Kết nối doanh nhân ĐBSCL

Các tỉnh ĐBSCL có chung đặc thù sông nước hài hòa, có lợi thế lớn về nông nghiệp, được xem là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây, rau màu của cả nước. Để nâng cao giá trị nông nghiệp, giúp người dân làm giàu trên vùng đất 'Chín Rồng', vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân rất quan trọng. Trong đó việc tăng cường kết nối, hợp tác là yêu cầu cần thiết.

Vực dậy phong trào

Trong hệ thống tổ chức của Hội Doanh nhân trẻ (DNT) Việt Nam, cùng với xây dựng DNT ở từng tỉnh, thành phố (thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam mỗi tỉnh), còn thành lập Cụm DNT Tây Nam Bộ. Lần lượt Hội DNT từng tỉnh, thành phố ĐBSCL đảm nhận vai trò Cụm trưởng luân phiên. Mục đích cho ra đời Cụm DNT Tây Nam Bộ nhằm kết nối các DNT trong khu vực, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, sáng tạo trong giới trẻ, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đất “Chín Rồng”. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Hội DNT tỉnh An Giang (hiện tại giữ vai trò Cụm trưởng Cụm DNT Tây Nam Bộ), việc giao lưu, gắn kết giữa cộng đồng DNT trong khu vực lâu nay chưa thường xuyên, còn rời rạc, chưa đạt các mục đích, yêu cầu đề ra. Nguyên nhân chính do hoạt động của Hội DNT các tỉnh, thành phố ĐBSCL chưa đều. Có tỉnh hoạt động rất mạnh, tổ chức được nhiều phong trào, mô hình phong phú, đa dạng nhưng có tỉnh hoạt động cầm chừng hoặc gần như không hoạt động. Điển hình 2 tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang, đến nay vẫn chưa tổ chức được đại hội nhiệm kỳ mới của Hội DNT. “Bản thân từng Hội DNT ở mỗi tỉnh, thành phố không đẩy mạnh được phong trào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo cũng như giao lưu, gắn kết hội viên ở địa phương mình thì rất khó thúc đẩy phong trào chung của Cụm DNT Tây Nam Bộ” - anh Việt đánh giá.

Việc kết nối giao thương, nâng cao giá trị nông sản vùng ĐBSCL là rất cần thiết

Trước tình hình trên, Hội DNT Việt Nam đã cùng với Cụm DNT Tây Nam Bộ quyết tâm vực dậy phong trào hoạt động của DNT trong khu vực. Phó Chủ tịch Hội DNT Việt Nam Lương Thế Hùng đã trực tiếp đến 2 tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tiếp thu ý kiến của các hội viên DNT, làm việc với Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam của 2 tỉnh để bàn giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội DNT. Đồng thời, làm việc, động viên một số doanh nhân lớn, có uy tín đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội DNT nhằm tạo động lực, khí thế mới trong cộng đồng doanh nhân. “Các tỉnh đã cơ bản thống nhất tổ chức Đại hội Hội DNT tỉnh Kiên Giang trong tháng 6, còn tỉnh Hậu Giang dự kiến tháng 7-2019” - anh Hùng thông tin.

Phát huy thế mạnh

Với vai trò là Cụm trưởng Cụm DNT Tây Nam Bộ, anh Nguyễn Thanh Việt cho biết, Hội DNT An Giang đã xin ý kiến thường trực UBND tỉnh về việc đăng cai tổ chức hội thảo về đầu tư nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) khu vực ĐBSCL trong năm 2019. “Thường trực UBND tỉnh cơ bản đồng ý và rất ủng hộ Hội DNT đứng ra tổ chức hoạt động này” - anh Việt thông tin.

Khi trình bày ý tưởng tổ chức hội thảo về đầu tư NNCNC cho khu vực ĐBSCL, Hội DNT An Giang nhận được sự ủng hộ, hoan nghênh của Hội DNT Việt Nam cũng như Hội DNT các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ. “ĐBSCL có tiềm năng, thế mạnh rất lớn về nông nghiệp. Mỗi tỉnh, thành phố đều có những sản phẩm đặc sản, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, việc gắn kết giữa các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, chuyển giao công nghệ cho sản xuất NNCNC trong nước với các doanh nghiệp ĐBSCL chưa được nhiều. Việc kết nối kênh cung ứng, phân phối sản phẩm NNCNC cho doanh nghiệp trong khu vực ĐBSCL cũng chưa thường xuyên. Nếu tổ chức tốt diễn đàn kết nối, mỗi doanh nghiệp trong khu vực sẽ tìm kiếm thêm được cơ hội phát triển sản xuất NNCNC, kết nối kinh doanh, xây dựng uy tín, thương hiệu sản phẩm. Qua đó, nâng cao thêm giá trị nông sản khu vực ĐBSCL cũng như phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của vùng đất này” - Chủ tịch Hội DNT tỉnh Bến Tre Trần Anh Thuy nhấn mạnh.

Ở địa phương mà phong trào DNT chưa mạnh, chị Nguyễn Hoàng Dung, Bí thư Tỉnh đoàn Hậu Giang, ủng hộ việc thường xuyên tổ chức các diễn đàn kết nối doanh nhân. “Dù là khu vực có lợi thế về nông nghiệp nhưng lâu nay, nông dân ĐBSCL chưa thể giàu lên vì việc gắn kết xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản cũng như liên kết tiêu thụ, phân phối sản phẩm còn yếu. Muốn làm được điều này, cộng đồng doanh nhân phải chung tay, chung sức với nông dân, phải hợp tác với nhau mạnh mẽ hơn để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Tỉnh đoàn Hậu Giang sẽ kết nối với Hội DNT Việt Nam cũng như Cụm DNT Tây Nam Bộ củng cố, vực dậy phong trào hoạt động của Hội DNT Hậu Giang. Qua đó, gắn kết thêm với các tỉnh, thành phố trong khu vực để cùng nhau phát triển” - chị Dung nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/ket-noi-doanh-nhan-dbscl-a242978.html