Kết nối để xóa đi khoảng trống trong phòng chống bạo lực tình dục

Những nạn nhân của bạo lực tình dục bị mất đi phẩm giá của mình, họ phải sống trong sợ hãi và đau đớn, và trong những trường hợp xấu nhất, bạo lực tình dục thậm chí có thể tước đi mạng sống của họ.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA phát biểu tại Hội nghị.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA phát biểu tại Hội nghị.

Ngày 4/12/2019, tại khách sạn Crowne Plaza (Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị Quốc gia về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội lần thứ 4 với chủ đề: Kết nối để xóa đi khoảng trống trong phòng chống bạo lực tình dục.

Hội nghị năm nay là sáng kiến của mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet), bao gồm 17 tổ chức xã hội Việt Nam, nhằm xác định những khoảng trống trong thông tin về thực trạng bạo lực tình dục, trong pháp luật, thực thi pháp luật và dịch vụ phòng chống bạo lực; chia sẻ kiến thức, bài học kinh nghiệm về phòng chống bạo lực tình dục; xây dựng và cung cấp các khuyến nghị thiết thực cho các nhà làm chính sách, nhà quản lý, người cung cấp dịch vụ, các tổ chức xã hội và giới truyền thông; tạo diễn đàn đối thoại và hợp tác giữa Chính phủ, các tổ chức xã hội và các cơ quan hỗ trợ kỹ thuật và tài chính trong nước và quốc tế nhằm thu hẹp các khoảng trống được xác định.

Bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng Hành động Vì Bình đẳng giới và Phòng Chống Bạo lực trên cơ sở Giới. Hội nghị đã nhận được sự tài trợ của Cơ quan Liên Hiệp Quốc và Bình đẳng Giới và trao quyền cho Phụ nữ, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, Công ty Facebook và nhiều nhà tài trợ khác.

Hơn 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan Chính phủ, các chuyên gia luật pháp , các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý chương trình, đại diện lực lượng thực thi pháp luật, các nhà hoạt động xã hội, các nhà giáo dục, đại diện cộng đồng, học sinh, thanh niên và giới truyền thông đã tham gia hội nghị. Đại diện của các cơ quan Liên Hiệp Quốc, đại sứ quán nhiều nước và các tổ chức quốc tế cũng đến dự, thể hiện sự quan tâm đến vấn đề và sự hỗ trợ mạnh mẽ của họ đối với hoạt động có ý nghĩa này.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Trưởng ban GBVNet đã nhấn mạnh: “Chúng ta đã cố gắng nhưng chưa đủ để chấm dứt nạn bạo hành tình dục, chưa đủ để xóa bỏ tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, chưa đủ để không còn cháu gái hay người phụ nữ nào phải sống trong sợ hãi, tủi nhục, thậm chí phải tìm đến cái chết vì hình ảnh nhạy cảm của họ bị phát tán… Tôi tin rằng chính nỗi đau, sự bức xúc, cảm giác có lỗi… đã đưa chúng ta đến đây cùng nhau hôm nay. Hội nghị này sẽ là diễn đàn để chúng ta chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, và cả những trải nghiệm về bạo lực tình dục để chúng ta hiểu rõ hơn chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức nào và sẵn sang đến đau để vượt qua chúng. Đây cũng là cơ hội để chúng ta kết nối với nhau nêu lên các sáng kiến và xây dựng kế hoạch hợp tác nhằm chấm dứt những nỗi đau và mang lại bình yên cho tất cả phụ nữ và trẻ em trên đất nước này”.

TS. Khuất Thu Hồng, Trưởng mạng lươíGBNet-Viện trưởng Viện ÍDS phát biểu tại Hội nghị.

Bà Elisa Fernandez - Trưởng văn phòng UNWOMEN, cho biết: “Những nạn nhân của bạo lực tình dục bị mất đi phẩm giá của mình, họ phải sống trong sợ hãi và đau đớn, và trong những trường hợp xấu nhất, bạo lực tình dục thậm chí có thể tước đi mạng sống của họ.

Bạo lực gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tới các quyền tự do mà tất cả chúng ta nên có: An toàn trên đường phố, ở trường, tại nơi làm việc, hoặc bất cứ nơi nào, cho dù đó là công hay riêng tư…

Đã đến lúc CHẤM DỨT tệ nạn bạo lực tình dục và tạo ra một xã hội quan tâm tôn trọng tất cả mọi người. Một ứng phó riêng lẻ hoặc một cách thức độc lập là không đủ. Để thành công chúng ta phải HỢP LỰC phá vỡ rào cản xã hội, đồng thời giải quyết các lỗ hổng trong luật pháp, nâng cao năng lực cho các đơn vị cung cấp dịch vụ để dịch vụ dành cho nạn nhân bị bạo lực nhạy cảm về giới, làm cho các dịch vụ dễ dàng đến được tới những nạn nhân và đảm bảo hệ thống tư pháp chịu trách nhiệm xử lý triệt để và nghiêm minh các trường hợp bạo lực tình dục”.

Hội nghị lần này có 4 phiên toàn thể và 8 phiên thảo luận song song đề cập tới nhiều góc độ của vấn đề bạo lực tình dục, bao gồm nhận diện các khoảng trống trong nhận thức, thực thi pháp luật và cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực tình dục. Các thảo luận cũng tập trung vào nhiều nhóm nạn nhân của bạo lực tình dục như trẻ em, vị thành niên, người đồng tính và chuyển giới, người có HIV, người sử dụng ma túy, người dân tộc thiểu số, người lao động di cư, người khuyết tật và người cao tuổi.

Toàn cảnh hội nghị.

Về thực trạng bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam, các chuyên gia tại hội nghị đều đồng ý còn rất nhiều khoảng trống. Cơ hội để thực hiện các nghiên cứu còn hạn chế, số liệu báo cáo thì khong đấy đủ. Người dân hầu như chỉ nắm được thông tin về bạo lực tình dục thông qua báo chí. Do đó những gì chúng ta biết về vấn nạn này có thể chỉ là một bức tranh méo mó, phiến diện và thiếu sót. Việc thiếu số liệu chính thức đầy đủ, chi tiết về tình trạng bạo lực tình dục khiến chúng ta không thể hình dung quy mô và mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nhưng những tin bài trên báo chí hằng ngày lại có thể khiến cho công chúng hoang mang, lo lắng. Thiếu số liệu đầy đủ, chi tiết cũng sẽ không giúp cho việc thiết kế các chương trình can thiệp hiệu quả. Bạo lực tình dục với các nhóm đặc thù như người lao động di cư, người cao tuổi, hay với các nhóm thiểu số như cộng đồng LGBT và các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội còn ít được biết đến và do đó ít được giải quyết.

Những khoảng trống trong các quy định pháp luật và thực thi pháp luật cũng là một nội dung quan trọng được hội nghị đề cập đến. Việt Nam đang còn thiếu những định nghĩa rõ ràng và đầy đủ về các tội danh như quấy rối tình dục, tấn công tình dục, hiếp dâm, cưỡng dâm… Đây là những kẽ hở mà một số người bị lợi dụng, bao biện để đánh tráo khái niệm hoặc trốn tránh trách nhiệm trước hành vi sai trái của mình…

Một khoảng trống lớn đang tồn tại trong các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân của bạo lực tình dục. Những mô hình và sáng kiến của Nhà nước và một số tổ chức xã hội vẫn còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Vẫn còn nhiều nạn nhân chưa thể tiếp cận đến những hỗ trợ về y tế, tâm lý, pháp lý và kinh tế cần thiết để vượt qua khủng hoảng và hậu quả của bạo lực tình dục mà họ phải trải qua. Bên cạnh nhận diện các khoảng trống hiện có, các chuyên gia tại hội nghị đã đưa ra một số giải pháp và mô hình cung cấp dịch vụ và phòng chống bạo lực tình dục tại Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới.

Bà Nguyễn Vân Anh - Đại diện Ban tổ chức chia sẻ: “Qua hội thảo, các đại biểu đã thảo luận cùng nhau hướng tới một hệ thống dịch vụ có khả năng tiếp cận tốt hơn với nạn nhân, để không có nạn nhân bạo lực tình dục nào bị bỏ rơi, bị lãng quên hoặc bị chối từ”.

Hội nghị Quốc gia về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội lần thứ 4: Vì một Việt Nam bình yên – Kết nối để xóa đi khoảng trống trong phòng chống bạo lực tình dục, diễn ra trong 2 ngày mùng 4 – 5/ 12/2019, hội nghị sẽ bế mạc vào chiều ngày mùng 5 tháng 12 năm 2019.

Vương Quốc Hoa

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ket-noi-de-xoa-di-khoang-trong-trong-phong-chong-bao-luc-tinh-duc-73428