng du lịch khác. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khẳng định các địa phương trong vùng cần có sự liên kết chặt chẽ bên cạnh sự liên kết với những vùng du lịch khác trong cả nước như du lịch Tây Bắc với Hà Nội, TP HCM hoặc du lịch Đông - Tây Bắc kết hợp. Sự liên kết này sẽ phát huy tối đa đặc trưng thế mạnh của từng vùng, tạo nên sản phẩm du lịch mới, rõ tính đặc thù.

Việc TP HCM mới đây tham gia hội nghị liên kết phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2020 được kỳ vọng sẽ hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch. Trước đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã phát động chương trình kích cầu du lịch tại các tỉnh Tây Bắc với sự hưởng ứng của 150 doanh nghiệp du lịch trên cả nước.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty Du lịch VietSense, cho rằng không chỉ liên kết vùng du lịch, việc liên kết giữa các đơn vị lữ hành, điểm đến, lưu trú cũng cần được quan tâm. Các địa phương nên tổ chức các đoàn khảo sát, liên kết với các đơn vị lữ hành trong việc xây dựng sản phẩm du lịch.

Phát triển du lịch cộng đồng

Bà Triệu Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Yên Bái, nhìn nhận du khách đến trải nghiệm đông thì du lịch cộng đồng tại các địa phương mới có cơ hội phát triển. Theo bà Ngọc, thời gian tới, Yên Bái sẽ đẩy mạnh tổ chức các giải chạy bộ, dù lượn để tăng sức hút, đồng thời tăng hiệu quả trong khâu quảng bá du lịch địa phương. Trong khi đó, bà Tẩn Thị Quế, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lai Châu, cho biết Lai Châu đang tận dụng thế mạnh nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, tăng tính trải nghiệm cho khách tham quan du lịch tại những vùng trồng nông sản.

Bài và ảnh: Yến Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ket-noi-du-lich-kham-pha-tay-bac-20201212220011895.htm