Kết nối di sản văn hóa phi vật thể với du lịch

Việt Nam tự hào là quốc gia có 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và hàng nghìn di sản trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc kết nối các di sản phi vật thể với ngành du lịch lại đang xảy ra những xung đột.

Tour du lịch Hát Xoan làng cổ.

Tour du lịch Hát Xoan làng cổ.

Các sản phẩm du lịch hấp dẫn

Trong những năm qua, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành các sản phẩm du lịch nổi tiếng. Có thể kể đến như tour du lịch “Về miền đất Tổ Hùng Vương” được tỉnh Phú Thọ khai thác. Ðáng chú ý, sản phẩm du lịch “Hát xoan làng cổ” được đưa vào hành trình của tour đã giúp du khách được hòa mình vào các điệu hát xoan. Hay như Thừa Thiên - Huế, hiện tại nhã nhạc cung đình Huế được biểu diễn hằng ngày, có bán vé ở Duyệt Thị đường. Nhã nhạc cũng được phối hợp biểu diễn tại các dạ tiệc hoàng cung như một hình thức dịch vụ. Ðồng thời, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế còn tổ chức biểu diễn nhã nhạc phi lợi nhuận tại sân điện Thái Hòa và Thế Miếu. Ðây cũng là một trong những cách làm để nhã nhạc cùng với quần thể di tích cố đô Huế trở thành sản phẩm du lịch cốt lõi và có giá trị của địa phương này…

Với những chương trình trên, có thể nói ngành du lịch đã và sẽ góp phần đặc biệt quan trọng trong việc khôi phục, bảo tồn, gìn giữ và phát triển di sản văn hóa dân tộc; nâng văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới. Cũng nhờ sự liên kết với du lịch nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã làm sống dậy và được đề cao trên thị trường nghệ thuật quốc tế như múa Rối nước, hát dân ca Quan họ, hát Ả đào, hát Chầu văn, dân ca các miền, nghệ thuật múa dân gian các dân tộc thiểu số như múa Sạp Mường, múa Xòe Thái...

Tuy nhiên, đó cũng chỉ có một vài “điểm sáng” triển khai được sự kết nối mang tính bền vững di sản văn hóa phi vật thể với du lịch. Thực tế, hiện nay nhiều địa phương cũng còn dè dặt với việc xây dựng sản phẩm du lịch từ di sản phi vật thể. Lý do được đưa ra như thiếu kinh phí, ít nghệ nhân, thiếu người duy trì hoạt động thường xuyên… Không những vậy, theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đang được khai thác để phục vụ du lịch một cách khá manh mún, không có lộ trình, kế hoạch cụ thể. Ở đó, du lịch đã biến một số loại hình di sản phi vật thể thành hàng hóa đơn thuần vì mục đích kinh tế. Cũng vì mục đích này đã gây nên những tác động khiến di sản ngày càng méo mó.

Vở diễn Tứ phủ.

Cần phát huy thế mạnh của di sản

Có thể nói, vẫn còn không ít di sản tồn tại việc khai thác theo kiểu bán vé thu tiền, khách đến một lần rồi không quay lại vì năm này qua năm khác vẫn chỉ đơn điệu những cảnh ấy, bài hát, điệu múa ấy...

Cách làm không tạo ra được các sản phẩm có tính đột phá, hấp dẫn khách du lịch, thậm chí đôi khi còn làm méo mó, biến dạng di sản, khiến khách du lịch có thể hiểu biết thiếu chính xác về di sản văn hóa phi vật thể mà họ tiếp xúc. Thậm chí có nơi, cả hai bên kết hợp trên tinh thần nhanh nhạy, nhưng cách làm “ăn xổi”, muốn có lợi nhuận ngay, dẫn đến làm hỏng văn hóa.

Đơn cử như nghệ thuật ca trù Hà Nội, đến nay chưa có một điểm biểu diễn ca trù nào thường xuyên, quen thuộc để khách tham quan đến xem. Quan họ thì cũng vẫn chỉ tập trung giới thiệu công chúng vào ngày Hội Lim 13 Tết hàng năm. Ví giặm cũng chưa được đưa vào sản phẩm du lịch nào…

Còn nhớ, cách đây 4 năm một vở diễn mang tên “Tứ phủ” của đạo diễn trẻ Việt Tú, lấy cảm hứng từ nghi lễ thờ Mẫu của người Việt đã gây được một tiếng vang lớn. Vở diễn được đưa vào kết hợp trong một chương trình du lịch. Sau hơn 400 buổi diễn liên tiếp, vở diễn nằm trong top 3 show diễn văn hóa phải xem khi đến Hà Nội. Thành công của vở diễn cho thấy danh hiệu di sản tầm quốc tế là rất quan trọng trong việc quảng bá văn hóa dân tộc. Các nhà sản xuất sản phẩm du lịch, các nghệ sĩ cần nhanh nhạy nắm bắt để không bỏ phí cơ hội quảng bá tuyệt vời này. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, những sản phẩm du lịch liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận chưa có nhiều. Thực tế hiện nay chưa có được nhiều hơn những chương trình nghệ thuật đặc sắc được đầu tư bài bản như “Tứ phủ”.

Theo PGS.TS Dương Văn Sáu- Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, để tạo sự gắn kết cần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Tức là cho di sản “sống” cùng đời sống xã hội đặc biệt là gắn di sản với hoạt động của du lịch.

Hoạt động này nhằm tận dụng và phát huy tốt nhất các sức mạnh nội và ngoại lực của các di sản văn hóa; đem lại những lợi ích khác nhau cho các đối tượng công chúng trong vai trò của du khách tham gia hoạt động trong môi trường di sản cũng như các cộng đồng cư dân bản địa và cơ quan quản lý di sản. Khi đó, di sản thực sự trở thành tài sản theo đúng nghĩa của từ này.

Những lợi ích thu được từ các hoạt động du lịch sẽ chi phối trở lại các hoạt động của các di sản, tạo điều kiện cho di sản tồn tại và phát triển bền vững. Nhân đó mà tài sản văn hóa được tăng thêm không ngừng, mang lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng cư dân - chủ nhân của các di sản văn hóa cũng như lợi ích thông qua thu nhập tăng thêm cho cán bộ - nhân viên trong các cơ quan quản lý di sản. Khi đảm bảo lợi ích, người ta sẽ gắn bó với di sản chặt chẽ hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn… điều đó giúp di sản được bảo tồn và phát triển bền vững hơn.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ket-noi-di-san-van-hoa-phi-vat-the-voi-du-lich-550291.html