Kết nối cung cầu, hỗ trợ mở rộng thị trường

Bằng cách phối hợp với các đơn vị xây dựng mô hình sản xuất - tiêu thụ, tổ chức tuần hàng nông sản… Bộ Công Thương đã và đang thực hiện hiệu quả vai trò kết nối cung - cầu cho hàng Việt; nâng cao vị thế, giá trị nhiều sản phẩm vùng DTTS và miền núi.

Những mô hình 3 bên hiệu quả

Trong nhiều mặt hàng nông sản có sản lượng, giá trị cao, An Giang đã chọn 2 sản phẩm chiến lược là lúa và cá tra để đưa vào xây dựng mô hình thí điểm “Doanh nghiệp - Hợp tác xã (HTX) - Hộ nông dân ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung”. Với sản phẩm lúa, một doanh nghiệp đủ tiềm lực đã ký hợp đồng với 26 hộ nông dân, tổng diện tích bao tiêu là 75 héc-ta. Với mặt hàng cá tra, một doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với 8 hộ, có tổng diện tích mặt nước nuôi cá là 83 héc-ta. Kết quả, các hộ trồng lúa đạt năng suất trung bình là 6,1 tấn/ héc-ta, trong khi các hộ ngoài mô hình chỉ đạt năng suất trung bình 5,7 tấn/héc-ta; các hộ nuôi cá tra đạt lợi nhuận 3.190 đồng/kg, cao hơn lợi nhuận của các hộ ngoài mô hình (3.150 đồng/kg).

Khách hàng lựa chọn các loại cá sông Đà tại Tuần lễ Cá sông Đà tổ chức ở Big C Thăng Long

Khách hàng lựa chọn các loại cá sông Đà tại Tuần lễ Cá sông Đà tổ chức ở Big C Thăng Long

Cùng với mô hình này, tại tỉnh Bắc Giang, 430 hộ nông dân và một số hộ kinh doanh tham gia trồng dưa chuột bao tử cho doanh thu tăng 38% - lợi nhuận tăng gấp 2 lần; trồng cà chua, doanh thu tăng 34% và lợi nhuận đạt gấp đôi so với trồng các loại rau màu khác.

Mô hình ở An Giang và Bắc Giang là 2 trong số những mô hình “Doanh nghiệp - HTX - Hộ nông dân ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung” và “Doanh nghiệp - Hộ kinh doanh - Hộ nông dân” áp dụng ở vùng sản xuất phân tán đã được Bộ Công Thương triển khai từ năm 2010 tại 12 tỉnh trên cả nước. Trong đó có một số tỉnh có đông đồng bào DTTS tham gia sản xuất như: Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp.

Với mô hình này, doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, quy trình kỹ thuật và nêu rõ yêu cầu chất lượng nông sản đối với các HTX, sau đó các HTX chuyển giao lại cho xã viên thực hiện. Khi sản phẩm hoàn thành, các xã viên có trách nhiệm chuyển lại cho HTX để HTX chuyển giao cho doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm. Kết quả cho thấy, các hộ, HTX tham gia mô hình đều có sản phẩm năng suất, chất lượng và giá bán cao hơn hẳn.

Tạo cầu nối tiêu thụ

Không dừng lại ở việc triển khai mô hình sản xuất - tiêu thụ, Bộ Công Thương còn tổ chức kết nối doanh nghiệp tham gia mô hình với các siêu thị (CoopMart, Hapro, Big C, Intimex...), để tạo cầu nối tiêu thụ trực tiếp nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân. Đặc biệt, giới thiệu đến người tiêu dùng cả nước những sản phẩm là kết tinh từ sức lao động và đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao…

Có thể kể đến Tuần lễ Cá sông Đà - Đặc sản tỉnh Hòa Bình, Sơn La, được giới thiệu quảng bá tại 15 siêu thị Big C, góp phần tăng độ nhận diện thương hiệu cá sông Đà có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có chứng nhận về chất lượng an toàn thực phẩm; Tuần lễ Nhãn và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La, góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh Sơn La đạt Chứng nhận VietGAP, GobalGAP, như: Xoài, bơ sáp, chuối tây nhãn, bí xanh, thanh long ruột đỏ, đậu Hà Lan, cải bắp Mộc Châu,… Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang, không chỉ tiêu thụ số lượng lớn trong siêu thị Big C Việt Nam, mà còn góp phần quảng bá, đưa thương hiệu trái vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang đến với người tiêu dùng Việt Nam trên khắp cả nước; Tuần lễ Dâu tây và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La quảng bá, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm dâu tây của tỉnh Sơn La nói riêng, nông sản an toàn tỉnh Sơn La nói chung; Tuần lễ đặc sản Tây Bắc và các tỉnh miền núi phía Bắc, tạo điều kiện để người dân Thành phố Hồ Chí Minh được tiếp cận với đặc sản an toàn vùng Tây Bắc như: măng Kim Bôi, thịt trâu gác bếp Yên Bái, thịt chua Phú Thọ, tương ớt Điện Biên…

Từ sự chỉ đạo, điều hành, phối hợp rất tích cực của Bộ Công Thương, đến nay, nhiều mặt hàng nông sản của đồng bào vùng cao đã có thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và từng bước xây dựng thương hiệu.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ket-noi-cung-cau-ho-tro-mo-rong-thi-truong-123796.html