Kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ Thủ đô
Với mục tiêu có từ 6-10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ chủ lực, đồng thời nâng tỷ trọng hàng thủ công mỹ nghệ chiếm 3-5% giá trị xuất khẩu, Hà Nội đang đẩy mạnh kết nối cung cầu, tiêu thụ, đặc biệt là giải bài toán nguồn nguyên liệu bền vững.
Cuối tuần này (từ 14-17/11), Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo thành phố Hà Nội năm 2024 sẽ được tổ chức, mở ra một “sân chơi” cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh... chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Nhiều giải pháp kết nối
Triển lãm sẽ là cơ hội để các đơn vị, cá nhân tham gia có cơ hội tiếp cận, kết nối với các thiết kế, mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới nhất của các nghệ nhân, thợ giỏi, chuyên gia trong và ngoài nước, nhà thiết kế trẻ và cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm xuất khẩu.
Sự kết nối giữa các bên tham gia sẽ mở ra cánh cửa để đưa các thiết kế đầy sáng tạo vào sản xuất và đưa các sản phẩm thực ra thị trường, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người tiêu dùng.
Triển lãm cũng được kỳ vọng góp phần phục vụ cho phát triển ngành thủ công mỹ nghệ nói chung và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn Hà Nội nói riêng. Đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm của thành phố, thu hút người dân, doanh nghiệp tăng cường trao đổi, giao thương hàng hóa.
Theo Sở Công thương Hà Nội, Triển lãm dự kiến được tổ chức với quy mô khoảng 5.000m2 bao gồm khu trưng bày, giới thiệu 500-600 sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo.
Đồng thời, Triển lãm sẽ đưa ra thị trường 300-350 mẫu sản phẩm theo thiết kế mới hoặc sản phẩm phát triển từ các thiết kế mới được công nhận của các nghệ nhân, thợ giỏi, nhà thiết kế, chuyên gia ngành thủ công mỹ nghệ; 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; khu thông tin truyền thông...
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, Hà Nội đã liên tục tổ chức các hoạt động nhằm kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm làng nghề, trong đó có sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đơn cử, mới đây có Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề huyện Thanh Trì năm 2024.
Giải bài toán nguyên liệu
Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận, tìm hiểu, kết nối các hoạt động thiết kế sáng tạo, phát huy những ý tưởng, thiết kế ra những mẫu sản phẩm mới, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật đáp ứng và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng, từ đó có thể phát triển, hình thành điểm đến về thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.
Bên cạnh các hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ, thành phố Hà Nội cũng đang đẩy mạnh hỗ trợ phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề thủ công mỹ nghệ.
Theo số liệu khảo sát mới nhất của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, trung bình một năm, các làng nghề mây tre đan Hà Nội tiêu thụ khoảng 6.800 tấn nguyên liệu các loại; các làng nghề gốm sứ tiêu thụ khoảng 620.000 tấn nguyên liệu, chủ yếu là đất sét và cao lanh; các làng nghề sơn mài cần khoảng 4.000 tấn nguyên liệu…
Nguyên liệu có vai trò quan trọng đến sự phát triển bền vững đối với các làng nghề. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như mây, song, giang, tre, gỗ, cói, cao lanh, sừng... ở Việt Nam đang rất thiếu do các vùng nguyên liệu bị thu hẹp, trong khi số lượng sản phẩm sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và nhu cầu xuất khẩu ngày càng lớn.
Nguyên liệu gỗ là nhóm phải nhập khẩu nhiều nhất do các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đang thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu trong nước…
Chia sẻ về khó khăn này, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, Làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) cho biết, hiện nguyên liệu mây tre lá cỏ đang có ở địa bàn Hà Nội chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu cần sử dụng nguyên liệu của thị trường.
Sự khan hiếm của nguyên liệu khiến các HTX, doanh nghiệp buộc phải tìm cách tự khỏa lấp, quá trình sản xuất bị ảnh hưởng dẫn đến giá thành nguyên liệu tăng cao, tăng chi phí sản xuất sản phẩm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và người sản xuất.
Theo Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, TP. Hà Nội đặt mục tiêu có từ 6-10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng hàng thủ công mỹ nghệ chiếm 3-5% giá trị xuất khẩu của Thành phố.
Để ngành thủ công mỹ nghệ phát triển bền vững và đạt mục tiêu theo Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, bên cạnh công tác phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại…, việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững là vấn đề mang tính quyết định.
Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu, theo một số chuyên gia, các cấp, ngành chức năng cần hoàn thiện các chính sách về đất đai, vùng nguyên liệu như khuyến khích doanh nghiệp, HTX, cá nhân trong việc cho thuê đất, tích tụ đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ sản xuất;
Đồng thời, định hướng phát triển vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước về phát triển nghề Hà Nội để hợp tác cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các làng nghề, tạo chuỗi liên kết phát triển và tiêu thụ sản phẩm...